Dòng tiền phái sinh đang tích cực

Dòng tiền phái sinh đang tích cực

(ĐTCK) Thị trường đã xác nhận tín hiệu tạo đáy ngắn hạn với sự đồng thuận cả về dòng tiền và đà lan tỏa rộng ở các nhóm ngành dẫn sóng. Dù vậy, thực tế cũng cho thấy, dòng tiền chảy vào thị trường chưa thực sự quyết liệt trong nhịp này. Có thể đâu đó những bất ổn từ yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước đang khiến tâm lý nhà đầu tư không quá hưng phấn. Do vậy, chiến lược canh Long (mua) trong các pha điều chỉnh là lựa chọn phù hợp trong tuần này.

Yếu tố cơ bản: Tỷ giá Biến động mạnh

Căng thẳng tỷ giá tiếp tục nổi lên. Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã chủ động giảm giá đồng Nhân dân tệ để đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra. Ðiều này khiến tỷ giá Việt Nam chịu nhiều sức ép, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều công cụ để ổn định tỷ giá tiền đồng, nên nếu có biến động ngắn hạn thì vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát.

Khối ngoại liên tục bán ròng. Sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đẩy diễn biến tỷ giá biến động mạnh, khiến nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng trong suốt 2 tuần qua, được thực hiện qua cả khớp lệnh trên sàn và kênh ETF. Cụ thế, 2 tuần qua, khối ngoại bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng khớp lệnh trên sàn, trong khi bán ròng gần 60 tỷ đồng trong 5 phiên gần nhất thông qua quỹ nội VFMVN30. 

Yếu tố kỹ thuật: Dư địa tăng vẫn còn

Phái sinh kỳ hạn tháng 6 tiếp tục duy trì độ lệch dương với chỉ số cơ sở VN30 phản ánh kỳ vọng tích cực của phần đông nhà đầu tư. Tuy vậy, chỉ số cũng đã bắt đầu có sự chững lại nhất định về mặt kỹ thuật khi tiệm cận vùng kháng cự quanh vùng 895-900 điểm. Ðây là diễn biến bình thường trong một quá trình đi lên bên vững, quan trọng là tư duy tích cực của dòng tiền vẫn chưa có sự thay đổi đáng chú ý, nên rủi ro đảo chiều xu hướng là chưa lớn.

Dòng tiền phái sinh đang tích cực ảnh 1

 Diễn biến giá hợp đồng Vn30 kỳ hạn 1 tháng (VN30F1906)

Dòng tiền trở lại mạnh mẽ

Sự cạn kiệt của lực bán là nền tảng giúp cho bên mua tự tin quay trở lại giải ngân xuyên suốt các phiên tuần qua. Theo đó, bên cầu liên tục duy trì trạng thái áp đặt với bên cung. Việc làm chủ tình hình của bên mua giúp thị trường có nhiều hy vọng kéo dài sóng tăng hiện tại.

Dư địa của dòng tiền vẫn còn một khoảng rất rộng ở phía trên, tức là dòng tiền hoàn toàn còn có thể mở rộng thêm trong các phiên tới. Một khi bên cầu còn tiếp tục thể hiện sự áp đặt với bên cung thì triển vọng tăng của chỉ số còn được duy trì.

Dòng tiền phái sinh đang tích cực ảnh 2

 885 điểm là vùng giá mua tiềm năng của VN30F1906.

Ðà lan tỏa bứt phá

Ðà lan tỏa có cú bật tăng mạnh trong tuần qua. Ðây là diễn biến được kỳ vọng rất nhiều cho thấy sự đồng thuận của các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang tích cực hơn, thay vì sự rời rạc như cách đây 2 tuần. Các trụ chính lần lượt lấy lại xu hướng ngắn hạn làm trụ đỡ cho thị trường. Ðà lan tỏa trong vòng 10 phiên gần nhất cũng đã xác nhận tín hiệu tạo đáy và tăng dần trở lại.

Nhìn vào mức đỉnh điểm của đà lan tỏa là 90%, thì với mức 60% như ở thời điểm hiện tại, dư địa tăng còn đủ lớn để nền giá tiếp tục được kéo đi lên, nhất là với sự củng cố chặt chẽ của nền giá bên dưới kéo dài hơn 1 tháng qua. 

Nhóm ngành trụ lan tỏa rộng và đều

Thị trường có những phiên bùng nổ, nhưng cách tăng của các nhóm ngành trụ vẫn rất lành mạnh, không vội vã như giai đoạn tháng 2/2019. Tuy số lượng cổ phiếu đang trong xu hướng tăng và giảm trong rổ VN30 gần như tương đương, nhưng quan trọng là trong số 51% lượng cổ phiếu đang tích cực, có sự hiện diện của nhiều cổ phiếu dẫn đầu về mức độ tỷ trọng đóng góp như VNM, VIC hay một số cái tên bị lãng quên lâu nay như VJC.

 Thống kê xác suất đầu tư ngắn hạn

 Nhóm ngành trụ lan tỏa rộng và đều.

 Đà lan tỏa theo vốn hóa và MA10.

Hiện tại, sự lan tỏa tốt đang phản ánh rõ ở nhóm thực phẩm - đồ uống và bất động sản. Nhưng với dư địa của dòng tiền vẫn còn lớn, thì sự lan tỏa tiếp theo có thể được kéo sang các cổ phiếu ngành ngân hàng. Do vậy, sự kỳ vọng trong tuần được đặt nhiều vào nhóm này, với một số mã tiêu biểu là VCB, BID, TCB, VPB hay MBB. Tất nhiên, điều kiện cần là các cổ phiếu đã tăng trước đó như VNM, VIC, VRE tiếp tục duy trì đà tăng. 

Canh mua trong những nhịp điều chỉnh

Chỉ số VN30F1906 có 2 phiên chững lại liên tục quanh vùng 895-900 điểm sau những nhịp hưng phấn vào đầu tuần. Ðây được xem là diễn biến cần thiết để chỉ số tạo đà tiếp tục đi lên, trong đó dòng tiền bên mua chủ động và sự lan tỏa tốt ở các nhóm cổ phiếu trụ là chất xúc tác.

Mặc dù vẫn đánh giá triển vọng thị trường ở mức tích cực, nhưng chúng tôi không quá hưng phấn để bị cuốn theo đà tăng này, nhất là trong bối cảnh các biến số vĩ mô chưa thực sự ổn định và khối ngoại liên tiếp bán ròng. Bên cạnh đó, cách dòng tiền chảy vào thị trường không vội vã cũng cho thấy nhịp tăng này có thể sẽ không đi với quán tính nhanh như giai đoạn sau Tết.

Do vậy, chiến lược canh Long (mua) trong những pha điều chỉnh của chỉ số VN30F1906 nên được ưu tiên trong tuần này. Vùng đệm quan trọng quanh mốc 885 điểm sẽ là vùng giá mua tiềm năng, với mục tiêu hướng tới các vùng giá xa hơn như 900 điểm hay 910 điểm.

Tin bài liên quan