Vĩ mô thế giới có nhiều biến động
VN-Index có tuần giao dịch đầu Xuân mới với nhiều cung bậc cảm xúc. Nếu như phiên đầu tuần thể hiện sự hoảng loạn thì các phiên giao dịch sau đó lại tăng điểm tích cực, đưa chỉ số chung tiếp cận ngưỡng cản 1.280 điểm.
Trái ngược với cảm xúc thăng hoa mà nhóm cổ phiếu công nghệ mang lại trong năm Giáp Thìn 2024, ngay ngày giao dịch đầu năm mới Ất Tỵ 2025, một loạt cổ phiếu công nghệ điều chỉnh mạnh. Đầu tàu FPT giảm 5%, kéo theo nhiều cổ phiếu khác giảm giá như FOX, VTP, CTR, CMG, TTN, MFS… Nguyên nhân là theo tâm lý hoảng loạn chung của thị trường công nghệ thế giới, khi Trung Quốc tung ra Chat AI DeepSeek được đồn đoán là có chi phí rẻ hơn ChatGPT nhiều lần, làm lung lay niềm tin vào khả năng duy trì vị thế dẫn đầu về AI của Mỹ. Tuy nhiên, sự hoảng loạn của nhóm công nghệ không quá nghiêm trọng và không lan tỏa nhiều sang các nhóm ngành khác.
Những phiên sau đó, thị trường chứng kiến sự hồi phục và tăng điểm tốt của tất cả các nhóm ngành. Trong đó, nhóm ngân hàng giúp nâng đỡ VN-Index và lan tỏa sự hưng phấn tới toàn thị trường. Đứng đầu là CTG với mức tăng hơn 7% chỉ trong 1 tuần.
Thanh khoản tuần qua cải thiện nhiều so với 4 tuần trước đó cho thấy dòng tiền bắt đầu nhập cuộc trở lại. Mặc dù vậy, dòng tiền có sự phân hóa và dịch chuyển liên tục, mỗi phiên tập trung vào một vài cổ phiếu của một số nhóm ngành. Một số mã có mức tăng trên 10% trong tuần như KSV, MSR, GEE, APG, SGP, MVN, VGS, CTD.
Trong thời gian nghỉ Tết, vĩ mô thế giới có nhiều biến động, đáng chú ý là Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối với hàng hóa từ Canada, Mexico, rồi sau đó lại tạm hoãn. Động thái này khiến thị trường lo ngại về nguy cơ căng thẳng thương mại leo thang giữa các nền kinh tế lớn, có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, Trung Quốc có động thái đáp trả sau khi các biện pháp thuế quan của Mỹ có hiệu lực, làm gia tăng rủi ro địa chính trị và gây áp lực lên thị trường hàng hóa.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh vừa hạ lãi suất và phát tín hiệu sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu. Quyết định này khiến đồng bảng Anh mất giá, trong khi lợi suất trái phiếu Anh giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng.
Những diễn biến trên phản ánh sự phân hóa rõ rệt trong chính sách tài khóa và tiền tệ giữa các quốc gia, tạo ra các biến động khó lường trên thị trường tài chính.
Tuần này, thị trường chứng khoán có thể dao động mạnh, đặc biệt nếu có thêm tín hiệu mới về chính sách bảo hộ của chính quyền Mỹ và diễn biến căng thẳng thương mại toàn cầu. Một nhịp điều chỉnh ngắn về vùng 1.265 điểm của VN-Index có thể xảy ra. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn những cổ phiếu tiềm năng.
![]() |
“Trump 2.0” có thể ảnh hưởng đến ngành ngân hàng
Chúng tôi cho rằng, chính sách dưới thời “Trump 2.0” sẽ tác động gián tiếp đến ngành ngân hàng Việt Nam, gồm 3 rủi ro chính.
Thứ nhất, ông Trump có chiều hướng ưu tiên cắt giảm chính sách thuế hỗ trợ nhóm doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ phục hồi. Điều này khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thận trọng khi quyết định hạ lãi suất; dòng vốn đầu tư gián tiếp có xu hướng rút ròng và chỉ số đồng USD (DXY) tăng mạnh, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái trong nước.
Thứ hai, chính sách thuế quan thương mại của ông Trump đem lại rủi ro chi phí hàng hóa tăng cao, có thể khiến lạm phát khó kiểm soát.
Thứ ba, chính thuế quan leo thang theo xu hướng phòng vệ thương mại trên toàn cầu không chỉ từ Mỹ kéo theo rủi ro kim ngạch xuất khẩu giảm. Khi đó, hoạt động sản xuất thu hẹp làm chậm nhu cầu tín dụng ở nhóm doanh nghiệp xuất khẩu và cung ứng nguyên vật liệu. Không những thế, nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu có thể giảm dần.
DSC đánh giá, với bối cảnh thế giới như vậy, Việt Nam ít có dư địa để hạ lãi suất. Chi phí vốn ngân hàng sẽ có xu hướng tăng nhẹ, biên lợi nhuận khó cải thiện. Nhà đầu tư khi lựa chọn cổ phiếu ngân hàng nên tập trung vào nhóm tốp đầu, có chỉ số cơ bản tốt, không nên đầu tư dàn trải.