Ông có thể khái quát tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam trong thời gian qua?
Năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,05%. Mặc dù tình hình kinh tế hiện tại có chậm lại, nhưng doanh nghiệp Đức vẫn khẳng định cam kết mạnh mẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và nhận thấy những cơ hội phát triển lâu dài tại đây.
Lũy kế đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp Đức đã đầu tư 463 dự án, với tổng vốn đăng ký lên tới hơn 2,683 tỷ USD, đứng thứ 17 trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Trong số gần 500 doanh nghiệp Đức có mặt tại Việt Nam, hơn một nửa tập trung tại TP.HCM. Hầu hết nhà máy sản xuất của Đức đều nằm ở miền Nam, đặc biệt là tại Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM. Những khoản đầu tư lớn nhất ở miền Nam thuộc về Bosch (cơ khí ô tô), tiếp theo là STADA (dược phẩm).
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn của Đức cũng có mặt ở miền Bắc, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và Hải Phòng. B. Braun (dược phẩm) và Messer (khí công nghiệp) là hai trong số những công ty đầu tư lâu đời và lớn nhất tại đây. Gần đây, Magnetec (điện tử) và Tesa (sản xuất băng keo) đã đầu tư tại Hải Phòng, còn Lecka (thực phẩm dinh dưỡng) đặt trụ sở tại Hà Nội.
Đa phần doanh nghiệp Đức đầu tư ở miền Trung đặt trụ sở tại Bình Định, Phú Yên và khu vực Đà Nẵng (Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi). Những nhà đầu tư mới nhất bao gồm Dräxlmaier (ô tô), Wendler (nguyên liệu dệt may) và OKE (điện tử) tại Quảng Nam. Tại Bình Định, Leonhard Kurz (ô tô) đang xây dựng nhà máy.
Doanh nghiệp Đức đánh giá thế nào về môi trường đầu tư tại Việt Nam, thưa ông?
Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Đức. Tại Đông Nam Á, Thái Lan, Indonesia và Philippines là những thị trường lớn, nhưng tăng trưởng kinh tế của các quốc gia này không ổn định. Năm 2023, mặc dù GDP của Việt Nam chỉ đạt 5,05%, thấp hơn so với mức 8,02% của năm 2022, nhưng vẫn cao hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Trước đây, đầu tư trực tiếp (FDI) từ Đức chủ yếu tập trung vào Singapore, Thái Lan và Malaysia. Các quốc gia này đều có các nhóm ngành công nghiệp Đức đã được thiết lập lâu đời, như ngành ô tô ở Thái Lan, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Singapore.
Tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng này đang dần thay đổi khi Việt Nam được coi là một điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn. Các nhà đầu tư Đức đang ưu tiên mở rộng hoạt động của họ tại Việt Nam thay vì Trung Quốc, do thị trường Việt Nam có mức chi phí đầu vào thấp hơn, vị trí địa lý thuận lợi, cũng như chuỗi cung ứng gần Trung Quốc. Việt Nam còn hấp dẫn các nhà đầu tư Đức bởi thị trường người tiêu dùng trung lưu ngày càng lớn mạnh.
Ông dự báo thế nào về xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam trong năm 2024?
Xu hướng đầu tư của Đức tại Việt Nam trong năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng. Điều này được củng cố bởi chuyến thăm của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier trong tháng 1/2024 cùng đoàn doanh nghiệp cấp cao để thảo luận về cơ hội cho doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Đức đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến thị trường Việt Nam, bởi xu hướng nhân khẩu học thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng gia tăng và vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.
Đến nay, chúng tôi đã nhận được một số cam kết về các dự án mới của Fuchs Petrolub (cung cấp dầu bôi trơn) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Kärcher (sản xuất máy móc) tại Quảng Nam, Tenowo (sản xuất vải) tại Hải Phòng, Schütz (sản xuất bao bì công nghiệp) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Ziehl-Abegg (công nghệ điều khiển và hệ thống thông gió) tại Đồng Nai.
Theo ông, Việt Nam còn dư địa cải cách pháp lý nào để thu hút đầu tư từ Đức nhiều hơn nữa trong tương lai?
Việt Nam đang đầu tư mạnh mẽ vào các dự án hạ tầng như cảng biển, đường sá và khu công nghiệp để hỗ trợ nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ. Những hoạt động này thu hút nhiều nhà đầu tư Đức. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các nhà đầu tư từ Đức, để hoạt động hiệu quả và bền vững. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có những thay đổi tích cực về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt rào cản thủ tục và tăng cường tính minh bạch.
Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức cần được giải quyết để đáp ứng đầy đủ kỳ vọng của các nhà đầu tư Đức, như các vấn đề liên quan đến tham nhũng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thực thi hợp đồng. Để thúc đẩy hơn nữa đầu tư từ Đức trong tương lai, Việt Nam có thể cân nhắc cải cách tư pháp trong những lĩnh vực này nhằm mang lại môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn hơn.
Cuối cùng, để tăng sức hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ và cải thiện môi trường kinh doanh hiện tại. Các quy định, thủ tục vẫn còn là một thách thức và liên quan đến vấn đề chi phí.