Nếu trong nửa đầu phiên sáng, sự trở lại đầy ấn tượng của họ Vingroup đã lan rộng thị trường khiến nhà đầu tư kỳ vọng lớn về phiên tăng mạnh, thì càng về cuối phiên diễn biến càng đuối sức hơn khi lực bán có dấu hiệu gia tăng và các cổ phiếu lớn nhóm bất động sản này cũng không giữ được phong độ.
Thị trường tạm dừng phiên sáng nay chỉ còn giữ được mức tăng nhẹ với thanh khoản tiếp tục tụt dốc và tâm lý nhà đầu tư càng ảm đạm hơn khi bước vào phiên giao dịch chiều.
Chỉ số VN-Index lình xình đi ngang trên mốc tham chiếu nhờ sự nâng đỡ của cặp đôi lớn VHM và VIC và đã giữ được sắc xanh nhạt này đến hết phiên. Đáng chú ý là dòng tiền tiếp tục đứng ngoài khiến thanh khoản tiếp tục sụt giảm mạnh mẽ và rơi xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng với tổng giá trị chưa tới 14.000 tỷ đồng. Điều này khiến thị trường chưa thể sớm "ổn định" và tìm được điểm cân bằng.
Đóng cửa, sàn HOSE có 277 mã tăng và 212 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 1,72 điểm (+0,15%) lên 1.154,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 574,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 13.960 tỷ đồng, giảm 16,83% về khối lượng và 12,19% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38,88 triệu đơn vị, giá trị 1.960,54 tỷ đồng.
Cặp đôi VHM và VIC vẫn là lực đỡ chính giúp thị trường thoát khỏi phiên điều chỉnh, lần lượt đóng góp 1,84 và 1,11 điểm vào chỉ số chung. Kết phiên, VIC tăng 4,1% với thanh khoản vẫn thuộc top 10 dẫn đầu thị trường, đạt 13,57 triệu đơn vị; trong khi đó, VHM kết phiên tăng 2,2% và khớp gần 7,3 triệu đơn vị.
Ngoài cặp đôi lớn VIC và VHM, một số mã bất động sản khác cũng đóng cửa khởi sắc với thanh khoản sôi động như DIG tăng 2,4%, PDR tăng 1,3% và thanh khoản đều trên 10 triệu đơn vị, VCG, CII, BCG, LCG… tăng nhẹ. Điểm sáng là VPH và LHG kết phiên tăng kịch trần.
Thanh khoản cao nhất thị trường vẫn là các cổ phiếu chứng khoán, nhưng áp lực bán gia tăng cuối phiên khiến nhóm này trở thành một trong những nhóm giảm mạnh nhất thị trường. Trong đó, bộ 3 gồm VIX giảm 0,9% và khớp 20,66 triệu đơn vị, SSI giảm 1,5% và khớp xấp xỉ 20 triệu đơn vị, VND giảm 0,2% và khớp 17,39 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa, trong đó cặp đôi lớn CTG và VCB là những tác nhân ảnh hưởng lớn nhất thị trường, lần lượt đóng cửa giảm 2,6% và 0,6%.
Nhóm thủy sản hạ nhiệt và chỉ còn tăng nhẹ nhờ sự đóng góp của VHC tăng 1,81% cùng IDI và ABT nhích nhẹ.
Trên sàn HNX, đột biến đã xảy ra tại HUT trong đợt khớp lệnh ATC, giúp chỉ số chung nới rộng đà tăng.
Chốt phiên, sàn HNX có 106 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index tăng 1,85 điểm (+0,79%) lên 236,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 79,6 triệu đơn vị, giá trị 1.517,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 18,67 triệu đơn vị, giá trị 225,73 tỷ đồng, trong đó riêng NVB thỏa thuận hơn 17,74 triệu đơn vị, giá trị 212,29 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, HUT là điểm nhấn của thị trường. Trong đợt khớp lệnh ATC, cổ phiếu HUT đã khớp gần 5 triệu đơn vị và giá đã kéo lên gần 2 giá, đóng cửa tăng 6,5% lên mức cao nhất ngày 24.500 đồng/CP. Đồng thời, thanh khoản HUT cũng tăng vọt, chỉ còn thua cổ phiếu dẫn đầu là SHS, đạt 7,23 triệu đơn vị.
Trong khi đó, SHS đảo chiều giảm trong xu hướng điều chỉnh chung của nhóm chứng khoán và đóng cửa giảm 1,1% xuống 17.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt trội, đạt 21,5 triệu đơn vị.
Bên cạnh sự điều chỉnh của nhóm chứng khoán, nhóm dầu khí cũng mất điểm với PVS đóng cửa giảm 2,3% xuống mức giá thấp nhất ngày, PVC giảm 2,2%.
Trên UPCoM, dù có chút rung lắc và điều chỉnh, thị trường đã thoát hiểm thành công và đóng cửa trong sắc xanh.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,35 điểm (+0,39%) lên 88,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 42,37 triệu đơn vị, giá trị 516,23 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,49 triệu đơn vị, giá trị 87,88 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM với hơn 8,85 triệu đơn vị và đóng cửa giảm nhẹ 0,9% xuống 21.800 đồng/CP.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là SBS khớp 2,14 triệu đơn vị, đóng cửa hồi phục thành công khi tăng 1,2% lên 8.400 đồng/CP.
Đáng chú ý, cổ phiếu CEN lao dốc mạnh và đóng cửa giảm 9,2% xuống mức 7.900 đồng/CP và khớp 1,94 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó N30F2310 đáo hạn gần nhất tăng 5,5 điểm, tương đương +0,5% lên 1.168 điểm, khớp lệnh hơn 245.530 đơn vị, khối lượng mở gần 48.080 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, CSTB2321 có thanh khoản cao nhất, đạt 5,17 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,9% xuống 1.110 đồng/cq. Tiếp theo là CSTB2325 khớp 3,54 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,9% lên 1.580 đồng/cq.