Việc không có cú Break-out tại 580 điểm có nghĩa là vẫn chưa có nhiều sự hoán đổi hay thay thế lớp NĐT. Họ vẫn đang chủ động nắm giữ cổ phiếu giá thấp và tiếp tục chờ đợi thời điểm thích hợp nhất để bán. Nếu như điều này xảy ra thì khi đó dòng tiền kia sẽ khó quay lại trong thời gian ngắn và vì thế sẽ tạo sức ép vô cùng lớn lên đà tăng của thị trường.
Quay trở lại với thị trường thì tuần qua được đánh giá là khá hào hứng và đầy khích lệ. Rõ ràng, khi ngưỡng 580 điểm có khả năng vượt qua, một dòng tiền đứng ngoài bắt đầu gia nhập trở lại. Tuy nhiên, dòng tiền này vẫn còn những lo ngại nhất định mà chưa thực sự bung ra. Nhưng chính sự kết hợp của kỳ vọng và lo ngại rủi ro đó lại giúp thị trường tiến những bước đi vững chắc, và bản thân các cổ phiếu cũng đồng hành cùng xu hướng này. Đó cũng là điểm hay mà NĐT đang cảm nhận thấy.
Một yếu tố cốt yếu của thị trường vốn luôn được NĐT quan tâm và cũng là lý do để giải ngân là thanh khoản. Với mức 103 triệu đơn vị/phiên, sàn HOSE tăng hơn 43%, còn sàn HNX với mức 54,7 triệu đơn vị/phiên tăng hơn 34% so với tuần trước. Đó là minh chứng cho thấy dòng tiền đã và đang tiếp tục đổ vào thị trường.
Một điểm dễ nhận thấy trong nhịp tăng tuần qua chủ yếu sự dẫn dắt vẫn là những cổ phiếu bluechips được dự báo sẽ có KQKD quý 2 khả quan và tác động của nhóm GAS, VNM... Chính vì vậy mà thị trường tỏ ra khá bền vững và NĐT chỉ chốt lời khi giá của những cổ phiếu này tăng cao. Tuy nhiên, khi dòng tiền bắt đầu gia nhập thì nhóm cổ phiếu ưa thích sẽ chẳng phải là nhóm bluechips mà phải là nhóm có tính chất đầu cơ, hệ số beta cao. Những cổ phiếu thuộc nhóm ngành này thường sẽ là BĐS, chứng khoán... Trong tuần qua chúng ta cũng đón nhận một số thông tin kinh tế đáng quan tâm. Theo đó một số thông tin bên lề như tình hình căng thẳng ngoại tệ hay trái phiếu, lãi suất cũng đang là động lực cho thị trường dù rằng nó không hoàn toàn rõ ràng.
VN-Index
Sự bứt phá mạnh của chỉ số này có công rất lớn từ nhóm cổ phiếu MSN, VNM, GAS... khiến chỉ số này tiến rất nhanh tới ngưỡng kháng cự mạnh tiếp theo. Trên đồ thị, chỉ số cũng đã đang đi vào vùng quá bán, và vì thế sẽ khó có thể tạo ra thêm một tuần bứt tốc như vậy.
Chúng tôi nghiêng về khả năng đà tăng bị hãm lại bởi chính những cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu bluechips đã tăng giá mạnh vừa qua. Trong khi đó nhóm cổ phiếu đầu cơ thị giá thấp sẽ có cơ hội tăng giá hơn, và dòng tiền sẽ hoạt động tích cực hơn ở nhóm này. Sự bù trừ này sẽ vẫn tạo ra mức tăng cho chỉ số nhưng không còn quá mạnh, và đây cũng chính là những gì mà thị trường từng diễn ra ở những lần tăng trước.
Nhưng ngược lại, nếu như cổ phiếu đầu cơ lại không thể tăng giá hỗ trợ cho thị trường thì nhịp điều chỉnh sẽ xuất hiện. Khi đó chúng ta quan sát lực cung hàng nếu như thị trường co cụm lại, NĐT không bán ra bằng mọi giá thì nhịp điều chỉnh đó sẽ giúp thay máu NĐT và kỳ vọng tăng vẫn còn. Ở kịch bản này những cổ phiếu có mức tăng mạnh vừa qua sẽ chịu áp lực điều chỉnh nhất.
HNX-Index
Chỉ số này có một phiên giảm điểm vào cuối tuần và chưa thể chinh phục mốc 80 điểm. Dòng tiền đã xuất hiện và dịch chuyển sang giúp thanh khoản tăng lên. Sức bật của chỉ số này được hỗ trợ khá lớn từ nhóm được dự báo có KQKD tốt như PGS, PVS... trong khi những cổ phiếu đầu cơ chưa tăng. Nhìn chung chỉ số này cũng sẽ khá tương đồng với VN-Index và có thể cùng xuất hiện nhịp điều chỉnh nhẹ.
Thực tế giai đoạn này mới nhen nhóm cho một nhịp tăng mới. Nó chưa thực sự tạo ra một nhịp hưng phấn lớn của NĐT và vì thế dòng tiền vào vừa qua cũng có thể sẵn sàng rút ra nếu như có biến động mạnh. NĐT cũng cần quan sát tiếp những động thái của khối ngoại bởi họ đang bước vào giao đoạn bán nhiều hơn mua. Tuần qua nếu như không có lượng thỏa thuận lớn của khối này với cổ phiếu GMD thì có lẽ đây là tuần bán ròng đầu tiên. Vì thế có thể tuần sau thị trường sẽ có một nhịp điều chỉnh khi chỉ số VN-Index tiếp cận mốc 595-600 điểm, và 80 điểm của HNX-Index.