Dòng tiền dài hạn quay trở lại thị trường, chọn gì cho tháng 4?

Dòng tiền dài hạn quay trở lại thị trường, chọn gì cho tháng 4?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyên gia CTCK Maybank (MSVN) cho rằng, cần có các chiến thuật linh hoạt như tìm kiếm các ý tưởng tăng trưởng trong rổ cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ để nắm bắt nh ị p tăng trung hạn.

Dòng tiền ngoại trở lại

Theo báo cáo chiến lược tháng 4/2022 của Maybank, dòng tiền từ nhóm đầu tư với xu hướng dài hạn như khối ngoại và tổ chức trong nước đã mua ròng trong tuần qua. Đáng chú ý, đây là tuần mua ròng thứ 2 liên tiếp của khối ngoại và có sự đảo chiều so với tuần trước ở nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước.

Trong khi đó, bên bán ròng đến từ dòng tiền của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước tập trung chốt lời. Có thể thấy, tâm lý của dòng tiền đầu tư dài hạn đang dần lạc quan trở lại, tạo điểm cộng cho VN-Index khi dòng tiền nước ngoài quay trở lại và đồng thời cũng có khả năng giữ vững đà tăng của thị trường.

Nguồn: MSVN

Nguồn: MSVN

Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên thị trường với lực mua đạt 816 tỷ đồng, giảm 64% so với tuần trước đó. Cụ thể, khối này đã giao dịch với số phiên mua ròng chiếm ưu thế hơn, đạt 4/5 phiên giao dịch.

Theo chuyên gia MSVN, đây là điểm cộng cho thị trường trong tuần qua khi thị trường bứt phá được ngưỡng kháng cự với đóng góp từ dòng tiền của khối ngoại, nhóm được cho là có xu hướng đầu tư dài hạn hơn, tạo đà tăng bền vững cho thị trường. Nhờ lực mua ròng của tuần qua đã thu hẹp lực bán ròng của khối này từ đầu năm đến nay còn 8.124 tỷ đồng.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài từ tháng 10/2021 tới nay. Nguồn: MSVN

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài từ tháng 10/2021 tới nay. Nguồn: MSVN

Trong tuần qua, dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư cá nhân là bên duy nhất đóng góp cho lực bán ròng trên thị trường, với giá trị bán ròng đạt 1.271 tỷ, giảm mạnh 42,4% so với tuần trước đó. Có thể thấy, chiều hướng của nhóm này đã chuyển sang trạng thái chốt lãi do cách thức đầu tư của hầu hết nhà đầu tư cá nhân nghiêng về hướng ngắn hạn và thời cơ. Việc chốt lời trên cũng không làm thay đổi được xu hướng tích cực của thị trường. Tính cả tuần qua, dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn là bên đóng góp mua ròng chủ yếu trên thị trường với giá trị 11.569 tỷ đồng.

Tháng 4 khó lường

Thống kê vài năm gần đây cho thấy, diễn thị trường tháng 4 thường có phần đặc biệt. Chẳng hạn 2017-2019 thị trường đều có nhịp điều chỉnh, 2020-2021 lại tăng rất mạnh, thậm chí năm 2021 vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm.

Chia sẻ trong chương trình Bí mật đồng tiền số 14, ông Phạm Lưu Hưng cho rằng, 2020-2021 là năm mà có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân rất nhiều, năm 2021 đầu tháng 4 không tích cực lắm nhưng sau đó hồi lại. Thị trường năm nay vẫn phụ thuộc vào thông tin kết quả kinh doanh quý I và ĐHCĐ, nếu tích cực mà vượt qua kỳ vọng - nhấn mạnh là phải vượt qua kỳ vọng thì sẽ – vì hiện đã phản ánh các kỳ vọng vào giá, nếu không vượt kỳ vọng thì rất là khó.

“Tháng 4 năm nay phải công nhận là có nhiều sự biến động so với các năm trước”, ông Hưng nói.

Ông Phạm Đỗ Huy Cường, thành viên HĐQT, Giám đốc Tài chính An Phát Holidngs cho rằng, tháng 4 quan trọng với doanh nghiệp niêm yết khi phải công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, gần sát thời gian công bố báo cáo tài chính quý I - căn cứ vào đây để trình ĐHCĐ kế hoạch 2022. Với thị trường nói chung, sẽ nhìn vào các thông tin này để đánh giá triển vọng, tính khả thi trong kế hoạch của doanh nghiệp trong năm, trong đó thông tin tháng 4 như là tháng quyết định để nhà đầu tư họ nhìn thấy triển vọng đó không.

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, săn cổ phiếu tăng trưởng

Thị trường Việt Nam giao dịch đi ngang trong tháng 3, phản ánh những lo ngại về lạm phát, đã tăng lên 2,41% so với cùng kỳ. Nhưng điều này nằm trong kịch bản cơ sở của Maybank (Kịch bản số 1) rằng việc Việt Nam mở cửa trở lại và giá dầu tăng cao sẽ dẫn đến lạm phát nội địa gia tăng.

Chuyên gia Maybank nhắc lại quan điểm rằng, lạm phát ở Việt Nam sẽ có thể kiểm soát được ở mức bình quân 4,0% trong năm nay và sẽ không làm gián đoạn quá trình phục hồi kinh tế. Đồng thời, duy trì dự báo tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp năm 2022 là 25% và mục tiêu VN-Index đạt 1.800 điểm, tăng 20%.

Mặc dù lạm phát cao hơn (4,7-5% cho năm 2022 - Kịch bản số 2) có thể tác động xấu cho Việt Nam, nhưng khả năng kịch bản này xảy ra thấp (20%) và thị trường có thể sẽ chỉ giảm 6,7%, một phần ba tiềm năng tăng của kịch bản số 1.

Nếu tính đến tỷ lệ lợi nhuận trên rủi ro này, Maybank cho rằng, thị trường Việt Nam đang mang lại cơ hội mua tốt.

Cụ thể, kịch bản 1: Lạm phát trung bình 4%. Xác suất: 80%. Mục tiêu VN-Index: 1.800 điểm, tăng 20%

Do giá dầu thô tăng cao, Maybank nâng dự báo lạm phát năm 2022 thêm 0,2% lên 4,0%. Trên thực tế, Việt Nam đã trải qua các đợt lạm phát cao hơn trong 10 năm qua (giai đoạn quý I/2017, quý I/2020), nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng ổn định (6-7%). Chính phủ có thể vào cuộc để kiểm soát giá cả, đặc biệt là đối với thực phẩm, hàng may mặc, chăm sóc sức khỏe, viễn thông và giáo dục, vốn chiếm hơn một nửa rổ CPI.

Maybank cho rằng, giá dầu thô sẽ chỉ ở mức cao trong ngắn hạn và lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống bắt đầu từ quý II/2022. Do đó, quan điểm vẫn là lạm phát có thể kiểm soát được và sự phục hồi kinh tế sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Đồng thời cho rằng, NHNN sẽ duy trì chính sách nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng.

Kịch bản 2: Lạm phát trung bình 4,7-5%. Xác suất: 20%. Mục tiêu VN-Index TP: 1.400-1.500 điểm, giảm 7%

Trong trường hợp xấu nhất nếu giá dầu Brent tiếp tục tăng ở mức 120 USD/thùng, lạm phát có thể lên tới 4,7-5% vào năm 2022.

Đối với các ngân hàng, tỷ lệ lạm phát cao như vậy sẽ làm giảm tăng trưởng tín dụng và làm tổn hại đến NIM.

Đối với các ngành phi ngân hàng, tác động sẽ được thể hiện qua: (1) biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bị thu hẹp; và (2) chi phí lãi vay tăng.

Nhìn chung, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2022 của thị trường có thể giảm còn 13%. Mục tiêu VN-Index sẽ giảm xuống còn 1.400-1.500 điểm, PE năm 2022 là 15 lần.

Maybank nhận thấy, xây dựng, thực phẩm, dệt may và bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề hơn, trong khi cảng biển, công nghệ thông tin, hóa chất, đồ uống và bất động sản/khu công nghiệp được chuẩn bị tốt cho khả năng lạm phát cao hơn. Tuy nhiên, khả năng xảy ra của kịch bản này là thấp (20%) và thị trường có thể sẽ chỉ giảm khoảng 7% từ mức giá hiện tại, theo quan điểm của Maybank.

Ngôi sao tháng 4 được các chuyên gia Maybank lựa chọn là VPI, DXG, IDC, FPT và MWG.

"Đối với đầu tư dài hạn, chúng tôi dựa theo kịch bản cơ sở (Kịch bản số 1) và duy trì 10 cổ phiếu khuyến nghị hàng đầu trước đó. Nhưng do cơ cấu thị trường của Việt Nam trong đó các nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế, Maybank tin rằng cần có các chiến thuật linh hoạt như tìm kiếm các ý tưởng tăng trưởng trong rổ cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ để nắm bắt nhịp tăng trung hạn", các chuyên gia của Maybank khuyến nghị.

Vào tháng 4/2022, Maybank khuyến nghị các ngành/cổ phiếu có thể chịu được áp lực lạm phát cao hơn và cũng phù hợp với các chủ đề phục hồi kinh tế: bất động sản (VPI, DXG), khu công nghiệp (IDC), CNTT (FPT) và bán lẻ ( MWG).

Bên cạnh đó, Maybank cho rằng, đầu tư cơ sở hạ tầng tăng tốc, xuất khẩu tăng trưởng ổn định và tiêu dùng nội địa phục hồi sẽ là những chủ đề chính thu hút sự chú ý của thị trường trong tháng 4. Bên cạnh các số liệu thống kê vĩ mô, các kế hoạch kinh doanh được trình bày tại các kỳ ĐHCĐ sắp tới vào tháng 4 cũng sẽ cho thấy triển vọng phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam trong năm nay. Quan sát thấy, kế hoạch rất rõ ràng trong năm 2022 trong các ngành Bất động sản, Khu công nghiệp và Cơ sở hạ tầng, tiếp theo là một số cổ phiếu dệt may, sau đó là bán lẻ và ngân hàng.

Theo đó, các cổ phiếu cần tập trung vào tháng 4 bao gồm: cơ sở hạ tầng (PLC, KSB, HPG), bất động sản (VPI, DXG, IDC, NVL), xuất khẩu (dệt may: TCM), bán lẻ (MWG, MSN, VRE), logistics (GMD, ACV), và ngân hàng (VPB).

Tin bài liên quan