Thị trường thế giới có diễn biến tích cực
Tuần qua, các chỉ số chính trên nhiều thị trường chứng khoán thế giới kéo dài chuỗi phục hồi. Ðặc biệt, tại thị trường Mỹ, tâm lý đầu tư bình tĩnh hơn khi có những thông tin tích cực xuất hiện. Nhà đầu tư bắt đầu vơi đi lo lắng về chiến tranh thương mại, lộ trình tăng lãi suất do Fed đưa ra, cũng như kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý IV/2018.
Chiến tranh thương mại bớt căng thẳng khi Mỹ - Trung Quốc bắt đầu tổ chức các cuộc họp đàm phán. Trong tuần qua, cuộc họp kéo dài 2 ngày đã kết thúc với kết quả làm yên lòng nhà đầu tư: “Cuộc họp đem lại sự hài lòng cho cả hai bên” - Tổng thống Mỹ Donald Trump; “Mang tính xây dựng” - đại diện từ phía Trung Quốc.
Thị trường tiếp tục “nhẹ gánh” lo lắng khi Fed thay đổi quan điểm về lộ trình tăng lãi suất, với những nhận định mềm mỏng hơn. Cụ thể, với mức giảm giá mạnh từ dầu, lạm phát được kìm hãm khi không bị chi phí đẩy, cùng với mức nhạy cảm trong giai đoạn thị trường “con gấu”, Fed quyết định “bình tĩnh” hơn với tốc độ tăng lãi suất công bố trước đó.
Nhưng điều quan trọng nhất đối với thị trường chung lúc này là nhà đầu tư đang nhận ra đã “bi quan thái quá” trong tháng 12/2018. Các chỉ số kinh tế vẫn duy trì đà tăng, thậm chí còn tốt hơn, với kết quả bảng lương phi nông nghiệp tăng gấp đôi.
Xuất hiện dòng tiền bắt đáy
Chỉ số VN30 đã tăng sau khi chạm mức hỗ trợ tâm lý mạnh tại 820. Tuy nhiên, nhịp hồi này chỉ mang tính kỹ thuật khi lượng thanh khoản xuống mức thấp. Mẫu hình phân kỳ khi giá tăng trong khi thanh khoản giảm thể hiện khá rõ. Hiện tượng giảm thanh khoản là một trong những đặc tính của thị trường giảm điểm khi dòng tiền mới chưa thật sự mặn mà với nhóm cổ phiếu đã chiết khấu sâu.
Bức tranh trên thị trường phái sinh cũng đã ghi nhận diễn biến này khi giảm tiêu cực hơn so với đà tăng từ VN30. Mặc dù hợp đồng VN30F1901 chuẩn bị kết thúc, mức lệch giữa hai chỉ số vẫn lên đến 15 điểm. Ðiều này tạo rủi ro lớn cho nhà đầu tư khi khoảng hở giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh quá lớn. Qua đó, các hợp đồng tương lai vô tình tạo rào cản cho dòng tiền mới tham gia vào lúc này.
Đồ thị phân tích kỹ thuật hợp đồng VN30F1901.
Ðường cầu bắt đầu vượt tăng lên đường cung trong lúc thanh khoản giảm cho thấy dòng tiền bắt đáy bắt đầu xuất hiện. Cụ thể, đường cầu đã tăng vọt lên mức 13% sau khi thiết lập nền đáy tại 9%. Trong khi đó, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đã không còn muốn bán bằng mọi giá. Ðường cung cổ phiếu mã mất đà tăng và trở nên phân kỳ với đường cầu trên chỉ báo tâm lý của HSC.
Thông tin tích cực được xác định khi dòng tiền bắt đáy này đổ vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Cụ thể, chỉ báo đà lan tỏa theo vốn hóa đã tăng vọt lên gấp đôi mức trung bình di động 10 ngày (MA10), đạt 60% trên đồ thị từ HSC. Qua đó, mức độ quan tâm của dòng tiền vào các mã cổ phiếu “trụ” trên thị trường duy trì được đà tăng trong tuần qua.
Đà lan tỏa theo vốn hóa và Ma10.
Xét về mặt tổng thể, chỉ số VN30 đã được cải thiện. Ðiều này có được nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ từ ngành bất động sản và thực phẩm đồ uống. Nếu như thanh khoản từ ngành bất động sản tăng nhẹ, ủng hộ đà tăng từ cổ phiếu, thì nhóm thực phẩm và đồ uống thể hiện sự “tranh mua” từ nhà đầu tư. Cụ thể, thanh khoản đã tăng lên 40% từ mức 3%, trong khi giá của nhóm ngành này chỉ tăng khoảng 16%.
Thống kê xác suất đầu tư ngắn hạn.
Ngành bất động sản trở thành tâm điểm chú ý trên thị trường khi nhóm cổ phiếu VIC, VHM, VRE đẩy chỉ số tăng trong tuần. Mặc cho giá tăng cao, thanh khoản cũng đã cải thiện cho thấy khả năng thu hút sự quan tâm từ phía nhà đầu tư.
Dấu hiệu từ các ngành có ảnh hưởng lớn đến VN30.
Bên cạnh đó, tác động từ yếu tố mùa vụ giúp ngành thực phẩm và đồ uống trở nên sáng hơn. Cổ phiếu VNM, một mã lớn đã dẫn chỉ số tăng cao trong nhiều phiên, bên cạnh đó là sự hỗ trợ mạnh từ cổ phiếu MSN. Mặc dù vậy, nhóm ngành này vẫn liên quan đến câu chuyện giảm điểm từ cổ phiếu SAB.
Tuy nhiên, câu chuyện kém vui khi nhắc đến nhóm ngành ngân hàng, nhóm có tác động mạnh thứ hai sau ngành bất động sản. Trong khi cổ phiếu VCB duy trì được đà tăng và quay trở lại vai trò “trụ” đỡ thị trường, thì cổ phiếu BID lại trở thành “gánh nặng”. Tính thanh khoản giảm liên tục từ 37% xuống 7% trong đồ thị cho thấy, dòng tiền không còn nhiều sự quan tâm đến ngành này.
Mức nhạy cảm thị trường nằm tại đường giá 845
Câu chuyện lúc này vẫn là dòng tiền chưa thật sự tìm đến để thị trường có thể giao dịch sôi động hơn. Khối lượng giao dịch giảm liên tục trong các phiên vừa qua cho thấy, lực đẩy tăng đối với hợp đồng F1901 là không nhiều. Trong khi đó, tác động từ ngoại lực trở nên thiếu vắng. Do vậy, phía nắm vị thế mua trong lúc này không còn nhiều niềm tin để giữ vị thế. Ðiều này thể hiện qua việc khối lượng vị thế bán qua đêm tăng cao khi giá giảm. Bên cạnh đó, thanh khoản giảm mạnh khi giá tăng.
Giá hợp đồng F1901 đang tiệm cận kháng cự 850 và liên tục dao động trong biên độ hẹp tại vùng này. Nếu không thể bứt phá lên ngưỡng kháng cự, giá có thể tiếp tục diễn biến trong kênh giảm.
Dự báo, thị trường dao động hẹp trong các phiên đầu tuần này (tuần từ 14 - 18/1), trước khi giảm vào cuối tuần. Nếu giá không vượt qua được mức kháng cự 850, lệnh bán có thể được đặt khi giá lao về cùng 845.
Trong trường hợp ngược lại, nếu thanh khoản bùng nổ bên thị trường cơ sở (điều khó xảy ra), F1901 có thể tăng mạnh. Ðiều này có thể khiến các vị thế bán qua đêm phải cắt lỗ và là động lực đẩy F1901 tăng mạnh về lại gần chỉ số VN30. Theo đó, chiến lược mua nên được quan tâm khi giá vượt trên đường giá 850.