Dự án đến ngày “xộ khám”
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP. Hà Nội) vừa tiến hành khám xét trụ sở làm việc Công ty Hồng Hà (ngõ 109, đường Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội) để làm rõ việc nhiều khách hàng tố cáo hành vi “lạm dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của lãnh đạo Công ty này. Tại thời điểm khám xét trụ sở Công ty Hồng Hà, ông Trần Ứng Thanh, Tổng giám đốc và ông Nguyễn Quốc Xương, Phó tổng giám đốc Công ty Hồng Hà đều không có mặt.
Theo hồ sơ chúng tôi có được, vụ việc của Công ty Hồng Hà liên quan đến việc huy động vốn tại dự án xây dựng nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên do UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) làm chủ đầu tư. Cụ thể, dự án này được UBND TP. Hà Nội phê duyệt và giao UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư vào cuối năm 2009 theo hình thức xã hội hoá. Đến ngày 23/8/2010, UBND quận Hoàn Kiếm đã ra liền 2 quyết định là Quyết định số 592/UBND – KT và Quyết định số 1917/QĐ - UBND giao Công ty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ. Đổi lại, UBND quận Hoàn Kiếm chấp thuận đề nghị của Công ty Hồng Hà xin được mua 50 căn hộ chung cư cao tầng để cải thiện điều kiện nhà ở của cán bộ, nhân viên Công ty Hồng Hà và đồng ý cho phía Công ty Hồng Hà sử dụng để kinh doanh 15% số căn hộ trên tổng dự án mà Công ty bỏ vốn đầu tư.
Sau khi có được “bảo bối” là 2 quyết định của UBND quận Hoàn Kiếm, từ cuối năm 2010, Công ty Hồng Hà đã tiến hành huy động vốn cho dự án từ các nhà đầu tư thứ cấp, khách mua nhà hết sức rầm rộ. Số tiền mà Công ty này huy động được, theo thông tin không chính thức từ phía khách hàng lên đến con số gần 200 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra chưa xác nhận con số này. Tuy nhiên, theo những thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư có được, thì chỉ 1 cá nhân là ông Lưu Xuân C, trú tại Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội đã nộp cho Công ty Hồng Hà số tiền gần 5 tỷ đồng. Theo hợp đồng, ông C sẽ góp cho Công ty Hồng Hà tổng cộng 17 tỷ đồng để đổi lại 1.200 m2 sàn nhà với đơn giá là 14 triệu đồng/m2. Có đến hàng chục khách hàng góp vốn cho Công ty Hồng Hà từ 300 đến 700 triệu đồng.
Thị trường địa ốc - “mười mất, một ngờ”
Những thông tin “lùm xùm” về dự án nhà ở giãn dân phố cổ xuất hiện từ giữa năm 2012, tuy nhiên, khi khách hàng thắc mắc, đại diện Công ty Hồng Hà đã trấn an khách hàng rằng, đó chỉ là những thông tin bịa đặt và “trưng” ra các chứng cứ hợp pháp cho dự án này với các quyết định của UBND quận Hoàn Kiếm. Trong khoảng thời gian từ ngày 4/8/2011 đến ngày 19/8/2011, Công ty Hồng Hà đã ký hợp đồng góp vốn với hàng loạt khách hàng với số tiền từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Nhưng trước đó, ngày 22/4/2011, UBND quận Hoàn Kiếm đã có Công văn số 295/UBND – KT gửi Công ty Hồng Hà thông báo huỷ Công văn số 592, ngày 23/8/2010 của quận Hoàn Kiếm, đồng thời khẳng định, mọi hành vi mua bán, chuyển nhượng các căn hộ liên quan đến dự án nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng là trái quy định.
Sự việc chỉ thực sự vỡ lở từ tháng 8/2012, khi nhiều khách hàng có ý nghi ngờ tính hợp pháp của dự án và tìm xuống thực địa khu đất dự án tại Khu đô thị mới Việt Hưng để kiểm tra, thì toàn bộ dự án vẫn chỉ là... khu đất trống. Đến ngày 17/9/2012, nội dung vụ việc được Báo Hà Nội mới đăng tải trên trang web của báo này với thông tin về việc UBND quận Hoàn Kiếm phủ nhận toàn bộ tính hợp pháp của các hợp đồng huy động vốn của Công ty Hồng Hà, thì các khách hàng, nhà đầu tư mới thực sự hoảng loạn và cầu cứu đến cơ quan cảnh sát điều tra.
Thị trường bất động sản với tâm điểm là việc huy động vốn, mua bán, chuyển nhượng căn hộ tại các dự án nhà ở, khu đô thị mới vốn đã “mất điểm” trong mắt khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp thời gian qua, nay lại bị giáng thêm một đòn nặng nề tại một dự án có sự tham gia ban đầu của chính quyền địa phương. Hàng trăm tỷ đồng của khách hàng, nhà đầu tư là một khoản tiền lớn có nguy cơ mất trắng, nhưng cái mất mát sẽ còn lớn hơn là lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường địa ốc.