Yếu tố cơ bản: Khối ngoại hoạt động trái chiều
Tuần qua, tâm lý lạc quan được duy trì trên TTCK toàn cầu. Các chỉ số chứng khoán lớn như S&P500 hay Nikkei 225 vẫn rất “khỏe”, dòng tiền dồi dào khiến các nhịp điều chỉnh diễn ra nhanh và nhẹ ở các chỉ số này. Ở thị trường Việt Nam, diễn biến có phần chậm đi và không quá tích cực như mặt bằng chung của thị trường quốc tế. Hiện tại, tình hình chính trị trên thế giới biến động có thể là rủi ro lớn nhất với TTCK, thay vì những rủi ro từ yếu tố kinh tế.
Giá trị giao dịch tích lũy của khối ngoại trên ETF.
Về giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài, khối này có những hoạt động trái chiều trên các quỹ ETF tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, khối ngoại tiếp tục mua ròng các ETF mới là Diamond, Finlead và mua ròng trở lại chứng chỉ quỹ Vaneck (khoảng 3 triệu USD), nhưng đẩy mạnh bán ròng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 với giá trị hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, diễn biến của VN30 có phần tương đồng hơn với diễn biến mua bán của Vaneck so với diễn biến của E1VFVN30.
Yếu tố kỹ thuật: đà tăng được duy trì
Phần lớn thời gian giao dịch trong tuần qua chứng kiến diễn biến giằng co của các chỉ số, các tín hiệu suy yếu bắt đầu xuất hiện với tần suất dày hơn, nhiều phiên “sáng tăng, chiều giảm”, dù mức biến động là không đáng kể.
Độ lệch giữa phái sinh và cơ sở chỉ còn âm hơn 1 điểm.
Tâm lý của dòng tiền đầu cơ bất ngờ được cải thiện vào phiên cuối tuần khi độ lệch giữa phái sinh và cơ sở chỉ còn âm hơn 1 điểm, thay vì duy trì trong vùng -20 đến -10 điểm như các tuần trước đó.
Dù liên tục xuất hiện những phiên phân phối, nhưng chưa đủ để làm bức tranh thị trường xấu đi, đà tăng được duy trì và không loại trừ khả năng các chỉ số sẽ tiếp tục tiến lên từ từ.
Dòng tiền đầu cơ yếu đi nhưng chưa rời bỏ thị trường.
Dòng tiền có dấu hiệu yếu đi trong tuần qua chủ yếu do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư, nhưng xét về tổng thể, dòng tiền đầu cơ vẫn xoay vòng ở các cổ phiếu vốn hóa lớn và bối cảnh hiện tại chưa có nhiều lý do để dòng tiền đầu cơ phải tháo chạy khỏi thị trường.
Diễn biến cung - cầu tuần qua đơn giản là sự trao đổi niềm tin giữa những nhà đầu tư cảm thấy đủ và nhà đầu tư cảm thấy chưa đủ với mức lợi nhuận có được.
Đà lan tỏa giữ được trạng thái quá mua.
Đà lan tỏa chùng xuống qua những phiên rung lắc của chỉ số chung, nhưng duy trì trong trạng thái quá mua, tức là vẫn còn đà tăng. Sự chùng lại của đà lan tỏa không phải là diễn biến bất ngờ sau giai đoạn “căng cứng”, chỉ cần duy trì trong trạng thái quá mua (>70%) thì xu hướng tăng nhiều khả năng chưa kết thúc.
Các cổ phiếu trụ quan trọng vẫn hút được dòng tiền.
Các nhóm ngành trụ tiếp tục thu hút được dòng tiền đầu cơ, đặc biệt là nhóm ngân hàng và thực phẩm - đồ uống.
Nhìn chung, dòng tiền đầu cơ neo giữ ở các cổ phiếu trụ và thực hiện xoay vòng linh hoạt khi chỉ số chung có dấu hiệu suy yếu ở một vài thời điểm. Thị trường còn trụ thì khả năng dìu dắt chỉ số đi lên vẫn còn.
Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Nương theo đà tăng
Dù chịu nhiều sức ép từ áp lực bán chốt lời chủ động của nhà đầu tư, nhưng dòng tiền vẫn đủ khỏe để xoay vòng các nhóm trụ, giúp các chỉ số duy trì xu hướng tăng. Chúng tôi cho rằng, hoạt động giao dịch của khối ngoại sẽ quyết định nhiều đến khả năng bứt phá tiếp hay không của các chỉ số chung trong thời gian tới.
Việc đoán đỉnh ở đâu là rất khó khăn trong một thị trường dồi dào về mặt dòng tiền, do đó, chiến lược khả thi hơn vào lúc này là tiếp tục nương theo xu hướng của thị trường, với các vị thế mua (Long) được thực hiện len lỏi trong các nhịp điều chỉnh trên nền đà tăng.
VN30F2006 có khu vực hỗ trợ 815 - 820 điểm.
Vị thế Long nên được ưu tiên khi giá điều chỉnh về quanh khu vực hỗ trợ 815 - 820 điểm trên chỉ số VN30F2006. Trong trường hợp xấu xảy ra, chỉ số thủng hỗ trợ quan trọng tại 810 điểm thì chiến lược Bán (Short) nên được cân nhắc với mục tiêu về vùng hỗ trợ mạnh hơn tại 780 điểm.