Chất lượng quản trị công ty, công bố thông tin của nhiều doanh nghiệp trên UPCoM có sự cải thiện qua từng năm.

Chất lượng quản trị công ty, công bố thông tin của nhiều doanh nghiệp trên UPCoM có sự cải thiện qua từng năm.

Dòng tiền"sục" UPCoM

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các số liệu cho thấy, dòng tiền đã “đào mỏ UPCoM” và không ít nhà đầu tư “đào được vàng”, trong tổng số hơn 900 cổ phiếu trên sàn.

Bộ ba chữ cái mới nổi

Trên sàn UPCoM tuần qua, cổ phiếu NED của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Tây Bắc gây chú ý khi tăng giá 3 phiên liên tiếp, trong đó có 2 phiên tăng trần, với tổng mức tăng gần 36%, đạt 12.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 20/10/2021. Thanh khoản của cổ phiếu này tăng mạnh, riêng phiên 19/10 có khối lượng khớp lệnh 9,1 triệu đơn vị, bằng 22,4% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Câu chuyện hấp dẫn của NED là các nhà máy thuỷ điện đã gần đến thời điểm thu hồi vốn, kế hoạch cổ tức tiền mặt cao từ 15 - 20%. Đặc biệt, thời gian gần đây, NED công bố kế hoạch tái cấu trúc, tập trung vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.

Dự kiến, trong quý IV/2021, NED sẽ đầu tư vào Công ty cổ phần Shisho Việt Nam tại Cụm công nghiệp Văn Phong, tỉnh Ninh Bình theo đơn đặt hàng của nhà đầu tư Nhật Bản. Kỳ vọng, mảng thuỷ điện sẽ đem lại lợi nhuận ổn định cho NED và mảng khu công nghiệp mang lợi nhuận lớn trong tương lai.

Hòa trong sóng cổ phiếu bảo hiểm, mã chứng khoán ABI của Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp có giá tăng lên hơn 70.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 10% trong 1 tuần và tăng hơn 36% trong 1 quý. Tính từ đầu năm, giá cổ phiếu ABI tăng 71%, khối lượng giao dịch trung bình 70.000 đơn vị/phiên.

ABI vừa công kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 với lợi nhuận sau thuế hơn 289 tỷ đồng, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) hơn 7.800 đồng. Lợi nhuận tăng mạnh nhờ tỷ lệ chi bồi thường cũng như dự phòng phí giảm mạnh. Doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận 93,3 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, dù tiền gửi tăng gần 200 tỷ đồng, lên mức 2.464 tỷ đồng.

Cổ phiếu HPP của Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng có giá tăng dần đều từ tháng 8/2021 đến nay, từ 61.000 đồng/cổ phiếu lên 77.500 đồng/cổ phiếu, tăng trên 90% so với đầu năm nhờ doanh nghiệp đạt lợi nhuận tốt.

HPP cung cấp sơn tấm lợp cho các thương hiệu tôn thép lớn và theo thông tin của Đầu tư chứng khoán, HPP sẽ là một trong hai nhà cung cấp sơn container cho Hòa Phát.

Với vốn điều lệ 80 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận năm 2019 là 82 tỷ đồng, năm 2020 là hơn 100 tỷ đồng, EPS của HPP thuộc tốp cao nhất trên thị trường, hơn 12.500 đồng.

Trên đây là một vài ví dụ về cổ phiếu trên sàn UPCoM thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư thời gian gần đây, bên cạnh cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn như LTG, OIL,BSR, ABB, PPH… Nhìn vào các chỉ số định giá, các cổ phiếu nói trên xứng đáng để đầu tư.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán TP.HCM cho biết, với hơn 900 mã cổ phiếu, giá trị vốn trên UPCoM hiện đạt 1,42 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần sàn Hà Nội và tương đương hơn 26% vốn hóa sàn TP.HCM.

Chất lượng hàng hóa trên UPCoM không đồng đều, nhưng có thể hình dung, UPCoM như một khu mỏ rộng, trong đó có không ít cổ phiếu tiềm năng nếu biết chắt lọc.

Với chuyển biến lớn của thị trường chứng khoán trong thời gian qua, nhà đầu tư mới rất năng động trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư nên dòng tiền lan nhanh sang sàn UPCoM khi cơ hội đầu tư trên hai sàn niêm yết khó tìm kiếm hơn.

Tính đến thời điểm này, khối lượng giao dịch cổ phiếu bình quân mỗi phiên trên UPCoM là hơn 88 triệu đơn vị, gấp 3 lần năm 2020. Năm 2020, chỉ số UPCoM-Index tăng gấp đôi so với năm 2019.

Giá trị giao dịch quân mỗi phiên đạt gần 1.500 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với con số 420 tỷ đồng/phiên của năm 2020 và gấp 3 lần con số gần 300 tỷ đồng/phiên năm 2019. Giao dịch trên UPCoM thực sự bùng nổ từ năm 2021, tiếp nối sự bùng nổ của sàn HOSE và HNX từ nửa cuối năm 2020.

Khẩu vị thay đổi

Trước đây, nhiều nhà đầu tư không quan tâm đến cổ phiếu trên UPCoM, bởi sàn này có thanh khoản thấp và không được giao dịch ký quỹ (margin). Tuy nhiên, thời gian qua, nhà đầu tư đã không còn quá băn khoăn về hai yếu tố đó khi nhìn vào mức định giá thấp và khả năng sinh lời nhanh bởi biên độ dao động giá trong phiên ở mức cao (+/- 15%).

Ông Vincente Nguyen, Giám đốc đầu tư Quỹ AFC Vietnam Fund chia sẻ, khi đầu tư, ông không quan tâm đến tính thanh khoản của cổ phiếu, quan trọng là cổ phiếu thật sự rẻ và doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng dài hạn.

Thanh khoản trên UPCoM từ đầu năm 2021 đến nay tăng 3 lần so với năm 2020.

Thanh khoản trên UPCoM từ đầu năm 2021 đến nay tăng 3 lần so với năm 2020.

Nhiều nhà đầu tư khác đồng tình với quan điểm trên và cho biết, đối với một số mã cổ phiếu, họ đã âm thầm mua gom trong vài tháng để có được số lượng triệu đơn vị trong danh mục. Sự kiên nhẫn này được đền bù xứng đáng khi thị trường nhận ra giá trị doanh nghiệp, giúp giá cổ phiếu tăng cao.

Chẳng hạn, trong 1 quý gần nhất, mã PAS tăng 53%, IPA tăng 108%, MVC tăng 121%, AAS tăng gấp đôi…, bên cạnh các mã quen thuộc như BSR tăng 33,3%, OIL tăng 23%, QNS tăng 18%, ACV tăng 18%, SEA tăng 81%.

Một mã khác, chỉ trong 5 phiên tính đến ngày 20/10/2021, cổ phiếu GHC của Công ty cổ phần Thủy điện Gia Lai tăng giá 41% khi được kỳ vọng hưởng lợi từ giá FIT đối với các dự án năng lượng, trong cơ cấu cổ đông có một số tên tuổi lớn trong ngành và doanh nghiệp có chủ trương sẽ chuyển lên niêm yết trên HOSE.

Đặc điểm chung của các cổ phiếu tăng giá mạnh nói trên đều gắn liền với các câu chuyện riêng như chuyển sàn, nhà nước thoái vốn, ký kết đơn hàng mới, hay có sự chuyển biến về hoạt động kinh doanh, lợi nhuận tăng trưởng.

Nhà đầu tư Nguyễn Văn Dũng cho chia sẻ, lựa chọn cổ phiếu trên UPCoM khó hơn sàn HOSE hay HNX do có sự chênh lệch lớn về quy mô doanh nghiệp, tức số lượng doanh nghiệp trên UPCoM quá nhiều.

Tuy nhiên, nếu chịu khó nghiên cứu doanh nghiệp để “đãi cát tìm vàng” thì sẽ tìm được cổ phiếu đáng để đầu tư cả trong ngắn hạn và dài hạn. Nhiều cổ phiếu trên sàn này vẫn đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt cổ phiếu có “game” như sắp chuyển sàn, có thông tin tái cấu trúc, thoái vốn, M&A…

Trong kế hoạch thoái vốn năm 2021 tại 32 doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có 21 doanh nghiệp đang giao dịch trên UPCoM.

Bên cạnh yếu tố định giá hấp dẫn, cổ phiếu có “game” thì biên độ dao động trong ngày lên đến 15% là yếu tố quan trọng thu hút nhà đầu tư cá nhân giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Khi cổ phiếu đã tích lũy đủ thời gian thì chỉ cần chọn đúng thời điểm giá cổ phiếu bắt đầu bứt phá là nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận 15 - 20% khi cổ phiếu về tài khoản.

Chính khẩu vị đầu tư này đã làm giảm bớt rào cản thanh khoản của cổ phiếu, bởi chỉ cần định giá rẻ và có câu chuyện riêng là thanh khoản của cổ phiếu sẽ tăng.

Gần đây, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, không ít công ty chứng khoán tăng cường đưa ra báo cáo khuyến nghị, định giá cổ phiếu trên UPCoM như ACV, VEA, VTP, LTG, MPC, QNS… Trong đó, một số mã đang được các công ty chứng khoán định giá khá cao so với thị giá hiện nay như giá mục tiêu của ACV là 90.000 đồng/cổ phiếu, VEA là 54.000 đồng/cổ phiếu, VTP là 103.000 đồng/cổ phiếu, LTG là 50.000 đồng/cổ phiếu.

Tiềm năng và chuyện margin

UPCoM có giá trị vốn hóa 1,42 triệu tỷ đồng, nhưng thanh khoản chỉ bằng một phần mười sàn HOSE thì chưa phát huy được hết tiềm năng, ngay cả khi đã tính đến đặc điểm là điều kiện đăng ký giao dịch, quy định công bố thông tin, trách nhiệm minh bạch của doanh nghiệp thấp hơn 2 sàn niêm yết.

Một trong những lý do khiến UPCoM chưa hấp dẫn đông đảo nhà đầu tư là các mã cổ phiếu chưa được phép margin. Ông Huy đề xuất, về mặt chính sách, cơ quan quản lý nên có cơ chế dành quyền tự quyết nhiều hơn cho các công ty chứng khoán chọn cổ phiếu có đủ điều kiện về thanh khoản, vốn hóa, chất lượng doanh nghiệp và tuân thủ “trên chuẩn” về việc công bố thông tin sẽ được cấp margin.

Về lý thuyết, cổ phiếu không được margin thì nhà đầu tư cũng yên tâm sẽ không gặp rủi ro giá giảm mạnh do phải bán ra nhằm đảm bảo tỷ lệ ký quỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà đầu tư luôn biết cách quản trị rủi ro phù hợp.

Mặt khác, để tạo điều kiện cho khách hàng, trong một số trường hợp, có công ty chứng khoán vẫn duyệt margin cho một số mã dựa trên đánh giá về mức độ an toàn. Nếu đề xuất trên được áp dụng sẽ tạo ra môi trường bình đẳng và tính thị trường cao cho nhà đầu tư cũng như công ty chứng khoán.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISE) cho hay, sàn UPCoM hiện nay có quy mô lớn cả về giá trị vốn hóa và số lượng doanh nghiệp, nhưng thanh khoản nhìn chung vẫn ở mức thấp, chủ yếu do tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp và chưa được phép margin. Trong khi đó, hầu hết các nhà đầu tư có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều các công cụ đòn bẩy tài chính.

Nhu cầu được giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư đối với cổ phiếu trên UPCoM đang gia tăng.

Vì thế, cơ quan quản lý nên cho phép triển khai margin đối với các nhóm cổ phiếu đáp ứng yêu cầu về chỉ số tài chính và thanh khoản để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Nhu cầu margin của khách hàng khi giao dịch trên UPCoM đang lớn dần, cơ quan quản lý nên sớm có cơ chế cởi mở về vấn này.

Đại diện HNX chia sẻ, Thông tư 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính quy định về giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán đã mở đường cho hoạt động giao dịch ký quỹ trên UPCoM. Tuy nhiên, HNX đang chờ hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất.

Giá trị vốn hoá trên UPCoM khoảng 3 tháng gần đây liên tục tăng, từ 1,1 - 1,25 triệu tỷ đồng trong tháng 8 lên trên dưới 1,3 triệu tỷ đồng trong tháng 9 và gần 1,4 triệu tỷ đồng trong tháng 10.

Thanh khoản có sự cải thiện, trung bình giá trị giao dịch trong tháng 8 từ 1.100 - 2.000 tỷ đồng/phiên, riêng phiên 20/8 đạt khoảng 3.100 tỷ đồng. Trong tháng 9 và 10, thanh khoản dao động từ 1.700 - 2.700 tỷ đồng/phiên, riêng phiên 11/10 đạt 4.300 tỷ đồng. Đáng chú ý, hơn 20 doanh nghiệp đạt giá trị vốn hóa từ 10.000 - 185.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Long, Giám đốc môi giới cao cấp Công ty Chứng khoán Tiên Phong - chi nhánh Hà Nội đánh giá, tình trạng “lình xình” kéo dài của nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khác trên HOSE và HNX góp phần khiến dòng tiền len lỏi tìm kiếm cơ hội ở sàn UPCoM. Không chỉ nhắm đến cổ phiếu đầu cơ, mà dòng tiền còn chủ động tìm kiếm những cổ phiếu cơ bản.

Đây là tín hiệu đáng mừng của sàn UPCoM. Nếu có các chính sách hỗ trợ giao dịch mới thì UPCoM sẽ là môi trường tốt để các doanh nghiệp không chỉ nâng cao chuẩn mực quản trị, tập dượt công bố thông tin với yêu cầu khắt khe, mà còn tăng quy mô vốn, giá trị vốn hóa để phát triển, chuyển sang sàn giao dịch với tiêu chuẩn cao hơn là HOSE và HNX.

Mục tiêu phát triển chung của thị trường chứng khoán về giá trị thị trường, số lượng nhà đầu tư mới, giá trị giao dịch hàng ngày sẽ có sự đóng góp quan trọng của sàn UPCoM.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, các chính sách hỗ trợ thanh khoản như nới margin thường chỉ được thực hiện trong bối cảnh thị trường trầm lắng hoặc giảm điểm để kích thích thị trường tốt lên. Còn khi thị trường giao dịch sôi động như hiện nay, cơ quan quản lý có thể thận trọng với các giải pháp như vậy, vì quan ngại thị trường sẽ “nóng”.

Theo HNX, từ đầu năm 2021 đến nay, khối lượng giao dịch bình quân phiên trên UPCoM đạt 88,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.458 tỷ đồng, tăng 206% về lượng và tăng 247% về giá trị so với mức bình quân năm 2020. Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, HNX duy trì các chương trình quản trị công ty dành cho doanh nghiệp trên UPCoM, điển hình là chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch dành cho doanh nghiệp quy mô lớn. Sở liên tục nâng cấp bộ tiêu chí để giúp doanh nghiệp tiếp cận với các thông lệ mới, áp dụng vào hoạt động của doanh nghiệp. Sau 3 năm đánh giá, kết quả cho thấy, chất lượng quản trị công ty, công bố thông tin của doanh nghiệp có sự cải thiện qua từng năm.

Tin bài liên quan