XD Chen, Nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại BNP Paribas nhận định: “Chúng tôi duy trì sự tự tin rằng có nhiều lý do hợp lý để chiến tranh thương mại có thể kết thúc vào tháng 3 hoặc trước tháng 5. Từ góc nhìn của mình, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng là tháng 3”.
Ðây rõ ràng là tin tốt đối với các dòng tiền đầu tư, vốn đã đặt cược vào khả năng này. Theo các chuyên gia, các cuộc đối thoại Mỹ - Trung có tác động rất mạnh tới tâm lý thị trường và tiếp tục thu hút sự chú ý của các thành viên thị trường trên toàn cầu. Những xung đột thương mại là nguồn gốc tạo nên những bất ổn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những tiến triển tốt gần đây giữa 2 phía Mỹ - Trung Quốc đã tạo động lực để dòng tiền đầu tư được đẩy mạnh, nhất là tại lĩnh vực chứng khoán.
Tính tới ngày 15/2/2019, dòng vốn đổ vào chứng khoán hạng A niêm yết tại các sàn chứng khoán Trung Quốc đã đạt 134 tỷ USD. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư cũng rót vào phố Wall, với các chỉ số chính đang tăng trưởng 2 con số kể từ đầu năm 2019.
Thực tế, trong tâm bão của cuộc chiến, giới đầu tư tại cả 2 quốc gia vẫn có những trụ cột cơ bản vững vàng để dựa vào. Tại Mỹ, nền tảng đó là lợi nhuận của các doanh nghiệp đa quốc gia lớn đang tăng trưởng tích cực. Theo đó, các tập đoàn lớn rút một phần lớn doanh thu và lợi nhuận về từ các thị trường nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, như một biện pháp an toàn trước các biến động bất thường, đồng thời để đẩy mạnh đầu tư trong nước và một số thị trường khác.
Còn tại Trung Quốc, chỗ dựa của nhà đầu tư là hoạt động xuất khẩu của các nhà sản xuất Ðại lục sang Mỹ vẫn tích cực, cùng khả năng các công ty công nghệ Trung Quốc có thể dần thay thế những tên tuổi Mỹ trong lĩnh vực này.
Ðiều này lý giải tại sao hoạt động đầu tư vẫn nhộn nhịp tại cả 2 bên chiến tuyến và đa phần giới đầu tư đặt niềm tin các cuộc thương thảo giữa 2 bên sẽ sớm đạt kết quả tích cực.
“Có 2 điều mà các thành viên thị trường đang tìm kiếm. Thứ nhất, cảm giác các cuộc gặp gỡ mang lại tiến triển tích cực, sớm đi đến hội nghị cấp cao giữa lãnh đạo cao nhất của 2 quốc gia trong 2 - 3 tháng tới. Thứ hai, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm thời đứng ngoài cuộc, ít nhất cho tới khi xung đột thương mại Mỹ - Trung đi đến kết quả cuối cùng”, Jeff Yastine, cố vấn cao cấp lĩnh vực chứng khoán tại Banyan Hill Publishing cho biết.
Ðáng chú ý, cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sớm và nhắm tới mục tiêu đạt được thỏa thuận cuối cùng về các vấn đề thương mại. Theo đó, ông Trump nhiều khả năng sẽ gặp ông Tập Cận Bình vào tháng 3 tại Florida.
Phát biểu này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được sự thống nhất về vấn đề tiền tệ. Bên cạnh đó, Trung Quốc đồng ý sẽ mua thêm hàng hóa từ Mỹ với giá trị vào khoảng 1,2 nghìn tỷ USD.
Nếu không có thỏa thuận nào đạt được vào ngày 1/3, các mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ tăng từ 10% lên 25%. Tuy nhiên, ông Trump đưa ra nhiều tín hiệu cho thấy, thời hạn này có thể được lùi thêm 60 ngày.
Tất nhiên, ngay cả khi xung đột thương mại giữa 2 quốc gia chấm dứt, những bất đồng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn rất nhiều. Dù vậy, đó không hẳn là vấn đề mà dòng tiền đầu tư thực sự để tâm tới.