Nguy cơ phát sinh chi phí, nợ tiềm tàng
Doanh nghiệp có thể đã gánh thêm các khoản nợ để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn, bao gồm giải ngân toàn bộ hạn mức tín dụng hiện hành và tham gia các chương trình cho vay được chính phủ hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được hệ thống ngân hàng đồng loạt triển khai như tái cơ cấu nợ, giãn nợ, các khoản thanh toán gốc và lãi suất của doanh nghiệp có thể được hoãn lại. Vì vậy, khi thẩm định doanh nghiệp mục tiêu, bên đi mua cần lưu ý đến các khoản chi phí hoặc phí phạt chưa thanh toán cho khoản nợ mới hoặc khoản nợ hiện tại.
Thông thường, các khoản phí phát sinh được vốn hóa, với phần nợ được thể hiện trên bảng cân đối kế toán không bao gồm khoản phí này.
Việc doanh nghiệp tăng hoặc cơ cấu lại nợ và nhận tài trợ của chính phủ sẽ tác động đến đòn bẩy tổng thể của doanh nghiệp.
Vì vậy, bên đi mua doanh nghiệp cần đánh giá thêm các tác động đến các khế ước và khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp mục tiêu (có thể thực hiện phân tích kịch bản đối với việc tuân thủ các khế ước cho vay).
Bên đi mua cũng cần chú ý đến việc người cho vay có thể không sẵn sàng cung cấp hoặc gia hạn một số hình thức cung cấp tài chính nhất định cho doanh nghiệp mục tiêu, ví dụ bao thanh toán, nếu chất lượng của các tài sản thế chấp khi vay bị suy giảm giá trị do Covid-19.
Hay các khoản mục xuất phát từ nghĩa vụ hợp đồng với nhà cung cấp và các khoản thanh toán trễ, ví dụ phí phạt cho việc không đáp ứng các cam kết mua hàng tối thiểu, phí phạt thanh toán trễ, chi phí đầu tư tài sản cố định bị hoãn lại; các khoản phải trả người lao động, ví dụ hoãn trả thưởng, bồi thường, chi phí tái cơ cấu và trợ cấp thôi việc, lương hưu.
Chính sách tài khóa hỗ trợ các doanh nghiệp như giãn, hoãn nộp thuế cũng cần được chú ý, bởi đây là yếu tố ảnh hưởng tới dòng tiền của doanh nghiệp mục tiêu trong tương lai. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với các khoản nợ tiềm tàng trong tương lai, bởi hiện nay nguy cơ bị kiện tụng cao hơn.
Vốn lưu động thuần có thể bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh
Mức vốn lưu động thuần có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh, ví dụ các biện pháp mà chính phủ áp dụng để hỗ trợ khả năng thanh toán dài hạn trong một số lĩnh vực, phản ứng của khách hàng và nhà cung cấp nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp, bên cho vay không gia hạn một số hình thức hỗ trợ tài chính (ví dụ bao thanh toán).
Đó có thể là các biện pháp doanh nghiệp áp dụng trong thời gian giãn cách và trong khoảng thời gian ngắn để quản lý vốn lưu động (thu mua, quản lý hàng tồn kho, đàm phán lại các điều khoản thanh toán theo hợp đồng) và các biện pháp cơ cấu, thuộc vận hành hay thương mại, từ trung đến dài hạn.
Tùy thuộc vào thời gian chịu tác động, bên đi mua doanh nghiệp có thể cần phải có điều chỉnh một lần hoặc giả định đối với vốn lưu động thuần của doanh nghiệp mục tiêu; tác động của các điều chỉnh chất lượng lợi nhuận tới vốn lưu động thuần cũng như các khoản mục tác động trực tiếp lên bảng cân đối kế toán cần được xem xét.
Cần cân nhắc tham khảo các số dư gần nhất của vốn lưu động thuần, thay vì chỉ xem xét 12 tháng vừa qua, vì các số dư trong quá khứ sẽ không còn phù hợp.
Hơn nữa, những hiểu biết về tác động của Covid-19 đối với thương mại và khả năng tồn tại của những tác động đó sẽ góp phần giảm bớt sai số của số dư vốn điều lệ thuần gần nhất, ví dụ Covid-19 khiến doanh thu tạm thời cũng như các khoản phải thu giảm đáng kể.
Cần phải xem xét dòng tiền thuần trước, trong và sau thời Covid-19 để đánh giá khả năng tăng và xử lý nợ của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể đang trong tình trạng đốt tiền khi phải chi trả các chi phí không hoạt động lớn (ví dụ chi phí tái cấu trúc dự kiến) và các khoản thanh toán tài chính.
Những phân tích về dòng tiền trong ngắn hạn cũng như lượng tiền mặt còn lại cần phải được chú ý và theo dõi, nhằm đánh giá tính thanh khoản và ước lượng thời điểm doanh nghiệp có thể hết tiền mặt.
Bên đi mua cần xem xét các kết quả dựa trên kịch bản cho kết quả kinh doanh dự kiến cho năm hiện tại và dự phóng của ba năm tới của doanh nghiệp mục tiêu, tương tự như phương pháp được sử dụng cho phân tích kết quả hoạt động kinh doanh.
Người mua có thể cân nhắc tìm kiếm thêm các phương thức đảm bảo và cam kết cho các khoản mục dự phòng quan trọng trên báo cáo tài chính (ví dụ dự phòng cho hàng tồn kho).
Sẽ có sự gia tăng trong thỏa thuận earn - outs
Người mua đang trì hoãn việc quyết định giá mua sang các năm tiếp theo, do không chắc chắn về các dự phóng và định giá trong bối cảnh đầy biến động của Covid-19.
Các bên nên quyết định liệu các điều chỉnh liên quan đến Covid-19 có được xem xét khi thỏa thuận earn - outs (cơ chế xác định giá mua dựa vào tiêu chí hiệu quả kinh doanh) hay không, hiểu rằng các điều chỉnh đó có thể mang tính chủ quan và do đó, có thể dẫn đến tranh chấp.
Các bên có thể xem xét liệu có nên đo các chỉ số trong thỏa thuận earn -out sau khi ảnh hưởng Covid -19 thoái trào (mặc dù, một lần nữa, phân tích này sẽ mang tính chủ quan).
Người bán có thể sẽ tiếp tục sử dụng hệ thống phân cấp kế toán với các chính sách cụ thể đối với các khoản dự phòng.
Người mua sẽ thích sự linh hoạt và mong muốn sử dụng GAAP/IFRS hơn so với các chuẩn mực kế toán trước đây, hiểu rằng các chuẩn mực trong quá khứ khó có thể tính đến ảnh hưởng của Covid-19.
Cũng cần lưu ý, mọi khoản vay từ chính phủ mà không được miễn trừ đều phải được coi là nợ. Thời gian để xác định miễn trừ có thể không chắc chắn.
Gần đây, một số doanh nghiệp loại trừ các khoản vay của chính phủ khỏi giá bán và đưa ra một cơ chế riêng (do không tuân thủ theo thời gian của cơ chế true-up).
Theo đó, nếu khoản vay của chính phủ không được miễn trừ, người bán sẽ hoàn trả cho người mua bất kỳ khoản tiền nào không được miễn trừ hoặc giải quyết thông qua bồi thường.
Chúng tôi cũng thấy nhiều trường hợp người mua xem xét việc không sử dụng tài khoản phong tỏa cho các khoản vay này để bảo vệ lợi ích tốt hơn. Hơn nữa, người mua có thể xem xét đưa ra các hạn chế kinh doanh liên quan đến các khoản vay này để đảm bảo người bán tuân thủ các điều khoản.
Câu hỏi đặt ra ở đây là khả năng phục hồi của doanh nghiệp đến đâu và các doanh nghiệp đã điều chỉnh mô hình kinh doanh như thế nào?
Ngay khi các doanh nghiệp có khả năng hoạt động trở lại, rủi ro từ làn sóng Covid-19 lần hai lại xuất hiện. Các làn sóng lây nhiễm tiếp theo này có thể bị giới hạn ở một số quốc gia hoặc có thể lan rộng trở lại trên toàn cầu.
Các hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức quốc tế trong các đợt dịch tiếp theo có thể sẽ hạn chế hơn so với lần đầu tiên do nợ công từ lần hỗ trợ thứ nhất đã tăng lên đáng kể.
Doanh nghiệp và các bên liên quan sẽ quan tâm tìm hiểu các tác động của dịch bệnh lên mô hình kinh doanh và mức độ phục hồi của doanh nghiệp sau làn sóng lây nhiễm đầu tiên.
Hiệu quả từ những biện pháp, hành động ứng phó của ban lãnh đạo cũng như những tác động của đại dịch trong trung hạn đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả điều hành và mức độ phục hồi của doanh nghiệp.
Một trong những cách thức đánh giá mức độ phục hồi của doanh nghiệp khi đối mặt với đợt dịch thứ hai là thực hiện một cuộc kiểm tra sức chịu đựng đơn giản trong nhiều bối cảnh khác nhau, ví dụ giả sử virus lây lan trên toàn quốc hoặc ở mức độ toàn cầu.
Điều quan trọng đối với doanh nghiệp là phải đánh giá được tác động của dòng tiền nếu đợt dịch thứ hai diễn ra do tác động từ lần thứ hai này có thể khác so với lần đầu tiên.