Dè chừng bất động sản, chứng khoán
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh do virus Corona bùng phát, các tài sản an toàn như vàng, trái phiếu chính phủ, một số đồng tiền mạnh (franc Thụy Sĩ, yên Nhật) lên ngôi, trong khi các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán, bất động sản… bị bán tháo.
“Thị trường tài chính tương lai gần vẫn khá tiêu cực do ảnh hưởng của dịch bệnh chưa có hồi kết. Do đó, dòng tiền sẽ tìm nơi trú ẩn an toàn, các kênh đầu tư được xem là ‘vịnh tránh bão’ sẽ hút được dòng tiền”, ông Phan Dũng Khánh nhận xét.
Không chỉ dịch cúm, các chuyên gia cho rằng, kinh tế toàn cầu năm 2020 đứng trước nhiều thử thách như: giai đoạn II của thỏa thuận Mỹ - Trung, bầu cử Tổng thống Mỹ, Brexit, bất ổn ở Trung Đông, vấn đề vũ khí hạt nhân…
Với những bất trắc này, vàng và trái phiếu chính phủ vẫn là kênh đầu tư an toàn, hấp dẫn nhất hiện nay, cùng với gửi tiết kiệm ngân hàng.
Dù giảm giá mạnh trong mấy phiên gần đây, song năm 2020, vàng vẫn là kênh đầu tư tốt nhất. “Trong khủng hoảng, giá vàng bao giờ cũng có xu hướng tăng. Nếu dịch cúm do virus Corona không được kiểm soát, vàng sẽ còn tăng nữa. Tôi cho rằng, vàng và tiết kiệm ngân hàng là hai kênh đầu tư tốt và an toàn nhất trong năm nay”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận xét.
Đương nhiên, giá vàng biến động không ngừng và tăng, giảm bất ngờ khi kinh tế toàn cầu có diễn biến mới, nên kênh đầu tư vàng chỉ là “hầm trú ẩn an toàn” cho các khoản đầu tư nhàn rỗi, chứ không phải là đầu cơ, lướt sóng trong ngắn hạn.
Tương tự, các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ thời gian gần đây liên tục nóng lên, khối lượng đăng ký đấu thầu tăng mạnh và cao gấp nhiều lần lượng trái phiếu chào bán.
Theo đánh giá của TS. Hiếu, trong các kênh đầu tư, chứng khoán, bất động sản đang đứng trước nhiều rủi ro. Cụ thể, thị trường bất động sản đã trải qua giai đoạn tăng giá quá dài và đang ở thời kỳ điều chỉnh, thanh khoản kém, một phần do tín dụng bị siết chặt. Đặc biệt, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chịu tác động nặng nề bởi dịch cúm do virus Corona. Phân khúc bất động sản công nghiệp cũng sẽ trầm lắng vì dịch bệnh, do doanh nghiệp thận trọng khi đầu tư sản xuất.
Ảnh hưởng lớn nhất là thị trường chứng khoán. Nguy cơ dịch bệnh còn kéo dài khiến khả năng thị trường khó phục hồi mốc 1.000 điểm.
Cơ hội trung, dài hạn
Cho đến nay, các chuyên gia kinh tế đều cho biết, chưa thể đánh giá hết tác động của dịch cúm do virus Corona với nền kinh tế do chưa biết tốc độ lây lan của bệnh. Nếu dịch bệnh lan rộng, dòng tiền sẽ tiếp tục đổ xô vào các kênh đầu tư an toàn, tháo chạy khỏi chứng khoán. Nếu dịch sớm được kiểm soát, dòng vốn sẽ đảo ngược. Thực tế, sau những hoảng loạn ban đầu, gần đây, thị trường chứng khoán một số nơi trên thế giới đã có dấu hiệu phục hồi.
Tại Việt Nam, trong khi đa phần các chuyên gia kinh tế khuyên nhà đầu tư không nên liều rót vốn vào cổ phiếu vì khả năng dịch cúm do virus Corona chưa thể sớm kiểm soát, thì nhiều công ty chứng khoán cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh không quá đáng sợ và giá giảm thời gian qua là cơ hội tốt với các nhà đầu tư chứng khoán.
Theo Công ty Chứng khoán BSC, trong quá khứ, nhiều đợt dịch bệnh chỉ ảnh hưởng nặng nề đến thị trường trong 3 tháng đầu và hồi phục ngay sau đó. Do vậy, dịch bệnh là rủi ro với thị trường trong ngắn hạn, nhưng cũng là cơ hội trong trung, dài hạn. Thị trường sẽ sớm tăng lên trên 950 điểm cuối tháng này, đợt giảm điểm vừa qua chính là cơ hội để nhà đầu tư mua vào các cổ phiếu cơ bản đang bị bán tháo.
BSC đánh giá, dù một số ngành bị ảnh hưởng bởi virus Corona, song Chính phủ đã triển khai các giải pháp quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các động lực tăng trưởng những năm gần đây vẫn được duy trì, hỗ trợ đà tăng trưởng. tạo thế chủ động ứng phó với các yếu tố tiêu cực bên ngoài.
Công ty Chứng khoán KB Securities (KBSV) cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực về du lịch và thương mại. Tuy nhiên, ảnh hưởng chung lên nền kinh tế là không quá lớn trong kịch bản cơ sở, dịch bệnh không bùng phát rộng tại các thành phố lớn.
Trong khi đó, SSI đưa ra nhiều nhóm ngành có triển vọng tích cực trong bối cảnh dịch bệnh như: ngân hàng, dược phẩm, công nghệ thông tin, nước sạch…
Riêng về thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, thị trường đang trong quá trình sàng lọc, song không đến mức bi quan. Thực tế, năm 2019, cổ phiếu ngành bất động sản vẫn tăng khá. Năm nay, nếu thể chế, chính sách được tháo gỡ (như chính sách cho loại hình condotel), thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Chọn nhiều kênh đầu tư để phân bổ rủi ro
Đối với những người muốn an toàn, gửi tiết kiệm là kênh đầu tư tốt nhất vì lãi suất tiền gửi đang ở mức khá cao và lại chắc ăn. Kênh đầu tư thứ hai là vàng, song vàng phải đầu tư trung, dài hạn thì mới có lời. Bất động sản sẽ là kênh đầu tư khó khăn, tính thanh khoản kém. Đầu tư chứng khoán là kênh có thể xem xét (với một số mã), song kênh này chỉ dành cho nhà đầu tư tư chuyên nghiệp. Nguyên tắc chung là “theo dấu chân người khổng lồ” - những dòng tiền lớn - và chọn nhiều kênh đầu tư để phân bổ rủi ro.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)