Những nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu.

Những nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu.

Dòng tiền tiết kiệm sẽ còn chảy sang chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Yang Seung Won, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền và cơ hội đầu tư xuất hiện ở không ít nhóm ngành, bao gồm nhóm cổ phiếu ngân hàng. 

Theo ông, với mặt bằng lãi suất đã và đang giảm dần, dòng tiền có tiếp tục chảy sang các kênh đầu tư khác, nhất là chứng khoán hay không?

Mặt bằng lãi suất VND bắt đầu giảm đáng kể từ tháng 4/2023 đến nay, riêng với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, mức giảm ước tính khoảng 2%/năm. Thêm vào đó, với tình hình trầm lắng của thị trường bất động sản trong thời gian qua, dòng tiền đã và sẽ dịch chuyển sang kênh chứng khoán nhiều hơn.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư tính đến cuối tháng 6/2023 là 6,38 triệu tỷ đồng (tương đương 266 tỷ USD), tăng 8,82% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2021 và 2022 tăng lần lượt là 2,95% và 6,35%).

Ảnh tác giả

Hơn 467.000 tỷ đồng tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng trong 4 tháng đầu năm 2023 (giai đoạn lãi suất cao) sẽ đáo hạn trong thời gian tới là cơ hội để thị trường chứng khoán thu hút vốn.

Ông Yang Seung Won, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam

Tuy nhiên, tốc độ tăng tiền gửi đã chậm lại đáng kể từ tháng 5/2023, phù hợp với diễn biến tích cực trở lại của thị trường chứng khoán. VN-Index bứt tốc từ đầu tháng 5/2023, tính đến 13/9/2023 ghi nhận mức tăng 23% với đầu năm và thanh khoản cải thiện với giá trị giao dịch lên đến 1 - 1,5 tỷ USD/phiên.

Tôi cho rằng, xu hướng này có thể tiếp diễn khi hơn 467.000 tỷ đồng (19,5 tỷ USD) tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng trong 4 tháng đầu năm 2023 (giai đoạn lãi suất cao) sẽ đáo hạn trong thời gian tới. Đây là cơ hội rất lớn cho thị trường chứng khoán trong dài hạn nếu tiếp tục thu hút được nhà đầu tư cá nhân như 3 năm vừa qua.

Tính đến cuối tháng 8/2023, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt gần 7,6 triệu tài khoản, tương đương 7,6% dân số, gấp hơn 3 lần mức 2,4% thời điểm cuối năm 2019, nhưng chúng tôi tin rằng, dư địa để người dân tham gia vẫn còn rất lớn. Tại Hàn Quốc, tỷ lệ này là 18% và 8/10 người trong độ tuổi 20 và 30 đầu tư vào chứng khoán, tiền số và các tài sản khác, theo khảo sát của The Economist năm 2021.

Ông đánh giá cổ phiếu nhóm ngành nào đáng quan tâm để nhà đầu tư rót vốn vào cả trong ngắn, trung và dài hạn?

Chúng tôi kỳ vọng, kinh tế Việt Nam sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao trên 6%/năm từ năm sau, với 3 trụ cột chính là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Theo đó, các lĩnh vực được hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài, sản xuất và xuất khẩu phục hồi, tiêu dùng nội địa tăng trưởng nhanh như logistics, bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ, dịch vụ tài chính… sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư cân nhắc rót vốn trong trung và dài hạn. Những nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu với mức giá hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, xu hướng số hóa, xanh hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu. Do đó, các ngành như công nghệ, năng lượng tái tạo, hoặc các doanh nghiệp chuyển đổi theo xu hướng này cho mục tiêu phát triển bền vững đáng để nhà đầu tư cân nhắc cho các mục tiêu dài hạn.

Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, giá cổ phiếu ngành này sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới, khi hoạt động cho vay đang chững lại, còn nợ xấu tăng trong thời gian tới?

Lĩnh vực ngân hàng hiện đối mặt với không ít thách thức, nhất là tín dụng tăng trưởng chậm và nợ xấu gia tăng. Dư nợ tín dụng của nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 4,54% so với đầu năm, bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nợ xấu ở một số ngân hàng đã vượt mức 3% và bộ đệm dự phòng tín dụng mỏng đi.

Chúng tôi kỳ vọng, các giải pháp gần đây của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế sẽ đem lại những kết quả tích cực, giúp giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.

Mặt khác, các ngân hàng thương mại đã chủ động hơn trong việc kiểm soát rủi ro, trích lập dự phòng nợ xấu và làm dày bộ đệm vốn nhằm sẵn sàng ứng phó với những cú sốc của nền kinh tế. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của toàn hệ thống ngân hàng thương mại đến tháng 7/2023 duy trì ở mức cao là 11,58% (giảm không đáng kể so với mức 11,72% cuối năm 2022).

Kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng niêm yết trên HOSE dự kiến vẫn tích cực hơn nhiều nhóm ngành khác trong năm nay và năm sau, với lợi nhuận trước thuế ước tính tăng trưởng lần lượt 8% và 17%. Theo đó, định giá P/B forward (dự phóng) của nhóm ngân hàng sẽ giảm về mức hấp dẫn 1,5 - 1,6 lần, thấp hơn từ 15 - 25% so với mức định giá P/B trung bình 5 năm trở lại đây. Do đó, chúng tôi cho rằng, cơ hội đầu tư ở cổ phiếu ngân hàng vẫn rất tiềm năng.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện quan tâm lĩnh vực nào tại Việt Nam và thị trường chứng khoán có được xem là cơ hội để đầu tư?

Với kỳ vọng kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng cao trong thập niên tới, chúng tôi đánh giá rất cao cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam nói chung, doanh nghiệp niêm yết nói riêng.

Không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống như sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, ngân hàng, mà các nhà đầu tư Hàn Quốc còn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm, quản lý tài sản và chứng khoán trong những năm gần đây.

Trong đó, đối với các cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện quan tâm nhiều đến 3 nhóm doanh nghiệp.

Một là, các doanh nghiệp có vốn nhà nước quy mô lớn và tiêu biểu của nền kinh tế.

Hai là, các doanh nghiệp logistics và bất động sản khu công nghiệp, với kỳ vọng Việt Nam sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới.

Ba là, các công ty chứng khoán, với kỳ vọng nhóm này được hưởng lợi nhiều nhất từ triển vọng bùng nổ của thị trường chứng khoán trong vài năm tới, khi hệ thống KRX được đưa vào vận hành.

KRX là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được HOSE ký kết với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc vào năm 2012.

Theo kế hoạch, phía Việt Nam sẽ tổ chức kiểm thử cuối cùng đối với hệ thống KRX trong tháng 11/2023 và dự kiến hệ thống này sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị để sẵn sàng vận hành (go-live) vào ngày 11/12/2023, sau đó chính thức vận hành vào cuối năm 2023.

Tin bài liên quan