Về cơ bản, khi Nghị định 60 và Thông tư 123 có hiệu lực, tại một số doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu không hạn chế cổ phần. Đây là một thông điệp vô cùng quan trọng với giới tài chính quốc tế về sự cởi mở trong chính sách thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Qua đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ lên điểm trong mắt giới đầu tư quốc tế.
Hiện nay, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng hạng thị trường từ “thị trường cận biên” lên “thị trường mới nổi”. Vì vậy, có thể thấy rằng, việc tăng độ mở của thị trường thông qua việc mở “room” là động lực quan trọng để đẩy nhanh lộ trình nâng hạng thị trường.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các thị trường chứng khoán trên thế giới được phân loại thành 3 nhóm gồm Thị trường cận biên (Frontier Market), Thị trường mới nổi (Emerging Market) và Thị trường phát triển (Developed Market).
Đối với các tiêu chí định lượng được Morgan Stanley Capital International (MSCI - tổ chức có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất trong việc xây dựng các tiêu chí phân hạng thị trường) đưa ra về thị trường mới nổi, Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm các thị trường ở vị trí tiến sát tới các thị trường mới nổi.
Cụ thể, theo các tiêu chí của MSCI, để có thể xếp hạng là thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán cần thỏa mãn hai nhóm chính là quy mô – thanh khoản và khả năng tiếp cận thị trường. Việc mở “room” cho khối ngoại đã góp phần đáng kể để thị trường chứng khoán Việt Nam cải thiện tiêu chí về khả năng tiếp cận thị trường.
Rõ ràng, khi Nghị định 60 và Thông tư 123 có hiệu lực, nhiều rào cản đối với những nhà đầu tư nước ngoài sẽ được rỡ bỏ, giúp khối ngoại có thể linh hoạt hơn trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Trong mục tiêu xa hơn nữa, khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, uy tín của thị trường sẽ được tăng theo và các cổ phiếu Việt Nam sẽ được các tổ chức đầu tư quốc tế đưa vào danh mục đầu tư khi xây dựng chiến lược đầu tư của họ. Đây sẽ là một yếu tố then chốt hút dòng tiền ngoại đổ vào Việt Nam.