Theo báo cáo được SSI Research công bố mới đây, tính chung trong 8 tháng đầu năm, dòng tiền vào các tài sản tài chính trên toàn cầu duy trì nhịp độ vào ròng tích cực, với giá trị đạt 373 tỷ USD cho quỹ cổ phiếu, 420 tỷ USD cho quỹ trái phiếu và 447 tỷ USD cho quỹ thị trường tiền tệ.
Tỷ trọng phân bổ cổ phiếu và trái phiếu đang khá cân bằng, nhằm chuẩn bị cho cả kịch bản suy thoái và kịch bản “hạ cánh mềm” của kinh tế Mỹ.
Nhìn chung, tâm lý đầu tư đã bắt đầu ở trạng thái thận trọng hơn. Khảo sát từ BofA cho thấy tâm lý lạc quan ở các nhà quản lý quỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua và tỷ trọng tiền mặt đã tăng nhẹ lên 4,3% - từ mức 4% của tháng 6.
Cụ thể, bất ổn địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới, lo ngại rủi ro kinh tế Mỹ suy thoái và Ngân hàng Trung ương Nhật nâng lãi suất điều hành đã khiến thị trường cổ phiếu toàn cầu biến động mạnh vào thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8. Hệ quả là, dòng tiền vào ròng các quỹ cổ phiếu trong tháng 8 chỉ đạt 40,7 tỷ USD, bằng một nửa so với tháng 7.
Ngược lại, dòng tiền lại đang đổ dồn vào quỹ thị trường tiền tệ (chỉ đầu tư vào các công cụ tài chính ngắn hạn có tính thanh khoản cao và rủi ro thấp như trái phiếu kho bạc, các khoản tiền gửi ngân hàng), với hơn 162 tỷ USD trong tháng 8 trên quy mô toàn cầu - mức cao nhất kể từ tháng 11/2023.
Tại thị trường Mỹ, các quỹ thị trường tiền tệ đã thu hút khoảng 127 tỷ USD tiền mặt mới trong tháng 8, đồng thời cũng đánh dấu tháng có dòng tiền vào lớn nhất trong năm nay. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang cố gắng hưởng lợi từ lãi suất cao trước khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Dù con số này đã tăng khoảng ba lần so với con số được ghi nhận trong quý I/2024, song chỉ tương đương hơn 10% mức bùng nổ dòng tiền trong quý I/2023 - giai đoạn các nhà đầu tư đổ xô vào quỹ thị trường tiền tệ khi cuộc khủng hoảng ngân hàng làm rung chuyển thị trường toàn cầu.
Theo số liệu mới nhất từ Investment Company Institute, hơn 21 tỷ USD đã được bổ sung vào các quỹ thị trường tiền tệ trong tuần kết thúc ngày 28/8/2024. Dòng tiền này đã đưa tổng tài sản của các quỹ lên mức kỷ lục 6.260 tỷ USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia SSI Reseach, xu hướng này dự kiến sẽ không kéo dài khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Đối với các quỹ trái phiếu, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, rủi ro về suy thoái là yếu tố giúp nhà đầu tư tiếp tục phân bổ tỷ trọng vào các quỹ trái phiếu với số tiền lên đến hơn 53 tỷ USD. Cũng trong tháng 8, dòng vốn vào thị trường phát triển có thêm 25,4 tỷ USD, không có nhiều sự khác biệt so với thị trường đang phát triển - với 15,3 tỷ USD.
Tính chung 8 tháng, dòng vốn giải ngân 273 tỷ USD vào quỹ thị trường phát triển. Dòng tiền tiếp tục tìm đến thị trường Mỹ (với 15,6 tỷ USD trong tháng 8 và 224 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm) và xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực khác ngoài nhóm công nghệ tiếp tục duy trì nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong quý II.
Tỷ trọng phân bổ cổ phiếu của khách hàng tổ chức và khách hàng cá nhân ở Mỹ tuy thấp hơn giai đoạn 2021 nhưng cao hơn mức trung bình dài hạn và tiềm ẩn rủi ro đảo chiều trong trường hợp số liệu kinh tế kém tích cực.
Giới chuyên gia nhận định, tháng 9 thường là tháng biến động mạnh trên thị trường cổ phiếu, cộng với việc Fed hạ lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm, dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu nhiều khả năng sẽ tiếp tục thận trọng, đặc biệt là trước những dữ liệu kém tích cực về kinh tế hay thị trường lao động. Điểm sáng là dòng tiền có khả năng sẽ luân chuyển sang các thị trường khác với định giá hấp dẫn hơn.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các quỹ ETF vẫn duy trì đà rút vốn liên tục từ đầu năm, tuy nhiên xu hướng đang giảm dần. Giá trị rút vốn trong tháng 8 ghi nhận ở mức 2.140 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2 tháng liền trước.
Đáng chú ý, Quỹ Xtrackers FTSE ghi nhận giá trị vào ròng 105 tỷ đồng trong tháng 8, bên cạnh KIM Growth VN30 vào ròng 78 tỷ đồng, duy trì dòng vốn vào tích cực tuy giá trị không lớn. Tương tự, tại nhóm quỹ chủ động, dù vẫn duy trì trạng thái bán ròng trong tháng 8 nhưng tốc độ hạ nhiệt hơn so với tháng 7.
Với việc Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về giao dịch, bù trừ và thanh toán, công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, với điểm mới là bỏ quy định về ký quỹ trước giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, kỳ vọng không chỉ tháo gỡ “nút thắt” nâng hạng thị trường, mà còn tạo thêm sức hút cho thị trường chứng khoán trong nước với dòng vốn ngoại.