Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Dòng tiền lớn chực chờ vào chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dư địa để dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán đang khá lớn, cùng với đó, hoạt động tăng vốn mạnh mẽ trong năm 2024 của nhiều công ty chứng khoán cũng là điểm nhấn quan trọng kích thích dòng tiền.

Vốn margin còn “rộng rãi”

Theo quan sát của chúng tôi, giá trị margin toàn thị trường tăng cuối năm 2023 đạt hơn 168.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,46% so với quý III/2023 và 50% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị margin tăng nhanh tuy nhiên các công ty chứng khoán vẫn còn nhiều dư địa cung cấp margin trong năm 2024.

Điều này đến từ 4 yếu tố. Thứ nhất, tổng giá trị margin cuối năm 2023 vẫn thấp hơn 6% mức đỉnh margin trong năm 2022. Cùng với đó, tỷ lệ dư nợ margin/vốn chủ sở hữu đạt 73%, đây là một mức khá lành mạnh so với mức đỉnh tương đương 115% của giai đoạn các năm 2021 - 2022.

Dư nợ margin toàn thị trường. Nguồn: FiinproX, BSC tổng hợp.

Dư nợ margin toàn thị trường. Nguồn: FiinproX, BSC tổng hợp.

Thứ hai, các công ty chứng khoán tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tăng vốn trong năm 2024 nhằm tăng thêm nguồn lực cho hoạt động kinh doanh, bao gồm nghiệp vụ cho vay margin. Làn sóng tăng vốn đã được đẩy mạnh trong vài năm gần đây và tiếp tục duy trì trong 2024 đã mở thêm dư địa cho vay margin của các công ty chứng khoán.

Nguồn: BSC Research tổng hợp.

Nguồn: BSC Research tổng hợp.

Thứ ba, tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán cũng ghi nhận xu hướng tăng trong quý IV/2023, ước đạt 83.500 tỷ đồng, tăng 7,43% so với quý III/2023, tăng 31,84% so với đầu năm 2023. Tiền gửi nhà đầu tư tăng trưởng cùng margin cho thấy khả năng vay margin của nhà đầu tư vẫn được đảm bảo.

Thứ tư, dư nợ margin không tăng quá nóng so với sự cải thiện thanh khoản của thị trường. Trong quý IV/2023 tăng gần 50% so với đầu năm trong khi thanh khoản của thị trường tăng 32% so với cùng kỳ. Con số này trong thời điểm lịch sử năm 2022 lần lượt là 125% và 184%.

Lãi suất thấp điều hướng dòng tiền về chứng khoán

Lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại nói chung hay 4 ngân hàng thương mại Nhà nước nói riêng đều đã giảm rất sâu so với mức đỉnh hồi đầu năm 2023, thậm chí còn thấp hơn giai đoạn nới lỏng thời kỳ 2019. Mặt bằng lãi suất giảm nhanh khiến cho kênh tiền gửi trở nên kém hấp dẫn. Dòng tiền đang có xu hướng quay lại với hoạt động sản xuất kinh doanh và các kênh đầu tư, trong đó có đầu tư chứng khoán.

Số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối quý IV/2023 tăng 31,84% kể từ đầu năm 2023, vượt trội đáng kể so với tăng trưởng huy động của hệ thống ngân hàng là khoảng 13,2%. Có thể thấy các nhà đầu tư đang tích cực tìm kiếm cơ hội vào lại thị trường.

Lãi suất huy động và cho vay bình quân của 4 NHTM nhà nước. Nguồn: FiinproX, BSC tổng hợp.

Lãi suất huy động và cho vay bình quân của 4 NHTM nhà nước. Nguồn: FiinproX, BSC tổng hợp.

Xét trên toàn thị trường, tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu tăng xuyên suốt năm 2023 và đạt mức 72,99% tại thời điểm quý IV/2023 (dù vẫn thấp hơn ở giai đoạn 2022 và giai đoạn dịch Covid-19, xấp xỉ 110%). Lãi suất margin có khuynh hướng giảm từ cuối năm 2023, lý do chủ yếu là lãi suất tiết kiệm ở mức thấp. Mặt bằng lãi vay margin đã giảm khoảng 30%, cá biệt nhiều công ty chứng khoán đưa ra mức lãi suất ưu đãi cho một số đối tượng chỉ từ 6 – 8%. Thanh khoản thị trường đang cho thấy xu hướng hồi phục trở lại. Cùng với gia tăng sử dụng vốn sở hữu trong đầu tư, nhà đầu tư cũng sử dụng margin thể hiện qua số liệu tiền gửi và dư nợ margin.

So sánh số liệu margin trong quá khứ, mức tăng tiền gửi nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán, giá trị tăng vốn của các công ty chứng khoán và tốc độ tăng của thanh khoản thị trường, chúng tôi cho rằng rủi ro về margin trên thị trường hiện tại chưa cao. Nhìn chung, dư nợ margin hiện tại có xu hướng bền vững và chưa có dấu hiệu “tăng nóng” như thời điểm năm 2022.

Câu chuyện của Fed không tác động quá nhiều đến thị trường

Dữ liệu kinh tế vĩ mô Mỹ đầu năm cho thấy tiềm năng tăng trưởng kinh tế duy trì, thị trường lao động chắc chắn và lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại. Trong biên bản Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) - thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 21/2, các nhà hoạch định chính sách sẽ không vội cắt giảm lãi suất và bày tỏ thận trọng về lạm phát. Với thông điệp như trên, nhà đầu tư quốc tế đã điều chỉnh kỳ vọng giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 3 hoặc tháng 5 về tháng 6/2024.

Thông tin Fed không sớm hạ lãi suất dù vậy không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới. Tiếp nối đà tăng của S&P 500, chỉ số Dow Jones và Nikkei 255 trong tuần Fed ra thông tin lần lượt vượt 39.000 điểm, qua đó ghi nhận mức đỉnh cao nhất mọi thời đại. Điều này cho thấy các thị trường chứng khoán quốc tế trong ngắn hạn không bị chi phối mạnh bởi thông tin Fed mà đang được dẫn dắt bởi thông tin kết quả kinh doanh của các công ty công nghệ, dòng tiền và tâm lý tích cực của nhà đầu tư.

Diễn biến tương đồng với thị trường chứng khoán thế giới, VN-Index cũng liên tiếp tạo đỉnh ngắn hạn kể từ đầu năm 2024 với thanh khoản cải thiện. Chỉ số ghi nhận chuỗi 7 phiên tăng điểm liên tiếp trước và sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán. Thị trường chứng khoán quốc tế tích cực, mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm thấp dưới 5% và mức định giá hợp lý so với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp đang là động lực thu hút dòng tiền trong ngắn hạn.

Xét về định giá, P/E VN-Index hiện tại đang ở mức 14,8 lần, gần mức bình quân 5 năm và là mức không rẻ nhưng khi lợi nhuận thị trường có thể tăng trưởng 17% trong năm 2024 thì chỉ số P/E sẽ chỉ hơn 12 lần và trở nên khá hấp dẫn. Mức tăng trưởng lợi nhuận này có tính khả thi dựa trên đà hồi phục theo từng quý trong năm 2023. Lợi nhuận thị trường đã tăng mạnh 36,5% trong quý IV, kết thúc 3 quý trước đó tăng trưởng âm lần lượt 19,7%, 14% và 4%.

Mặt bằng lợi nhuận năm 2023 thấp và những chuyển biến tích cực về lãi suất, thị trường quốc tế là tiền đề tăng trưởng quý I và cả năm 2024. Ngoài ra, lợi nhuận cải thiện mạnh trong quý IV/2023 được dẫn dắt bởi các ngành Ngân hàng, Thực phẩm và đồ uống, công nghệ thông tin, Xây dựng và Vật liệu xây dựng. Đây cũng là ngành dẫn dắt thị trường trong 2 tháng đầu năm.

Do vậy trong ngắn hạn, chúng tôi nhận thấy thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế chưa bị ảnh hưởng bởi thông tin Fed. Tuy nhiên, các thị trường đều đang có vận động tăng giá mạnh kéo theo mức định giá hợp lý dần thu hẹp. Các thị trường có thể bước vào điều chỉnh ngắn hạn khi mức tăng giá quá nhanh và tăng trưởng kết quả kinh doanh quý I không bắt kịp với mức kỳ vọng của thị trường.

Tin bài liên quan