Dòng tiền đảo chiều, các thị trường chứng khoán mới nổi đối diện hiện tượng "Taper tantrum 2013"

Dòng tiền đảo chiều, các thị trường chứng khoán mới nổi đối diện hiện tượng "Taper tantrum 2013"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quãng thời gian ngọt ngào của các thị trường mới nổi kể từ khi vắcxin Covid-19 đầu tiên được cấp phép vào mùa thu năm 2020 cho tới nay đã có dấu hiệu kết thúc.

Mối lo lắng lãi suất tại thị trường Mỹ gia tăng đã bắt đầu tạo áp lực lên các thị trường mới nổi, thúc đẩy nhà đầu tư rút tiền khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu tại khu vực này, sau chuỗi dài nhiều tháng liên tục mua ròng.

Số liệu theo dõi dòng vốn toàn cầu do Viện nghiên cứu Tài chính quốc tế (Institute of International Finance – IIF) cho thấy, đầu tư nước ngoài tại các thị trường chứng khoán mới nổi tăng trưởng âm tính tới đầu tháng 3/2021. Theo đó, các thị trường mới nổi chứng kiến đợt bán ròng đầu tiên kể từ tháng 10/2020.

Dòng tiền rút ra khỏi các thị trưởng mới nổi vào đầu tháng 3/2021

Dòng tiền rút ra khỏi các thị trưởng mới nổi vào đầu tháng 3/2021

Sự đảo chiều của dòng tiền xuất phát từ việc chi phí vay tại Mỹ gia tăng, điều có thể lan toả sang nhiều thị trường phát triển khác.

“Dòng tiền rút ra khiến chúng tôi ngạc nhiên, bởi các thị trường mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự hồi phục sau sự kiện đại dịch năm 2020. Giai đoạn dòng tiền chảy mạnh vào các thị trường mới nổi mới chỉ bắt đầu khi các thông tin tích cực về vắc xin được công bố. Chúng ta có thể đang lặp lại sự kiện taper tantrum năm 2013”, Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng IIF cho biết.

Các số liệu theo dõi hàng ngày của IIF theo dấu dòng tiền tại 30 nền kinh tế mới nổi. Theo đó, dòng tiền nước ngoài chảy vào khu vực này đạt 20 tỷ USD trong tháng 1, trung bình rót vào khoảng 325 triệu USD/ngày trong tháng 2. Tới tuần đầu tiên của tháng 3, khối ngoại rút ròng trung bình 290 triệu USD/ngày.

Taper tantrum là sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn.

Tài sản tại các thị trường mới nổi thường mang tới lợi nhuận cao hơn so với tại các thị trường phát triển, nhưng rủi ro khi nắm giữ loại tài sản này cũng cao hơn. Một khi lãi suất tại các thị trường phát triển gia tăng, sức hấp dẫn của tài sản đầu tư tại các thị trường mới nổi sẽ giảm xuống.

Một trong những tín hiệu mạnh khiến nhà đầu tư nhanh chóng rút tiền khỏi thị trường mới nổi là việc lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh lên trên 1,6%/năm, so với mức 0,9% vào thời điểm đầu năm.

Goldman Sachs dự báo, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm sẽ tiếp tục gia tăng, đạt 1,9%/năm vào cuối năm 2021, đồng thời gia tăng dự báo lãi suất tại các thị trường phát triển.

Paul Mackel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường tiền tệ toàn cầu của HSBC cho biết: “Chúng tôi lo sợ hiện tượng tantrum với các thị trường mới nổi và diễn biến đột ngột của lãi suất trái phiếu Mỹ rõ ràng tạo ảnh hưởng tiêu cực”.

Một số liệu độc lập khác từ EPFR, được Barclays tập hợp cũng nhấn mạnh tới sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư. Các quỹ đầu tư sở hữu trái phiếu tại thị trường mới nổi bằng đồng tiền của các quốc gia phát triển, như USD, euro và yên, là nhóm chứng kiến dòng vốn bị rút ra mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 tới nay trong tuần đầu tiên của tháng 3/2021.

“Tâm lý ưa thích với các tài sản rủi ro tại các thị trường mới nổi vẫn được duy trì, thể hiện bởi việc các quỹ đầu tư cổ phiếu tại thị trường mới nổi vẫn đón nhận dòng tiền”, Andreas Kolbe, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tín dụng các thị trường mới nổi tại Barclays cho biết. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng nhà đầu tư ngày càng có nhận thức rõ ràng hơn về các loại tài sản đầu tư cũng như mục tiêu đầu tư.

“Theo đó, chúng tôi tin rằng, trong ngắn hạn, rủi ro dòng tiền tiếp tục rút ra khỏi các thị trường mới nổi là hiện hữu”, Andreas Kolbe cho biết.

Tin bài liên quan