Đã có những dấu hiệu ban đầu về sự luân chuyển dòng vốn đang diễn ra, trong đó hiệu suất của các cổ phiếu đã vượt trội so với trái phiếu bằng đồng nội tệ kể từ đầu tháng 7.
Bối cảnh vĩ mô cũng đang nghiêng về phía có lợi cho các quốc gia đang phát triển. Các nền kinh tế mới nổi dự kiến sẽ mở rộng nhanh hơn gần 3% so với các nền kinh tế phát triển trong vòng 3 năm tới, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ.
Ashish Chugh, nhà quản lý tiền tại Loomis Sayles & Co. cho biết: “Các động lực chính cho hiệu suất cổ phiếu sẽ là môi trường vĩ mô lành mạnh, đặc biệt là ở các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Brazil, cùng với tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nhờ sức mạnh tiêu dùng và đầu tư”.
Chỉ số MSCI Emerging Markets Index đã tăng gần 6% trong tháng 7, là mức tăng tốt nhất kể từ tháng 1. Ngược lại, các chỉ số về trái phiếu thị trường mới nổi bằng đồng đô la và nội tệ lại tăng ít hơn 2% trong cùng thời kỳ.
Các tài sản ở thị trường mới nổi nhìn chung đã chứng kiến dòng vốn vào tăng 5,5% trong tháng 7, mức cao nhất kể từ tháng 11. Các nhà đầu tư vào các quỹ ETF của Mỹ đã rót ròng 2,61 tỷ USD vào các quỹ ETF cổ phiếu thị trường mới nổi trong 4 tuần qua, trong khi chỉ phân bổ 269 triệu USD cho các quỹ trái phiếu.
Đó có thể chỉ là sự khởi đầu. Theo GW&K Investment Management, đợt bán tháo vào năm ngoái đã khiến sở hữu cổ phiếu các thị trường mới nổi của các nhà đầu tư toàn cầu ít hơn khoảng 600 tỷ USD. Trong khi đó, các nhà quản lý tiền ở Mỹ đã có khoảng 2.500 tỷ USD tiền mặt. Niềm tin về sự phục hồi kinh tế đang đưa một số dòng vốn đó quay trở lại cổ phiếu của các quốc gia đang phát triển.
Hasnain Malik, chiến lược gia tại Tellimer cho biết: “Nếu chúng ta thực sự thấy lãi suất của Mỹ đạt đỉnh, thì cổ phiếu ở các khu vực nhỏ hơn, khó khăn hơn của thị trường mới nổi sẽ hoạt động tốt khi vốn nước ngoài quay trở lại – ví dụ như Ai Cập, Nigeria, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu chúng ta thấy Mỹ hạ cánh mềm, điều đó có lợi cho các thị trường mới nổi lớn hơn như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc vì sự phụ thuộc của họ vào lĩnh vực sản xuất-xuất khẩu”.
Ở một số thị trường mới nổi, các nhà đầu tư bị thu hút bởi cổ phiếu vì chúng mang lại lợi nhuận tiềm năng vượt xa trái phiếu. Chẳng hạn, chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giao dịch với tỷ suất lợi nhuận - lợi nhuận dự kiến thể hiện theo tỷ lệ phần trăm của giá cổ phiếu - là 8,6%. Trong khi lợi nhuận từ trái phiếu Trung Quốc mang lại là 2,6%. Khoảng cách đó đã tăng gấp đôi trong hai năm qua. Ngay cả khi Trung Quốc phải đối mặt với những cơn gió ngược thông qua các dấu hiệu cảnh báo về dữ liệu trên toàn nền kinh tế, một số nhà đầu tư vẫn không nản lòng.
Nuno Fernandes, nhà quản lý quỹ tại GW&K Investment Management cho biết: “Một nửa danh mục đầu tư của chúng tôi là ở Trung Quốc. Ấn Độ là quốc gia quan trọng thứ hai đối với chúng tôi. Định giá cao ở đó cản trở chúng tôi sở hữu nhiều hơn, nhưng kỳ vọng của chúng tôi là Ấn Độ sẽ có độ trễ hơn một chút và đó sẽ là cơ hội của chúng tôi”.
Các nhà đầu tư đặc biệt thích chứng khoán Mỹ Latinh, một trong số thị trường đó vừa có định giá rẻ vừa được hưởng lợi từ việc nới lỏng tiền tệ. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, chỉ số cổ phiếu của Brazil giao dịch ở mức thấp hơn 25% so với mức định giá trung bình trong 10 năm qua, và các nhà hoạch định chính sách vừa đưa ra một đợt cắt giảm lãi suất lớn hơn dự báo.
Nenad Dinic, chiến lược gia cổ phiếu tại Julius Baer cho biết: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng vượt trội đối với chứng khoán Mỹ Latinh được hưởng lợi từ đồng đô la yếu hơn, cắt giảm lãi suất và tâm lý Trung Quốc được cải thiện”.