Đồng Việt Nam có nhất định phải… mất giá?

Đồng Việt Nam có nhất định phải… mất giá?

(ĐTCK) Cuối tuần trước, thị trường ngoại hối lại “xao động” bởi các dự báo về tỷ giá. Câu hỏi lớn nhất là liệu đồng Việt Nam có nhất định phải… mất giá?

Loạn dự báo… loạn thị trường!

Tuần trước, Trung tâm Nghiên cứu BIDV công bố bản “Báo cáo dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2014 và một số đề xuất, kiến nghị”, trong đó, vẫn duy trì dự báo triển vọng ổn định của tỷ giá trong biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với khả năng tăng trưởng nguồn cung ngoại tệ từ FDI, ODA, kiều hối trong khi sức cầu nội địa và hoạt động nhập khẩu sẽ không thay đổi nhiều trong thời gian còn lại của năm.

Cùng với đó, nền tảng vĩ mô ổn định, dự trữ ngoại hối quốc gia vững mạnh (dự kiến đạt hơn 30 tỷ USD, đảm bảo 12,5 tuần nhập khẩu cuối năm 2013 và khoảng 14 tuần nhập khẩu năm 2014) được coi là những cơ sở quan trọng cho sự ổn định vững chắc của tỷ giá.

“Dự báo, với mức điều chỉnh 2 - 4% và biên độ dao động 1% được giữ đến cuối năm 2014, tỷ giá USD/VND sẽ vào khoảng 21.400-22.000, hướng đến hỗ trợ xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại, cán cân tổng thể.

Cùng với đó, sự linh hoạt hơn nữa của chính sách tỷ giá, giảm dần can thiệp hành chính, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sẽ giúp bình ổn tâm lý của các chủ thể tham gia thị trường ngoại hối”, Báo cáo của Trung tâm viết.

Đồng Việt Nam có nhất định phải… mất giá? ảnh 1

NHNN hiện đang neo tỷ giá ở mức 21.036 VND/USD và biến động +/-1%

Cùng thời điểm, Báo cáo tình hình kinh tế 11 tháng của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đề cập tới chính sách tỷ giá cũng nhận định, cần tiếp tục ổn định để góp phần vào việc ổn định lạm phát.

Tuy nhiên, trong năm 2014, chính sách tỷ giá cũng cần linh hoạt hơn nữa, nhằm hỗ trợ năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Cụ thể, nên xác lập một ngang giá tiền tệ mới trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới 2007-2008 đã xác lập một mặt bằng giá mới. 

Ngay sau khi các báo cáo được công bố, thị trường ngoại hối đã chứng kiến những đợt điều chỉnh tỷ giá trong các ngày tiếp sau đó. Đến sáng ngày 6/12, giá bán ra USD cao nhất tại các ngân hàng lên tới 21.170 đồng/USD, tăng 50 đồng so với cách đó 1 tuần. Tỷ giá trên thị trường tự do còn “nhốn nháo” hơn.

 

NHNN: không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm 2013

Mặc dù mức biến động vẫn chưa vượt qua biên độ cho phép của NHNN, song do tỷ giá tăng khá đột biến, đã khiến NHNN phải lên tiếng.

Vào ngày 6/12/2013, ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NHNN khẳng định: “Việc biến động tỷ giá trong hai ngày vừa qua là hoàn toàn do yếu tố tâm lý, trong đó có xuất hiện tâm lý kỳ vọng sau những báo cáo gần đây về ngoại hối và tiền tệ mới được công bố trên thị trường.

Xuất phát từ những diễn biến tích cực thời gian vừa qua, NHNN không có cơ sở điều chỉnh tỷ giá và NHNN khẳng định, không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm 2013”.

Nhận định về những sự kiện trên, Giám đốc kinh doanh tiền tệ một ngân hàng hết sức ngạc nhiên bởi: “Sau khi các báo cáo được công bố, tỷ giá sáng ngày 6/12 tăng được một chút, nhưng đến chiều đã “rớt thảm” quanh mức 21.140 VND/USD, bởi thị trường thực tế không có nhu cầu thực”.

Cũng theo vị này, cả tháng 10 và tháng 11, NHNN mua vào ngoại tệ và hiện nay vẫn đang mua ở mức 21.100VND/USD, nếu không tỷ giá còn “rơi sâu” nữa. “Không có ai neo tỷ giá mà hiện tỷ giá vẫn được xác lập theo cung - cầu của thị trường”, ông nói.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu của tháng 11, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 196 triệu USD. Còn nếu tính từ đầu năm đến ngày 15/11, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam khá cân bằng, với mức nhập siêu chỉ là 4 triệu USD.

Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ từ các nguồn giải ngân vốn FDI, ODA vẫn được duy trì đều đặn. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2012. Đặc biệt, nguồn kiều hối năm nay có thể tăng khá, dự kiến đạt 11 tỷ USD.

“Không có nhập siêu trong khi những nguồn ngoại tệ như giải ngân ODA, FDI, kiều hối vẫn về thì phải có chỗ để giữ, nên chỉ có đi vào dự trữ ngoại hối”, vị giám đốc trên nói và nhấn thêm: “Còn vấn đề tăng tỷ giá liệu có hỗ trợ được cho xuất khẩu tốt hơn hay không, lại là một bài toán khác và chưa có lời giải. Không ai dám chắc chắn sau khi điều chỉnh tỷ giá, xuất khẩu sẽ tăng trưởng tốt vì mọi người đều biết, để xuất khẩu tăng còn dựa vào nhiều yếu tố như chất lượng sản phẩm, thị trường…

Trong khi đó, một vấn đề tác động ngay lập tức khi tỷ giá thay đổi là nợ nước ngoài của một số công ty và tập đoàn sẽ tăng lên”.

 

Tăng tỷ giá chưa chắc đã hỗ trợ cho  xuất khẩu

Theo Phó Thống đốc Lê Minh Hưng, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam dự báo sẽ thặng dư khoảng 2,5 - 3 tỷ USD trong năm nay.

“Việt Nam đang có thặng dư trong cán cân thanh toán, nghĩa là dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng. Đó là “tấm đệm” rất tốt để giúp Việt Nam tránh được các cú sốc từ bên ngoài, ổn định tỷ giá và qua đó củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Điều đó đã được minh chứng rõ nét qua diễn biến thu hút dòng vốn FDI những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, trong khi các đồng tiền trong khu vực đang lên giá, tại sao chúng ta lại ám ảnh câu chuyện “bắt” đồng Việt Nam phải giảm giá?”, vị giám đốc trên đặt vấn đề.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, về mặt hành chính, NHNN vẫn đang neo tỷ giá ở mức 21.036 VND/USD và biến động +/- 1%, nhưng thực tế NHNN không can thiệp vào thị trường, bởi không có áp lực lớn.

Cũng theo ông Hiếu, từ nay đến cuối năm, chắc chắn tỷ giá sẽ ổn định. Nhưng trong năm 2014, có thể nhìn thấy một số yếu tố làm tăng tỷ giá: thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến có thể sẽ rút Gói nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3) trong vài tháng tới.

Điều này sẽ khiến đồng USD lên giá và tạo áp lực cho tất cả các đồng tiền khác giảm giá; thứ hai, nền kinh tế Mỹ khởi sắc hơn, Chính phủ hỗ trợ nhập khẩu thì việc tăng tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu cũng có thể được tính đến.

“Nếu tỷ giá tăng, hàng nhập khẩu sẽ tăng giá, đồng nghĩa đẩy lạm phát lên. Gánh nặng nợ nước ngoài của Chính phủ, của các doanh nghiệp cũng sẽ tăng theo.

Trong khi tăng tỷ giá chưa chắc đã hỗ trợ được nhiều cho xuất khẩu bởi cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Vì vậy, việc tăng tỷ giá cần phải tính toán thận trọng, cân đối tổng thể trong cả nền kinh tế”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.     

>> Bao giờ tỷ giá “sốt” thực sự?

>> NHNN phản bác thông tin tăng tỷ giá

>>Cuối năm, tỷ giá sẽ tăng

>>Xuất khẩu kỳ vọng tỷ giá

>>Doanh nghiệp thép xuất khẩu không lo tỷ giá biến động

>>Tín dụng Việt Nam đồng tăng 4,57%