Đây không phải là một điều lạ đến mức gây sốc, nhưng lại cho thấy một Phú Yên đang đổi mới, khát vọng vươn lên.
Và như lời ông Nguyễn Chí Hiến, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, thì quan trọng hơn, chương trình này đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền và doanh nghiệp, nhà đầu tư, đánh dấu một cách làm mới, một hướng đi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, trong cách tiếp cận thông tin đầu tư địa phương.
Một chương trình xúc tiến dựa trên công nghệ số, tiết kiệm thời gian và chi phí, nhưng vẫn đáp ứng tốt mục tiêu, nhu cầu cho cả địa phương lẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Trong chia sẻ cách đây ít lâu, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (VICEM) có nói rằng: “Nếu doanh nghiệp, địa phương nào có ý tưởng mới, cách kinh doanh mới, thì sẽ nhìn thấy cơ hội đầu tư, hút vốn đầu tư. Quan trọng là cần có sự thay đổi, chuyển động từ trong nội tại".
Điều này dường như đang đúng với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và không ít địa phương.
Các thị trường bất động sản “truyền thống” vẫn còn đó những cơ hội, nhưng dư địa tăng trưởng đột biến là không nhiều, bởi hầu hết những lô đất đẹp đã được triển khai dự án hoặc đã có chủ. Đồng thời, trải qua nhiều năm tháng “miệt mài” tăng giá, dư địa để tiền của nhà đầu tư “đẻ ra tiền” không còn lớn.
Trong khi đó, nhiều vùng đất mới, nhiều phân khúc tiềm năng khác đang được nhìn nhận, đánh thức bằng những dự án cụ thể.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển hướng, tìm đến bất động sản tỉnh lẻ. Một cách tự nhiên, dòng vốn cũng dịch chuyển về những thị trường đầy tiềm năng này. Người ta đang nói nhiều đến dòng tiền thông minh, gắn với các dự án có triển vọng hoặc hiệu suất sinh lời cao.
Vĩnh Phúc, Lao Cai, Thanh Hóa, Long An, Quảng Bình, Phú Yên, Đồng Nai…, hay thậm chí xa xôi hơn là Kon Tum, Đắk Lắk... hiện đang là những điểm đến mới.
Đồng Nai đang đồn nhiều ưu đãi chính sách cho các nhà đầu tư ở Cụm công nghiệp Phú Thanh. Long An đang thu hút nhiều đại gia địa ốc tìm đến ngay sau khi có Quyết định điều chỉnh quy hoạch Vùng TP.HCM mở rộng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (mở rộng kết nối kinh tế TP.HCM với 7 tỉnh lân cận).
Tương tự như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang dần định hình thành một thị trường bất động sản tiềm năng nhờ tính liên kết cao với thị trường lớn nhất nước là TP.HCM, dòng tiền nóng đang liên tục đổ về đây.
Ở miền Trung, Quảng Bình, Quảng Nam… mới đây cũng vụt sáng, trở thành thỏi nam châm thu hút hàng loạt dự án bất động sản lớn, có quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng…
Xin quay lại câu chuyện của Phú Yên. Ngay trong buổi đối thoại trực tuyến, có không ít nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm tha thiết đến việc phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Không ít câu hỏi về định hướng phát triển, quy hoạch đô thị.
Thậm chí, chị thùy Dương, một nhà đầu tư từ TP.HCM còn mong muốn thuê dài hạn cả một hòn đảo quy mô tối thiểu trên 3 ha để đổ vốn đầu tư.
“Đất lành, chim đậu”, việc các địa phương bằng cách này, cách khác đang trải thảm đỏ đón nhà đầu tư, cùng với xu hướng dịch chuyển dòng vốn đang tạo nên những hiệu ứng tích cực cho thị trường bất động sản tỉnh lẻ.
Và rất có thể, trong tương lai gần sẽ có cuộc "soán ngôi" đầy kịch tính giữa các thị trường mới nổi, nhất là ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Trong cuộc đua đó, “vùng đất” nào tốt lành, hẳn sẽ có nhiều đàn chim lớn về làm tổ.