Dòng tiền sôi động, VN-Index vẫn giảm hơn 10 điểm

Dòng tiền sôi động, VN-Index vẫn giảm hơn 10 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù dòng tiền sôi động với thanh khoản tiếp tục cải thiện, nhưng với áp lực gia tăng khá mạnh từ nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến VN-Index giảm hơn 10 điểm về dưới mốc 1.270 điểm.

Cũng như phiên giao dịch trước đó, chỉ số VN-Index khá nỗ lực để tiếp cận ngưỡng kháng cự 1.280 điểm nhưng chưa đủ “sức mạnh” để vượt qua, thậm chí đã đảo chiều điều chỉnh nhẹ khi tạm dừng phiên giao dịch sáng 22/5 khi áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip.

Bước sang phiên giao dịch chiều, áp lực bán thường trực tiếp tục khiến VN-Index khó hồi phục. Chỉ số này đã lình xình dưới dưới mốc tham chiếu và biến động quanh vùng giá 1.275 điểm.

Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ giao dịch cầm chừng, nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục gia tăng sức ép lên thị trường khi các mã đua nhau giảm sâu hơn, đặc biệt tại các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán, đã khiến VN-Index nới rộng đà giảm và có thời điểm về sát đường MA10, tương đương tại mốc 1.260 điểm. Điểm tích cực vẫn là thanh khoản duy trì ở mức cao hơn trung bình, cho thấy dòng tiền vẫn tham gia sôi động trên thị trường.

Chốt phiên, sàn HOSE có 173 mã tăng và 291 mã giảm, VN-Index giảm 10,23 điểm (-0,8%), xuống 1.266,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,13 tỷ đơn vị, giá trị 28.929,7 tỷ đồng, tăng hơn 16% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 146,48 triệu đơn vị, giá trị gần 3.630 tỷ đồng.

Nhóm VN30 kết phiên giảm hơn 17 điểm xuống sát mốc 1.290 điểm khi chỉ còn 5 mã giữ được sắc xanh, với FPT tăng tốt nhất là 1,5% và cũng là mã có đóng góp lớn nhất với hơn 0,6 điểm cho chỉ số chung, còn lại MWG, PLX, POW, VHM chỉ tăng nhẹ.

Ngược lại, có tới 24 mã trong nhóm này mất điểm, trong đó VJC vẫn giảm sâu nhất là 3%, tiếp theo là VPB giảm 2,7%, MSN giảm 2,5%, VIC giảm 2%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, áp lực bán cũng khiến nhiều mã đảo chiều giảm, đặc biệt là HAG có thời điểm lùi về sát mức giá sàn và đóng cửa giảm 4,7% xuống mức 14.200 đồng/CP với thanh khoản đứng ở vị trí thứ 3 toàn thị trường, đạt 36,52 triệu đơn vị. Hay TCH đảo chiều giảm 2,8% xuống mức 19.300 đồng/CP và khớp gần 15,5 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, nhóm nông lâm ngư là nhóm giảm mạnh nhất khi để mất hơn 2,5%, tiếp theo là nhóm thiết bị điện, vật liệu xây dựng, chế biến thủy sản.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục nới rộng biên độ giảm khi kết phiên chỉ còn NAB nhích nhẹ 0,3% và LPB tăng gần 2%, còn lại đều giao dịch trong sắc đỏ. Trong đó, VPB giảm 2,7% và MBB giảm 1,7%, là 2 mã giao dịch sôi động nhất dòng bank với thanh khoản đều đạt hơn 20 triệu đơn vị.

Đáng chú ý là pha “quay xe” của nhóm chứng khoán. Sau nhịp tăng khá tốt vào đầu phiên sáng rồi dần hạ nhiệt về cuối phiên, nhóm cổ phiếu này đã tiếp tục giật lùi và đóng cửa trong sắc đỏ khi nhiều mã đảo chiều giảm. Cụ thể, VND, VIX, SSI, CTS đều giảm nhẹ trên dưới 1%, VCI giảm 1,6%. Cổ phiếu HCM dù thu hẹp biên độ đáng kể nhưng vẫn là mã tăng tốt của ngành, kết phiên tăng 2,7% lên mức 30.500 đồng/CP.

Ở nhóm bất động sản, dòng tiền vẫn “ưu ái” các mã vừa và nhỏ. Trong đó, DIG, NVL, PDR, DXG vẫn đóng cửa trong sắc xanh với thanh khoản một vài chục triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường vẫn duy trì đà tăng nhẹ nhờ sự tiếp sức của nhóm HNX30.

Đóng cửa, sàn HNX có 88 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index tăng 0,72 điểm (+0,30%), lên 243,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 138,8 triệu đơn vị, giá trị 2.761 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 là tâm điểm của thị trường khi đóng cửa tăng hơn 8 điểm với giao dịch sôi động. Kết phiên, trong số 18 mã tăng thì có tới 3 mã tăng trần là NTP, DTD và NVB; các mã tăng mạnh khác như HUT tăng 4,6%, L14 tăng 6,2%, L18 tăng 4,4%...

Trong khi đó, SHS không thể đi ngược xu hướng của ngành, đóng cửa giảm 1% xuống mức 19.300 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, đạt 28,43 triệu đơn vị.

Các mã giao dịch sôi động khác trong nhóm HNX30 như PVS, CEO, PVC, HUT đều có thanh khoản hơn 5 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bộ 3 cổ phiếu nhà APEC vẫn khởi sắc, với IDJ tăng 7,5% và khớp gần 6,5 triệu đơn vị, API tiếp tục trong trạng thái dư mua trần và khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị, còn APS tăng 6,8% và khớp 3,67 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, dù thị trường biến động giằng co và liên tục đổi sắc, nhưng UPCoM-Index may mắn vẫn khép lại trên mốc tham chiếu.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,27%), lên 94,7 điểm với 193 mã tăng và 110 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 205,5 triệu đơn vị, giá trị 2.829 tỷ đồng.

Điểm sáng của thị trường là cặp đôi dầu khí, trong đó BSR đóng cửa tăng 9,1% với khối lượng khớp lệnh tăng vọt lên tới gần 29 triệu đơn vị, còn OIL tăng 8,2% và khớp 6,27 triệu đơn vị.

Trái lại, ABB sau phiên bùng nổ hôm qua, đã đảo chiều giảm 6,6% xuống mức 8.500 đồng/CP, với khối lượng giao dịch đạt 15,77 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm khá mạnh 15-20 điểm, trong đó VN30F2407đáo hạn gần nhất giảm 19,9 điểm, tương đương -1,5% xuống 1.292,2 điểm, khớp hơn 233.300 đơn vị, khối lượng mở 48.325 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, tuy nhiên, CVRE2303 thanh khoản cao nhất là hơn 4,1 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 10 đồng/cq; tiếp theo là CVIB2305 khớp hơn 3,8 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 9,2% xuống 690 đồng/cq.

Tin bài liên quan