Dòng tiền yếu, thị trường tiếp tục điều chỉnh trong phiên chiều 4/10

Dòng tiền yếu, thị trường tiếp tục điều chỉnh trong phiên chiều 4/10

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xu hướng giao dịch thận trọng đã nhanh chóng quay trở lại thị trường, đặc biệt sau khi mốc điểm 1.300 điểm không thể chinh phục trong những phiên gần đây càng khiến tâm lý nhà đầu tư thêm phần chán nản và dễ dàng đi đến những quyết định bán nhanh hơn.

Sau phiên sáng giao dịch khá mờ nhạt, thị trường tiếp tục có thêm hai nhịp rung lắc nhẹ quanh tham chiếu trước khi đổ đèo nới rộng đà giảm và tiếp tục lùi về gần 1.270 điểm khi đóng cửa với dòng tiền quá yếu trên thị trường.

Chốt phiên, sàn HOSE có 101 mã tăng và 290 mã giảm, VN-Index giảm 7,50 điểm (-0,59%), xuống 1.270,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 610 triệu đơn vị, giá trị 13.734,6 tỷ đồng, giảm khoảng 40% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 41,2 triệu đơn vị, giá trị 1.040 tỷ đồng.

Các trụ cột chính chỉ còn lác đác vài sắc xanh như FPT, MWG, GAS, POW và PLX, với mức tăng khiêm tốn trên dưới 1%.

Trong khi đó, ngoài VPB, VIB và HPG đứng tham chiếu, thì còn lại đều giảm, với VNM dẫn đầu khi -2,6% xuống 68.500 đồng, STB -1,9% xuống 33.100 đồng, các mã TPB, MBB, CTB, SSB, BCM, GVR, VRE mất 1,5% đến 1,9%.

Đáng kể là dòng tiền vẫn tập trung vào nhóm ngân hàng, với MBB, TPB, TCB và VPB là những cổ phiếu khớp lệnh cao nhất sàn, với 18,6 triệu đến hơn 34,2 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ với một số cái tên ngược dòng thị trường đáng kể như AGM tăng trần +6,8% lên 3.920 đồng, NO1 +6,6% lên 9.200 đồng, HAG +6,2% lên 11.200 đồng, LDG +3,1% lên 2.030 đồng. Trong đó, HAG khớp lệnh vượt trội với hơn 17,2 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, dù sắc đỏ chiếm ưu thế, nhưng nhà đầu tư cũng không bán quá mức, giúp đa phần các mã giảm chỉ giảm nhẹ, ngoại trừ một vài cái tên như TTF -4,7% xuống 3.040 đồng, PSH -4,4% xuống 4.780 đồng, DLG -3,8% xuống 1.780 đồng, TCO -3,7% xuống 16.900 đồng và cổ phiếu ngân hàng EIB -3,4% xuống 18.650 đồng, khớp 6,37 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giằng co đôi chút quanh tham chiếu và đảo chiều giảm khá nhanh ở nửa sau của phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 61 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 0,68 điểm (-0,29%), xuống 232,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,06 triệu đơn vị, giá trị 1.109 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,97 triệu đơn vị, giá trị 59,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu nổi bật nhất vẫn là NRC khi tăng trần +6,9% lên 3.100 đồng, khớp 1,4 triệu đơn vị, cổ phiếu GKM tăng 6,1% lên 10.400 đồng, khớp 0,9 triệu đơn vị.

Các mã lớn, thanh khoản cao đa số giảm như SHS, MBS, CEO, TNG, IDC, dù mức giảm chỉ ở mức thấp, trong khi đó, PVS +1,7% lên 41.500 đồng, thanh khoản vươn lên cao nhất sàn với 6,38 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index có nhịp hồi phục ở những phút cuối khi lực bán chững lại, nhưng cũng chỉ đủ giúp chỉ số thu hẹp đà giảm.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,34%), xuống 92,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39,6 triệu đơn vị, giá trị 484 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,12 triệu đơn vị, giá trị 26,7 tỷ đồng.

Sắc xanh lác đác tại SGB +1,5% lên 13.300 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 5,71 triệu đơn vị, HBC nhích 2% lên 5.100 đồng, khớp 0,63 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu HNG, OIL, DFF, DCS, TIS về tham chiếu, trong khi đó, POM -6,7% xuống 2.800 đồng, PVX -5,3% xuống 1.800 đồng và hai mã giảm đáng kể.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2410 giảm 6 điểm, tương đương -0,44% xuống 1.343 điểm, khớp lệnh hơn 205.700 đơn vị, khối lượng mở hơn 62.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ bao trùm, với CVIB2403 phiên này thanh khoản cao nhất khi có hơn 3,46 triệu đơn vị, giá giảm 25% xuống 30 đồng/cq. Theo sau là CMSN2402 với 3,11 triệu đơn vị và giảm 8,7% xuống 420 đồng/cq.

Tin bài liên quan