Đồng USD suy yếu là cơ hội với thị trường chứng khoán châu Á

(ĐTCK) Có rất nhiều yếu tố rủi ro mà nhà đầu tư có thể chỉ ra là lý do để cảnh giác với thị trường chứng khoán châu Á, từ mâu thuẫn giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đến căng thẳng Mỹ - Trung và mối lo ngại về đợt nhiễm Covid-19 thứ hai trên khắp lục địa.
Đồng USD suy yếu là cơ hội với thị trường chứng khoán châu Á

Rob Marshall-Lee, Giám đốc quản lý quỹ Newton Investment Management với quy mô 53 tỷ USD cho biết, sự yếu kém của đồng USD trong những năm tới cũng là mặt tích cực đối với thị trường chứng khoán châu Á ngoài những rủi ro kể trên.

Theo ông, các gói kích thích tiền tệ chưa từng có từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể khiến đồng USD suy yếu và thị trường châu Á sẽ có sự tăng trưởng mạnh nhất trong những năm tới.

“Hành động của Fed có thể làm chấm dứt xu hướng tăng giá kéo dài của đồng USD trong nhiều năm qua. Nhân khẩu học và gánh nặng nợ cao sẽ tạo áp lực cho đồng USD. Theo đó, sự tăng trưởng sẽ ở lại với châu Á, hiện tại là Trung Quốc, sau đó là Ấn Độ và Indonesia”, Rob Marshall-Lee cho biết.

Tuy nhiên, sự hồi phục trong tài sản của thị trường mới nổi vẫn là chưa chắc chắn. Chứng khoán đã sụt giảm trong tuần trước sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo về kịch bản hồi phục trì trệ của nền kinh tế.

Bên cạnh đó là căng thẳng bùng lên giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc; trong khi Ấn Độ (chiếm 1/5 tỷ trọng trong tổng danh mục của quỹ mà ông quản lý) đang phải đối mặt trong một tranh chấp biên giới với Trung Quốc.

Quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi toàn cầu của ông cũng nằm trong top 1% về hiệu quả khi mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận 6,6% trong năm nay trong khi các quỹ khác lợi nhuận lại âm 13%.

Tuy nhiên, điều này khác xa với việc chắc chắn rằng, mức tăng của đồng bạc xanh đã kết thúc và việc dự đoán đồng USD sẽ giảm mạnh trong thời gian tới sau giai đoạn tăng mạnh là quá sớm.

Marshall-Lee cũng đang xem xét các rủi ro từ căng thẳng thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như sự bùng phát thứ hai của Covid-19. Ông cũng lập luận rằng, các công ty toàn cầu rất khó để từ bỏ việc tận dụng công suất sản xuất ở châu Á và vẫn muốn duy trì tiếp cận với người tiêu dùng Trung Quốc.

“Cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ Trung từ năm 2018 hầu như không có tác động bền vững rõ rệt nào đối với các công ty mà chúng tôi đầu tư. Trong khi đó, Covid-19 đã có nhiều tác động mạnh hơn nhưng đó chỉ là nhất thời và nhiều cổ phiếu được chiết khấu về mức giá hấp dẫn, mang lại cơ hội chọn mua cổ phiếu”, ông nói.

Tin bài liên quan