Trong vòng 3 tuần qua, VN-Index giảm nhanh từ trên 1.240 điểm xuống dưới 1.130 điểm, có lúc xuống gần 1.100 điểm, một phần do ảnh hưởng từ động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Lực cầu bắt đáy ngắn hạn dần xuất hiện, nhưng còn dè dặt, tập trung vào một số nhóm ngành dự kiến ghi nhận lợi nhuận tích cực trong quý III cũng như quý IV/2023.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC nhận định, kinh tế đang phục hồi, nhưng tương đối chậm nên sẽ chưa có nhiều chuyển biến trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong mùa báo cáo tài chính quý III. Tuy vậy, một số nhóm ngành có thể ghi nhận kết quả đột biến như nhóm cổ phiếu xuất nhập khẩu do hưởng lợi từ xu hướng phục hồi của hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng cao trong quý III, nhóm cổ phiếu đầu tư công với tiến độ giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh.
Ông Huy đánh giá, mặc dù vẫn có những yếu tố bất định, nhưng mặt bằng định giá trên thị trường chứng khoán đã hợp lý hơn trước rất nhiều, nếu thời gian tới không xảy biến cố lớn nào thì thị trường hiện tại có nhiều cơ hội để đầu tư.
Về định giá, dữ liệu của Công ty Chứng khoán MB cho thấy, đợt điều chỉnh vừa qua đã đưa P/E của VN-Index xuống gần 13 lần, thấp hơn so với P/E trung bình 3 năm gần đây là 15 lần. Ngoài ra, đặt trong mối tương quan giữa thị trường chứng khoán và lãi suất, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mặt bằng tương đương giai đoạn dịch Covid-19, trong khi định giá thị trường hiện tại thấp hơn tương đối so với giai đoạn đó.
Dựa trên phân tích kỹ thuật, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, VN-Index đang có hai ngưỡng hỗ trợ mạnh là 1.100 điểm và 1.070 điểm, trong đó 1.100 điểm là “nơi chờ đợi” của đường MA200 và chân sóng 5 Elliott. Tuy nhiên, để xác định được vùng cân bằng, thị trường cần những phiên giao dịch thanh khoản cao, đồng nghĩa với lực cầu bắt đáy mạnh và có dòng tiền mới tham gia, khi đó sẽ là thời điểm vàng để tăng cường giải ngân.
Nói về cơ hội từ mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023, KBSV cho rằng, nhóm cổ phiếu xuất khẩu đáng quan tâm, nhất là thủy sản và dệt may, với các yếu tố như đơn hàng phục hồi, biên lợi nhuận mở rộng, hưởng lợi từ tỷ giá tăng. Nhóm bất động sản khu công nghiệp và vận tải biển cũng đáng chú ý khi có các yếu tố tích cực tương tự.
Trong khi đó, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest dự báo, xu hướng phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý III. Nhà đầu tư sẽ đánh giá lại kỳ vọng về sự phục hồi kết quả kinh doanh cũng như triển vọng trong tương lai. Bất kỳ tín hiệu bất lợi nào xuất hiện so với kỳ vọng trước đó cũng có thể khiến giá cổ phiếu suy giảm.
Về kỳ vọng, những tháng cuối năm sẽ đặt trọng tâm vào nhóm xuất khẩu thủy sản, dệt may, logistics, bán lẻ, hóa chất, với triển vọng phục hồi tốt hơn các ngành khác. Tuy nhiên, dòng tiền có thể đảo nhanh, mang tính ngắn hạn, vì những nhóm cổ phiếu này thường thu hút dòng tiền đầu cơ.
Thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu năm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Trong những tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu được nhận định sẽ hồi phục mạnh hơn khi lượng hàng tồn kho tại các nước đối tác lớn giảm dần và xuất hiện các tín hiệu tích cực từ kinh tế thế giới. Xét yếu tố mùa vụ, quý IV năm nay và quý I năm tới có thể mang lại kết quả kinh doanh khả quan. Dòng tiền thường đi trước kỳ vọng nên đây là lý do nhóm cổ phiếu xuất khẩu có diễn biến tăng giá trong 2 tuần qua, đi ngược nhịp điều chỉnh của thị trường chung.
Đối với ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng quý III vẫn thấp, có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận, nhưng giá cổ phiếu có khả năng ổn định nhờ quy mô vốn hóa lớn và sự nắm giữ của các cổ đông lớn, mang tính dẫn dắt thị trường.