Dòng tiền tiếp tục rút khỏi quỹ cổ phiếu

(ĐTCK)  Theo FiinTrade, tình trạng rút ròng tập trung ở nhóm quỹ cổ phiếu, ở mức 868 tỷ đồng trong tháng 1/2025, cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đối với triển vọng của thị trường cổ phiếu.
Dòng tiền tiếp tục rút khỏi quỹ cổ phiếu

Dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các quỹ đầu tư (cổ phiếu và trái phiếu) ở trạng thái rút ròng hơn 700 tỷ đồng trong tháng 1/2025, tăng so với mức rút ròng nhẹ trong tháng 12/2024 (218 tỷ đồng), theo số liệu của FiinTrade.

“Rút ròng tập trung ở nhóm quỹ cổ phiếu, ở mức 868 tỷ đồng, cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đối với triển vọng của thị trường cổ phiếu”, FiinTrade đánh giá.

Dòng tiền quỹ tiếp tục ở trạng thái âm
Dòng tiền quỹ tiếp tục ở trạng thái âm

Với nhóm quỹ trái phiếu, dù vẫn hút vốn ròng, khoảng 120 tỷ trong tháng 1/2025, tương đương tháng 12/2024 nhưng thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 1.217 tỷ đồng/tháng trong năm 2024.

Xét theo loại hình quỹ, nhóm quỹ mở ghi nhận vào ròng gần 400 tỷ đồng trong tháng 1/2025, đánh dấu tháng thứ 13 liên tiếp hút vốn. Trong đó, Quỹ Cổ phiếu kinh tế hiện đại VinaCapital (VMEFF) dẫn đầu với số tiền vào ròng 193 tỷ đồng, tiếp theo là K Vietnam Equity (129 tỷ đồng) và Quỹ Chứng khoán Năng động DC (124 tỷ đồng), cho thấy nhà đầu tư vẫn ưu tiên những quỹ có danh mục đa dạng và chiến lược linh hoạt.

Ngược lại, dòng vốn tiếp tục rút khỏi nhóm quỹ đóng và ETF, với quy mô rút ròng tương đương nhau trong tháng 1/2025 (cùng ở mức hơn 600 tỷ đồng) và xu hướng cùng diễn ra trong nhiều tháng.

Top vào/rút ròng theo từng loại loại hình quỹ trong tháng 1/2025
Top vào/rút ròng theo từng loại loại hình quỹ trong tháng 1/2025

Ở nhóm quỹ ETF, VanEck Vietnam ETF ghi nhận rút ròng gần 423 tỷ đồng trong tháng 1/2025, tăng mạnh so với quy mô rút ròng bình quân trong năm 2024 (130,3 tỷ đồng/tháng), và đây là tháng rút ròng thứ 10 liên tiếp ở quỹ này. Đáng chú ý là quỹ Fubon FTSE Vietnam với quy mô rút ròng giảm đáng kể trong tháng 1/2025.

Ở nhóm quỹ đóng, hoạt động rút vốn chưa có dấu hiệu ngưng ở quỹ VEIL - quỹ lâu đời và có quy mô lớn bậc nhất thị trường chứng khoán Việt Nam do Dragon Capital quản lý và VOF - quỹ đầu tư quy mô lớn dưới sự quản lý của VinaCapital.

Dòng tiền vào ròng ở nhóm quỹ trái phiếu trong tháng 1/2025 ở mức 120 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức bình quân 1.700 tỷ đồng/tháng trong giai đoạn cao điểm của năm 2024, chủ yếu do quỹ Trái phiếu TCBF chứng kiến sự sụt giảm đáng kể, từ mức 1.600 tỷ đồng/tháng trong giai đoạn tháng 5-10/2024 xuống chỉ còn gần 4 tỷ đồng trong tháng 1/2025.

Lũy kế 1 năm gần đây, nhóm quỹ trái phiếu ghi nhận dòng tiền vào ròng gần 13.800 tỷ đồng, nhưng tập trung phần lớn ở quỹ TCBF (83,6%) và tiếp đến là Quỹ Trái phiếu Bảo Thịnh Vinawealth (VFF). Ngược lại, quỹ Trái phiếu Việt Nam (DCBF) và quỹ Trái phiếu DCIP (DCIP) cùng thuộc Dragon Capital ghi nhận rút ròng lần lượt là 954 tỷ đồng và 350 tỷ đồng.

Tin bài liên quan