Trong cuộc trò chuyện với Đầu tư Chứng khoán từ những ngày đầu quý IV/2023, khi bức tranh các kênh đầu tư còn mờ mờ ảo ảo, một chuyên gia tư vấn quản lý tài sản cá nhân đã nhận định rằng, “dòng tiền đã chạm tới giới hạn của sự kiên nhẫn đến mức khó có nhà đầu tư cá nhân nào chấp nhận để nằm im trong tài khoản tiết kiệm được nữa, mà đang tỏa đi các ngóc ngách để tìm kiếm cơ hội, dù cửa thắng - cửa thua vẫn chỉ là 50/50”.
Cơ sở để ông này đưa ra nhận định trên là lãi suất tiết kiệm nằm ở đáy nhiều năm nay và với hàm ý chính sách của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ thì mức thấp này sẽ còn duy trì khá lâu nữa.
Nhưng trước câu hỏi đầu tư vào đâu cho “chắc cú” thì vị chuyên gia này lại khá dè dặt, lý do bởi môi trường đầu tư vẫn mông lung nhiều biến số. Ông chỉ nói rằng, “có đầu tư thế nào hay đầu tư vào đâu thì với nhà đầu tư cá nhân xứ ta, mọi thành quả rồi sẽ được hiện thực hóa vào… nhà đất mà thôi”.
Trong khi đó, các nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm thực chiến trên thị trường thì lại có khẩu vị đầu tư rất mang tính “trực giác mách bảo” khi nhiều người cho rằng, sau một thời gian dài bết bát, cứ thấy các chỉ số chứng khoán rộ lên với thanh khoản “tỷ đô” trong khoảng vài tháng là có thể “nhúc nhắc” xuống tiền mua bất động sản được rồi!
Thực tế, câu chuyện này đã đúng nhiều lần trong quá khứ và rất có thể cũng lại đúng trong vài tháng tới, khi thị trường chứng khoán rộ lên trong quý đầu năm nay rồi hiện trở lại giao dịch“bình bình”, nhường đất diễn cho chung cư nội đô và dần lan ra các phân khúc bất động sản khác. Thậm chí, hiện tượng FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) đã cục bộ diễn ra tại một số khu vực, một số sản phẩm địa ốc!
Diễn biến trên thị trường địa ốc cho thấy, dường như các thành viên thị trường, từ chủ đầu tư, môi giới, ngân hàng và các nhà đầu tư… đều đang sẵn sàng tái nhập cuộc, dù như một chủ đầu tư đã "kể khổ" rằng, cả ông và doanh nghiệp của mình vẫn đang '"trong héo, ngoài tươi" nhưng không còn cách nào khác vì để tồn tại chỉ còn con đường một chiều tiến về phía trước.
Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong quý I/2024 đã có 3.305 doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động. Về phía các ngân hàng, động thái giảm lãi suất thời gian qua đã đưa lãi suất cho vay mua nhà giảm tới mức thấp kỷ lục, bình quân 5-6%/năm trong thời gian ưu đãi.
Khi chi phí vốn đã và sẽ còn rẻ hơn, hoạt động đầu tư công được hiện thực hóa bằng những đại dự án hạ tầng đã, đang triển khai và đặc biệt là 3 sắc luật rất quan trọng là Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023, Luật Đất đai 2024… kỳ vọng sớm có hiệu lực ngay từ đầu tháng 7/2024 này sẽ là nền tảng để thị trường phục hồi.
Đặc biệt, khảo sát cho thấy, khoảng 70% khách hàng, nhà đầu tư đã sẵn sàng “xuống tiền” mua bất động sản trong năm 2024 nếu tìm được sản phẩm phù hợp.
Vậy nên, câu hỏi lớn với các nhà đầu tư hiện tại có lẽ không phải là có nên đầu tư bất động sản hay không, mà là làm thế nào lựa chọn đúng các sản phẩm phù hợp với khẩu vị đầu tư, giúp bảo toàn và sinh lời tài sản. Với các chủ đầu tư, nhận diện và đáp ứng đúng khẩu vị của tệp khách hàng tiềm năng cũng là bí quyết vượt lên khi thị trường ở giai đoạn đầu trở lại.
Đó cũng là những nội dung chính của Chuyên đề "Thị trường nóng – Tìm đất ‘hút’ tiền" trên số báo Đầu tư Chứng khoán mà bạn đọc đang cầm trên tay.