Dòng tiền vào cổ phiếu vua sẽ phân hóa

Dòng tiền vào cổ phiếu vua sẽ phân hóa

(ĐTCK)  Sự tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán thời gian qua, cùng làn sóng lên sàn của các nhà băng đã thu hút nhà đầu tư quay trở lại với cổ phiếu ngân hàng, một thời từng được xem là cổ phiếu vua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính - kinh tế, không phải tất cả cổ phiếu ngân hàng lên sàn đều tăng giá mà sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhà băng.

Làn sóng lên sàn

Ngày 5/1/2018, HDBank sẽ đưa gần 981 triệu cổ phiếu HDB lên giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) với giá khởi điểm 33.000 đồng/cổ phiếu. Đây là ngân hàng thứ tám trên sàn HOSE, đồng thời là nhà băng thứ hai đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết kể từ đầu năm 2017 tới nay, sau VPBank vào quý III/2017.

Về tình hình hoạt động kinh doanh của HDBank, kết thúc 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 1.950 tỷ đồng và dự kiến lợi nhuận cả năm vào khoảng 2.400 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, nhà băng đã chuẩn bị mọi nền tảng cho kế hoạch giai đoạn 2017 - 2021 với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 25% mỗi năm và sẽ phục vụ 15 triệu khách hàng vào năm 2021.

Trong một động thái khác, TPBank đã nộp hồ sơ niêm yết và dự kiến sẽ lên sàn chứng khoán trong quý II/2018. Tính đến ngày 30/9, lợi nhuận trước thuế của TPBank tăng mạnh 227% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 806,7 tỷ đồng, vượt kế hoạch lợi nhuận 780 tỷ đồng đề ra cho cả năm.

Trong khi đó, OCB cho hay, ngân hàng sẽ xúc tiến kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE khi điều kiện thị trường thích hợp, chậm nhất là đầu năm 2019.

Trước đó, tính từ đầu năm 2017, đã có tới 4 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Đầu tiên là VIB chào sàn UPCoM vào ngày 9/1/2017, tiếp theo là cổ phiếu KLB của Kienlongbank vào ngày 29/6/2017. Ngày 17/8/2017, VPBank là ngân hàng đầu tiên niêm yết tại HOSE kể từ năm 2014 tới nay. Ngày 5/10/2017, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank cũng chào sàn UPCoM. Một số cái tên khác chuẩn bị lên sàn còn có thể kể tới như VietBank, SCB, Techcombank…

Như vậy, tính đến nay, đã có tổng cộng 13 ngân hàng đã đưa cổ phiếu vào giao dịch trên các sàn chứng khoán, gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Eximbank, MBBank, Sacombank, VPBank niêm yết trên HOSE; ACB, SHB, NCB trên HNX và VIB, Kienlongbank, LienVietPostBank trên UPCoM. Bên cạnh đó, có 8 ngân hàng thương mại cổ phần đã lên kế hoạch niêm yết trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, không phải ngẫu nhiên mà các nhà băng lên sàn ồ ạt trong thời gian gần đây. Bên cạnh yếu tố điều kiện thị trường thuận lợi, còn có sức ép từ phía các cơ quan quản lý buộc đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM hoặc niêm yết nhằm nâng cao tính minh bạch trong công bố thông tin của các ngân hàng, tạo thanh khoản cho cổ phiếu.

Mặt khác, việc lên sàn sẽ tạo tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ khả năng phát hành trái phiếu ra nước ngoài, cũng như việc nâng vốn để đáp ứng điều kiện áp dụng Basel 2.

Thực tế, thời gian qua, làn sóng các ngân hàng lên sàn đã tạo hiệu ứng tích cực đối với cổ phiếu vua. Nếu như trước đây, chỉ một số mã niêm yết, điển hình là VCB, ACB tận hưởng đà tăng giá, thì hiện tại, giá cổ phiếu của các nhà băng đang giao dịch tại thị trường phi tập trung (OTC) cũng có bước sóng mạnh hơn.

Trong đó, mã TCB của Techcombank là một trong những cổ phiếu có mức giá tăng cao nhất thuộc nhóm ngân hàng. Trên thị trường OTC, giá cổ phiếu TCB hiện đã chạm ngưỡng 60.000 đồng/cổ phiếu, so với mức giao dịch đầu năm 2017 chỉ từ 10.000 - 20.000 đồng/cổ phiếu.

Tiếp theo là mã HDB của HDBank với đà tăng mạnh mẽ. Nếu như đầu năm 2017, cổ phiếu HDB được giới đầu tư giao dịch quanh vùng 9.000 - 10.000 đồng/cổ phiếu thì những tháng cuối năm, mức giá đã tăng gấp hơn 3 lần, lên khoảng 30.000 - 33.000 đồng/cổ phiếu.

Sẽ có sự phân hóa mạnh

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang diễn biến tích cực, giữ vững xu hướng tăng, các cổ phiếu ngân hàng lên sàn nhanh chóng hưởng lợi với mức giá cao hơn kỳ vọng, thanh khoản tốt, thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chẳng hạn, cổ phiếu của VPBank và HDBank lần lượt chào sàn với mức giá 39.000 đồng/cổ phiếu và 33.000 đồng/cổ phiếu; các cổ phiếu như VIB, LPB, KLB sau khi lên UPCoM đều được nhà đầu tư ngoại mua ròng với khối lượng đáng kể. Bên cạnh đó, cùng với sự đi lên của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ngân hàng đã liên tục bứt phá trong thời gian gần đây, với nhiều mã tăng hơn 100% như: VCB, TCB, HDB…

Dòng tiền vào cổ phiếu vua sẽ phân hóa ảnh 1

Trong năm 2018, nhóm cổ phiếu ngân hàng được đánh giá vẫn thu hút dòng tiền. Ông Bạch An Viễn, Trưởng Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, kết quả kinh doanh khả quan và tình hình thị trường ngày một sáng sủa sẽ tác động tích cực tới giá cổ phiếu của ngành ngân hàng, vốn một thời được xem là “vua”.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đánh giá tích cực tiềm năng tăng trưởng của nhóm cổ phiếu nhà băng, đặc biệt là mã VCB và ACB nhờ chất lượng tài sản tốt và khả năng sinh lời cao trong năm qua.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhóm cổ phiếu vua sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ, khi nhà đầu tư ngoại chỉ tập trung vào một số cổ phiếu của ngân hàng quy mô đã và sẽ niêm yết trên sàn, nhất là những nhà băng quy mô lớn và có động thái xử lý tốt nợ xấu như VCB, ACB, MB...

Cùng chung quan điểm, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia tài chính - kinh tế cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ được giới phân tích tài chính và nhà đầu tư lựa chọn đưa vào danh mục đầu tư năm 2018. Tuy nhiên, khẩu vị nhà đầu tư hiện tại đã thay đổi, với cách nhìn thận trọng hơn. Do đó, dòng tiền chỉ tìm đến cổ phiếu của những đơn vị có tiềm lực thực sự.

Do lượng cung cổ phiếu ngân hàng sẽ được đưa ra thị trường dồn dập trong thời gian tới nên nhà đầu tư cần cẩn trọng sự đảo chiều của cổ phiếu vua, nhất là với cổ phiếu của những ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu còn ở mức cao như: Sacombank, Eximbank… và các nhà băng quy mô nhỏ.    

Tin bài liên quan