Dòng tiền dịch chuyển sang các cổ phiếu mới lên sàn

Dòng tiền dịch chuyển sang các cổ phiếu mới lên sàn

(ĐTCK) Năm 2016 khép lại, chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi nhận mức tăng 13,4%, mạnh nhất 3 năm trở lại đây. Chỉ số Russell 2000 thậm chí đạt mức tăng trưởng 19,4%, thị trường cổ phiếu Phố Wall xác lập xu hướng tăng giá mạnh mẽ kể từ chiến thắng của ứng viên Đảng Cộng Hòa Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Tháng 11 và 12 cũng đóng góp phần lớn vào kết quả tăng của thị trường trong năm 2016. Giới đầu tư đặt cược rằng, tân Tổng thống Mỹ sẽ thực hiện hàng loạt chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm ràng buộc cho thị trường tài chính. Thay vì lo ngại về một tương lai bất định nếu ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ, thị trường cổ phiếu lại cho thấy giới đầu tư đang lạc quan hơn bao giờ hết.

Sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu thô cũng là một câu chuyện có ảnh hưởng sâu rộng lên các thị trường cổ phiếu, hàng hóa toàn cầu. Giá dầu Brent ghi nhận mức tăng 52,5%, trong khi dầu WTI tăng giá 45,3% kể từ đầu năm. Các thị trường mới nổi có liên hệ chặt chẽ với dầu mỏ như Nga, Brazil theo đó cũng nằm trong top tăng trưởng của năm. Cụ thể, chỉ số chứng khoán Brazil iBovespa tăng 68,9%, chỉ số chứng khoán Nga MICEX tăng 51%.

Dầu thô cũng là động lực chính giúp thị trường hàng hóa đảo chiều, sau khi có 5 năm liên tiếp chìm trong xu hướng giảm giá. Giá các loại hàng hóa đều nằm trong nhóm những tài sản tăng giá tốt nhất năm 2016, giá đường tăng 27,9%, bạc tăng 17,5% , đậu nành tăng 17,1%, đồng tăng 16,5%, vàng tăng 9,4%...

Chúng tôi tin rằng, xu hướng tăng giá của hàng hóa sẽ tiếp tục là câu chuyện được nói nhiều trong năm 2017, vì những nền kinh tế lớn nhất thế giới đều phát tín hiệu ủng hộ cho tăng trưởng kinh tế đi kèm với tăng giá cả. Điển hình là kinh tế Mỹ, sau nhiều năm kiên định theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất nhanh hơn kỳ vọng của giới đầu tư trong năm 2017. Số liệu kinh tế tích cực giúp họ tự tin với việc tăng trưởng kinh tế đi kèm với tăng giá.

Các thị trường nằm trong nhóm ổn định bao gồm Nhật, châu Âu và các thị trường mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật phục hồi mạnh mẽ trong nửa sau năm 2016, tăng 28% so với mức thấp nhất năm, nhờ đồng Yên duy giữ ổn định ở mức thấp so với USD, giúp hàng hóa xuất khẩu tăng tính cạnh tranh. Kết thúc năm, chỉ số này tăng 3,8%.

Thị trường Trung Quốc tiếp tục có một năm khó khăn, chỉ số Shanghai SSE Composite giảm 18,3% cả năm. Sự tăng giá quá nhanh của USD so với đồng Nhân dân tệ liên quan trực tiếp tới dòng vốn rút ra khỏi thị trường Trung Quốc lên mức cao kỷ lục. Theo tính toán của Goldman Sach, kể từ tháng 8/2015, khi thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc, đã có 1.000 tỷ USD rút khỏi thị trường này, cao gấp đôi so với báo cáo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.

Trong khi đó, thị trường cổ phiếu Việt Nam có một năm tăng trưởng khá mạnh, chỉ số VN-Index tăng 14,8% cả năm. Năm 2016 là một năm thành công với những nhà đầu tư theo đuổi chiến lược đầu tư vào cổ phiếu giá trị, điển hình là VNM, CTD và những cổ phiếu có yếu tố chu kỳ như thép và cao su tự nhiên.

Bên cạnh đó, thị trường còn “nóng” với những cổ phiếu vốn hóa lớn mới lên sàn như cổ phiếu SAB của Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn - Sabeco, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, hoặc sắp lên sàn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), CTCP Hàng không VietJet...

Xu thế dòng tiền là chuyển dịch từ những cổ phiếu trên thị trường niêm yết truyền thống sang những cổ phiếu mới lên sàn, lớn về quy mô, thị phần và chưa có sự tham gia của số đông. Chúng tôi tin rằng, 2017 sẽ tiếp tục là một năm thành công của thị trường chứng khoán, với chiến lược nắm giữ ở những cổ phiếu đầu ngành, đặc biệt là những cổ phiếu mới lên sàn.

Tin bài liên quan