Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, về dưới mức 5%/năm với kỳ hạn 12 tháng tại nhiều ngân hàng lớn

Lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, về dưới mức 5%/năm với kỳ hạn 12 tháng tại nhiều ngân hàng lớn

Dòng vốn dịch chuyển vào thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng về vùng dưới 5%/năm khiến nhiều người dân có xu hướng tìm kiếm kênh đầu tư hấp dẫn hơn. Trong đó, thị trường chứng khoán hút dòng tiền mạnh mẽ, thể hiện qua thanh khoản trung bình tháng 2 gần 1 tỷ USD và tuần đầu tháng 3 vượt ngưỡng 1 tỷ USD.

Sự dịch chuyển hiện hữu

Ghi nhận từ nhiều môi giới đang quản lý tệp khách hàng lớn, thanh khoản thị trường chứng khoán tăng lên rất tốt nhờ sự tham gia của dòng tiền cá nhân, doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong nước và cả khối ngoại.

Trong tháng 2, VN-Index ghi nhận đà tăng mạnh nhất trong vòng 4 tháng qua, thanh khoản hai sàn niêm yết trung bình đạt hơn 23.282 tỷ đồng/phiên, tăng 124% so với tháng 1. Trong đó, thanh khoản bình quân phiên trong tháng 2 trên HOSE là 20.794 tỷ đồng. Mức thanh khoản này cho thấy có tính đầu cơ và sử dụng đòn bẩy tăng, con số này chỉ thấp hơn các thời điểm tháng 8 - 9/2023 và đầu năm 2022 - những thời điểm có áp lực điều chỉnh mạnh trong quá khứ.

Cũng trong tháng 2, lượng tài khoản chứng khoán mở mới đạt 113.281 tài khoản, tăng 76,9% so với cùng kỳ và là tháng thứ 3 liên tiếp ghi nhận mức tăng; trong đó, nhà đầu tư trong nước mở mới 113.175 tài khoản, nhà đầu tư nước ngoài mở mới 106 tài khoản. Lũy kế 2 tháng đầu năm, số lượng tài khoản mở mới đạt 238.637 tài khoản, tăng 138% so với cùng kỳ năm 2023, đưa tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán lên trên 7,53 triệu tài khoản; trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm 99,2%.

Ghi nhận ở nhiều môi giới cho biết, khách hàng nạp lượng tiền lớn vào tài khoản, “từ vài tỷ đồng trở lên, không “lom dom” đôi trăm triệu như giai đoạn 2023”. Trong môi trường lãi suất huy động ở mức thấp, thị trường chứng khoán ghi nhận đà tăng tốt từ đầu năm tới nay, sự dịch chuyển sang kênh chứng khoán rõ nét hơn. Nhưng, nhiều nhà đầu tư cũng chia sẻ với môi giới của họ về việc cũng dành một phần tiền để đi săn “đất ngộp”.

Ghi nhận ở nhiều môi giới cho biết, khách hàng nạp lượng tiền lớn vào tài khoản, “từ vài tỷ đồng trở lên, không “lom dom” đôi trăm triệu như giai đoạn 2023”.

Xu hướng này có phần đồng nhất với góc nhìn của một số nhân viên môi giới bất động sản. Theo anh T.Kiên, đang làm quản lý nhóm sale của một doanh nghiệp địa ốc ngoại, do sản phẩm của công ty anh thuộc phân khúc cao cấp nên giai đoạn này bán khá chậm, trong khi nhu cầu khách hàng dành tiền để mua bất động sản ngộp lại cho thấy xu hướng rõ nét hơn.

Dưới góc nhìn của một nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng, có thể chia khách hàng thành nhiều nhóm khác nhau. Với nhóm khách hàng quen gửi tiết kiệm và đầu tư trái phiếu, không quan tâm đến bất động sản, trước sự kiện SCB thì “nhảy” ngân hàng liên tục để tìm kiếm lãi suất cao hơn, nhưng giờ đây mức độ “nhảy” giảm hẳn, đâu đó chấp nhận lãi suất thấp nhưng an tâm là được.

Với nhóm khách hàng ưa thích gửi lãi suất cao, thì khi lãi suất thấp như hiện nay, họ có xu hướng chuyển sang đầu tư bất động sản (nhóm này có khá nhiều tiền mặt, nếu mua bất động sản thì thường vay tầm 50% giá trị bất động sản trở xuống). Tuy vậy, tỷ trọng rút tiền khỏi kênh tiết kiệm ở nhóm này chưa quá nhiều, chỉ là rục rịch.

Với nhóm khách hàng thích “all - in” bất động sản, tình trạng chung là từ khi thị trường địa ốc hạ nhiệt, thanh khoản trầm lắng, họ bị “kẹp hàng”, nhiều trường hợp đang bị nợ quá hạn.

Một nhóm khác, ưa thích chứng khoán, quanh năm không gửi tiết kiệm, lời lỗ gì họ vẫn “ôm chứng”. Độ tuổi của nhóm này khá trẻ và tự tin, dù được tư vấn nên phân bổ tài sản nhưng họ vẫn “all-in” vào cổ phiếu.

Theo nhân sự trên, xu hướng hành vi của khách hàng thay đổi khá nhiều, trước chỉ cần lãi suất giảm là rút tiền đầu tư bất động sản, chứng khoán. Theo đó, có những thời điểm số người gửi tiết kiệm cũng “lên xuống theo thị trường”. Giờ thì tính thận trọng cao hơn nhiều, nhưng vì mặt bằng lãi suất thấp nên sự dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác là hiện hữu.

Khó kiên nhẫn với kênh tiết kiệm

Với kênh chứng khoán, theo góc nhìn của bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư SSI, bên cạnh động lực từ nội tại, thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong xu hướng tốt lên của thị trường chứng khoán toàn cầu. Xu hướng tăng chủ đạo hiện diện ở hầu hết thị trường chứng khoán các nước trên thế giới. Đặc biệt, tháng 2 cũng là tháng hồi phục mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc từ mức đáy 5 năm – thị trường có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.

Tâm lý lạc quan hơn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã thúc đẩy nhà đầu tư cá nhân trong nước đẩy mạnh giao dịch. Động thái trên đã nâng đỡ tốt cho thị trường trước áp lực rút ròng của nhà đầu tư ngoại và tổ chức trong nước. Nhờ vậy, giao dịch trên sàn HOSE trở nên sôi động hơn khi thanh khoản lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng.

Bà Phương cho rằng, nhịp phục hồi này được hỗ trợ vững chắc bởi xu hướng hồi phục tăng trưởng lợi nhuận, đặc biệt là quý IV/2023 vượt kỳ vọng, triển vọng khởi sắc trở lại của nền kinh tế và lãi suất thấp.

Câu hỏi cho thị trường đặt ra lúc này về khả năng đi tiếp hay điều chỉnh mạnh của thị trường trong thời gian tới?

“Kịch bản thị trường sẽ điều chỉnh sâu tương đối thấp và tiềm năng tăng giá của thị trường vẫn còn. Bên cạnh đó, với những tín hiệu khởi sắc ở các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm (sản xuất, thương mại, đầu tư), lãi suất tiếp tục duy trì mức thấp, xu hướng phục hồi lợi nhuận tiếp tục trong quý đầu năm 2024 và kế hoạch vận hành hệ thống giao dịch KRX chuyển biến cụ thể hơn gần đây là các yếu tố hỗ trợ chúng tôi đánh giá thị trường chỉ có thể chỉ diễn ra các nhịp điều chỉnh nhanh và sớm quay lại xu hướng tăng chính. Nhưng bước tăng sẽ chậm lại và rủi ro biến động sẽ diễn ra thường xuyên hơn”, bà Phương nêu quan điểm.

Kịch bản thị trường sẽ điều chỉnh sâu tương đối thấp và tiềm năng tăng giá của thị trường vẫn còn

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư SSI

Là nhân sự đang có tệp khoảng 1.000 khách hàng, NAV đa dạng, từ 2 tỷ đồng đến 2.000 tỷ đồng, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần FIDT cho biết, không chỉ khách hàng trong nước mà cả khách hàng Việt kiều đang quan tâm đến thị trường Việt Nam đang ở trong trạng thái “không thể để tiền nhàn rỗi” thêm được nữa.

“Với người Việt Nam, mức tối thiểu có thể làm cho người có khẩu vị rủi ro thấp nhất, kiên nhẫn với kênh tiền gửi là 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Bước qua mức này, kể cả một người 60 tuổi cũng không muốn gửi ngân hàng”, ông Huấn nói và cho biết thêm, mặt bằng lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn - nơi tập trung dòng tiền của gia đình khá giả, trung lưu, độ tuổi 45 - 50 tuổi – phổ biến ở mức dưới 5%/năm.

Với tệp khách hàng ông Huấn và Công ty đang tư vấn, họ có xu hướng dịch chuyển phân nửa tiền ra các kênh đầu tư khác. Cá nhân ông Huấn tư vấn cho khách hàng nên dịch chuyển 70 - 80%, tùy khẩu vị.

Ông Huấn cho biết, xu hướng dịch chuyển dòng tiền đang diễn ra trên diện rộng (đối với toàn bộ tệp khách đang quản lý), với cả khách hàng Việt kiều. Luận điểm của họ là chứng khoán Việt Nam vẫn ở vùng giá thấp, tăng trưởng GDP dự kiến vẫn tốt… Song song đó, họ cũng “nghe nói” về thị trường bất động sản đang có các luật mới có thể thuận lợi hơn, trong đó có các nội dung hỗ trợ nhiều hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài. Mặc dù luật cần thời gian dài để thẩm thấu, nhưng họ đang có kỳ vọng cao nên giải ngân dần cho bất động sản Việt Nam.

Quan điểm của ông Huấn với toàn bộ hệ thống khách hàng là “chứng khoán không tăng, bất động sản không có cửa nói chuyện”. Dòng tiền phải chạy, doanh nghiệp lớn nhỏ có hoạt động, có lợi nhuận, chứng khoán vận động, thu nhập người dân tăng lên, có tích lũy mới tạo được sự sôi động trên thị trường bất động sản. Vì vậy, các khách hàng được ông Huấn tư vấn tăng tỷ lệ chứng khoán và giãn thời gian cơ cấu vốn vào bất động sản.

Theo ông Huấn, giai đoạn 2023 - 2024, nhà đầu tư nên tập trung lớn vào kênh chứng khoán, giữa năm 2024 có thể săn dần “hàng ngộp” bất động sản nông nghiệp, hay đất thổ cư vùng ven. Chuyên gia này lý giải, nhiều khách hàng chưa nắm rõ nguyên lý chu kỳ kinh tế, rằng bất động sản tăng sau chứng khoán, nên họ có tâm lý thấy an toàn hơn với bất động sản và nhìn thấy giá đang mềm hơn, lãi suất thấp hơn thì “tội gì không mua bất động sản”. Nhưng nếu làm như vậy, họ sẽ lãng phí cơ hội kiếm lời trên thị trường chứng khoán giai đoạn 2023 - 2024, trong khi nếu mua bất động sản thì cũng không tăng giá.

“Kinh tế đang dần hồi phục, sự dịch chuyển mới bắt đầu từ đáy đi lên, điều này có thể có những rủi ro trong ngắn hạn nhưng hấp dẫn trong dài hạn đối với thị trường chứng khoán”, ông Huấn khẳng định.

Tin bài liên quan