Việc USD mạnh lên có tác động khá lớn đối với kinh tế vĩ mô ở hầu hết các quốc gia.

Việc USD mạnh lên có tác động khá lớn đối với kinh tế vĩ mô ở hầu hết các quốc gia.

Đồng USD mạnh vẫn là mối lo toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhờ các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed), giá đồng bạc xanh đã tăng vọt trong năm nay so với các đồng tiền chủ chốt khác như Euro, Yên và Nhân dân tệ.

USD đã tăng 18% trong năm nay, đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm qua, theo chỉ số đo sức mạnh đồng USD chuẩn ICE. Đồng USD tăng giá khiến đồng tiền của các nước khác yếu đi. Đồng rupee của Ấn Độ đã giảm gần 10% trong năm nay so với đồng USD, đồng bảng Ai Cập giảm 20% và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm đến 28%.

Điều này gây thêm sức ép tài chính vào thời điểm các gia đình đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực và năng lượng liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Các nước giàu cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc USD tăng giá. Lần đầu tiên trong 20 năm, 1 euro chưa được 1 USD. Đồng Bảng Anh cũng đã giảm 18% giá trị so với năm ngoái.

Vào cuối tháng 9/2022, giá trị đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD, đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình suy giảm kéo dài của đồng tiền này kể từ đầu thế kỷ 20. Theo dự báo của Ngân hàng Nomura, giá trị của đồng bảng Anh sẽ giảm xuống mức biểu tượng - ngang giá với đồng USD vào cuối tháng 11 tới.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc USD mạnh lên có tác động khá lớn đối với kinh tế vĩ mô ở hầu hết các quốc gia, do sự thống trị của đồng USD trong thương mại và tài chính quốc tế. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các nền kinh tế và khu vực mới nổi, trong khi có tới một nửa các khoản vay xuyên biên giới và chứng khoán nợ quốc tế được tính bằng USD.

USD tăng giá khiến hàng nhập khẩu của các nước khác trở nên đắt hơn, làm tăng thêm áp lực lạm phát hiện có. Nó cũng “bóp nghẹt” các công ty, người tiêu dùng và chính phủ vay bằng USD, bởi họ sẽ cần nhiều nội tệ hơn để chuyển đổi thành USD khi thanh toán khoản vay.

Bên cạnh đó, việc USD mạnh lên buộc ngân hàng trung ương ở các quốc gia khác phải tăng lãi suất để nâng đỡ đồng tiền của họ và giữ cho tiền không chạy ra khỏi biên giới. Nhưng lãi suất cao hơn cũng làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Theo nhà kinh tế toàn cầu Ariane Curtis của Capital Economics, nói một cách đơn giản: “USD tăng giá là một tin xấu đối với nền kinh tế toàn cầu. Đó là một lý do khác khiến chúng tôi dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới”.

Trong báo cáo gần đây nhất, IMF dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 3,2% trong năm nay và 2,9% trong năm 2023.

Tổng giám đốc IMF, Kristalina Georgieva, dự báo kinh tế thế giới có thể mất 4.000 tỷ USD từ nay tới năm 2026. “Con số này tương đương với GDP của Đức và là một bước lùi lớn của nền kinh tế toàn cầu”, bà cho biết.

Các quốc gia đang phải tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng do đồng USD mạnh lên. Ông Sanjaya Panth, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF cho biết, các nước mới nổi ở châu Á đã chứng kiến dòng vốn chảy ra khỏi nền kinh tế đáng kể trong năm nay, tương đương với các giai đoạn căng thẳng trước đây.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) tăng lãi suất 0,5% điểm phần trăm lần thứ hai liên tiếp. Ngân hàng này cho biết việc đồng Won trượt giá 6,5% so với đồng USD trong tháng 9 khiến chi phí nhập khẩu tăng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới quyết định này.

Thống đốc BOK, Rhee Chang-yong cho biết ông “không cảm thấy” sự quan tâm của các quan chức Mỹ trong việc ngăn chặn sự mạnh lên của đồng USD thông qua một thỏa thuận chung để can thiệp tỷ giá. Dù vậy, ông cho rằng sự hợp tác quốc tế để làm điều này có thể sẽ cần thiết “sau một khoảng thời gian nhất định”.

Fed đã tăng lãi suất chính sách thêm 300 điểm cơ bản tính tới thời điểm hiện tại trong năm nay để kiềm chế lạm phát và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến năm sau. Goldman Sachs sau khi xem xét các dữ liệu lịch sử của đồng USD cho thấy mức đỉnh của nó trùng với thời điểm tăng trưởng kinh tế của Mỹ và chạm đáy cùng với việc Fed thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều đó cho thấy mức đỉnh của đồng USD đang đến gần vì Goldman Sachs không cho rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Tin bài liên quan