Bluechips hút dòng tiền
Diễn biến giao dịch trên thị trường cho thấy, trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có diễn biến trái chiều, nhưng đa số các mã tăng giá, giúp thị trường chứng khoán giữ được sắc xanh, trong đó có sự đóng góp của VHM, BID, MSN, VNM, SAB.
Nhóm ngân hàng đóng góp nhiều nhất vào việc kéo thị trường đi lên, sau thông tin Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và đưa ra thông điệp sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Theo thống kê của của Công ty Chứng khoán MB (MBS), dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi nhóm vốn hóa nhỏ (smallcap) và dịch chuyển sang nhóm bluechips và vốn hóa trung bình (midcap).
Chẳng hạn, ngày 16/9, dòng tiền tại nhóm smallcap giảm 7,7% so với phiên trước đó, trong khi dòng tiền ở nhóm bluechips và midcap tăng lần lượt 14% và 21%. Xét cơ cấu dòng tiền theo nhóm ngành, nhóm ngân hàng đang chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 25% toàn thị trường.
Nhiều công ty chứng khoán duy trì đánh giá tích cực về triển vọng ngắn hạn của thị trường khi chỉ số có diễn biến tăng và thanh khoản được cải thiện.
Dòng tiền chủ yếu “rót” vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán hay bất động sản một phần do có những tín hiệu tốt về triển vọng kinh doanh, một phần giá cổ phiếu sau một thời gian giảm theo sự điều chỉnh của thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn.
Thêm vào đó, bối cảnh vĩ mô quốc tế và trong nước đều tương đối thuận lợi, là cơ sở để các nhóm cổ phiếu có tín hiệu tích cực hơn.
Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoánVNDIRECT cho biết, thị trường đang cho thấy sự vận động tích cực của dòng tiền, nhưng vẫn cần thêm nguồn lực để tạo ra các đợt tăng giá rõ rệt hơn.
“Trong bối cảnh thị trường chứng khoán quốc tế vẫn khó lường như hiện tại và áp lực bán để tái cơ cấu danh mục quý III/2019 của một số quỹ ETF lớn, rất khó để kỳ vọng có sự cải thiện một cách đột biến của dòng tiền. Tuy nhiên, các cổ phiếu dẫn dắt vẫn ở vị thế tăng giá và điều này hỗ trợ cho tâm lý cũng như đà tăng chung của thị trường”, ông Du nói.
Giám đốc tư vấn đầu tư VNDIRECT nhận xét, thị trường có chuyển biến tích cực nhưng động lực tăng theo từng nhóm ngành vẫn chưa đủ mạnh để tạo ra các nhóm ngành nổi trội.
Cơ hội đang ít dần bởi số cổ phiếu duy trì được đà tăng giá không nhiều, nhưng các cơ hội riêng rẽ vẫn xuất hiện, nhất là khi mùa công bố báo cáo tài chính quý III đang tới gần và lộ trình thoái vốn của một số doanh nghiệp lớn trong năm 2019 tới giai đoạn cuối.
Anh Trần Xuân Nam, nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, cổ phiếu bluechips của các doanh nghiệp đầu ngành, nền tảng tài chính lành mạnh vẫn là địa chỉ đầu tư an toàn, ngay cả khi thị trường điều chỉnh.
Theo nhà đầu tư này, muốn kiếm lợi nhuận và hạn chế rủi ro, nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm cổ phiếu này, bởi các nhóm ngành mạnh nhất thị trường thường có mức tăng tốt nhất khi thị trường chung tích cực và có mức giảm thấp khi thị trường chung đi xuống.
“Hiện vẫn có không ít cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30 đang ở vùng giá hấp dẫn, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Khi các tín hiệu kinh tế khởi sắc hơn, giá những cổ phiếu này nhiều khả năng sẽ chạy rất nhanh, nhất là khi các doanh nghiệp hé lộ kết quả kinh doanh quý III và dự kiến cả năm 2019 khả quan”, anh Nam nói.
VN-Index có thể sớm vượt ngưỡng 1.000 điểm
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ thị trường, đặc biệt sau phiên bùng nổ ngày 14/9. Sự hồi phục của nhóm này đang chỉ báo cho một xu hướng tăng hay đơn thuần chỉ là sự phục hồi mang tính kỹ thuật?
Một số ý kiến cho rằng, thị trường vẫn sẽ có diễn biến khả quan. Nhóm ngân hàng có khả năng hỗ trợ VN-Index mạnh nhất, tiếp đến là bất động sản, chứng khoán và không ít nhóm ngành khác.
Xét trên phương diện nhóm cổ phiếu theo vốn hóa, sau bluechips, nhóm vốn hóa trung bình đang được nhà đầu tư chú ý, nhưng có sự chọn lọc kỹ lưỡng.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, sự hồi phục của thị trường trong những phiên vừa qua mang nhiều ý nghĩa tích cực, ít nhất cũng cho thấy có sự đồng thuận của dòng tiền.
Ðợt hồi phục này nhiều khả năng báo hiệu một xu hướng tăng ổn định. Bối cảnh vĩ mô trong nước và quốc tế đều tương đối thuận lợi trong giai đoạn này là cơ sở để thị trường nói chung, nhóm cổ phiếu tài chính nói riêng chung có tín hiệu tích cực hơn.
Hiện tại, VN-Index đang gặp vùng kháng cự 995 điểm, BVSC nhận định, nếu vượt qua, đích đến tiếp theo của chỉ số sẽ nằm tại vùng 1.000 - 1.005 điểm.
Dự báo ngưỡng 1.000 điểm của VN-Index sẽ sớm được chinh phục, trong đó có sự đóng góp của nhóm cổ phiếu buechips.
VNDIRECT dự báo, năm 2019, mức tăng trưởng bình quân lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đạt khoảng 17,9%; chỉ số VN-Index tăng khoảng 14,7%, tương ứng với mức 1.020 điểm vào cuối năm.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam cho biết, năm 2019, VN-Index giảm xuống mức thấp nhấp 940 điểm vào giữa tháng 6 và từ đó đến nay, chỉ số có xu hướng đi lên.
Trong quá trình đó, thị trường có một số nhịp điều chỉnh, nhưng mỗi nhịp giảm đều không quá sâu. Hiện tại, dòng tiền duy trì ở mức khá và chờ cơ hội tham gia thị trường nhiều hơn, dự báo ngưỡng 1.000 điểm sẽ sớm được chinh phục, trong đó có sự đóng góp lớn của nhóm buechips.
Tuy nhiên, ông Khanh lưu ý, năm nay có nhiều biến số bất lợi ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung của các doanh nghiệp, vì vậy lợi nhuận chung của thị trường dự kiến ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn so với năm ngoái.
Kết quả kinh doanh 6 tháng cũng như triển vọng quý III của nhiều công ty thuộc nhóm ngành ngân hàng, bán lẻ và bất động sản thuộc tốp tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất đã phản ánh vào giá cổ phiếu.
Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ đã tạo nên những đợt sóng tăng ấn tượng. Ðiều này hạn chế dư địa tăng trưởng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, thậm chí là chịu áp lực chốt lãi, dẫn đến điều chỉnh giảm.
Nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro nếu chỉ nhìn vào khả năng tăng trưởng của một số nhóm ngành để mua đón đầu cổ phiếu mà không xem xét kỹ các yếu tố khác, không có đủ thông tin để phân tích tình hình doanh nghiệp cụ thể, có thể tăng trưởng như kỳ vọng hay không.