Dòng tiền của PVI vẫn dồi dào sau khi chi tiêu hào phóng

0:00 / 0:00
0:00

Với hậu thuẫn gia tăng từ HDI Global SE, nguồn lực tài chính của Công ty CP PVI (PVI Hodlings, mã PVI, sàn HNX) khá mạnh để mua vào cổ phiếu quỹ cũng như mạnh tay chi trả cổ tức.

Dòng tiền của PVI vẫn dồi dào sau khi chi tiêu hào phóng

Tiếp quản công ty mẹ, niêm yết công ty con

Động thái gia tăng sở hữu của HDI Global SE tại PVI Holdings diễn ra từ từ do tập đoàn tài chính ngoại này mua vào cổ phiếu PVI theo nhiều đợt nhỏ khác nhau.

Từ tháng 4/2019, PVI Holdings đã gửi hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Công ty lên đến 100% và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản trả lời việc PVI Holdings xã định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa 100% là phù hợp với quy định tại Điều 2a, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Sau đó, HDI Global SE đã thực hiện các “nhịp sóng” nhỏ mua vào cổ phiếu PVI. Cụ thể, tháng 5/2020, tổ chức này mua thêm hơn 8,35 triệu cổ phiếu PVI, nâng tỷ lệ sở hữu lên 39,84%; tháng 9/2019 tiếp tục mua thêm để nâng tỷ lệ lên 41,05%; tháng 11/2019 nâng lên 42,91% và sau đó tiếp tục nâng lên 44,37%. Với tỷ lệ này, HDI Global SE là cổ đông lớn nhất tại PVI Holdings (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là cổ đông lớn thứ hai với 36,68% vốn).

Một trong những động thái đáng chú ý nhất của PVI Holdings sau “làn sóng” mua vào của HDI Global SE là việc đưa công ty con là Công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), với mã chứng khoán là PRE, vốn điều lệ 728 tỷ đồng.

Cùng với động thái đưa cổ phiếu lên sàn, PVI Re cũng tiếp tục cho thấy các nỗ lực đẩy mạnh kết nối với các đối tác bảo hiểm để đẩy cao doanh số.

Gần đây nhất là việc thực hiện Cổng giao dịch tái bảo hiểm điện tử giữa PVI Re và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm VietinBank (VBI). Ông Trịnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc của PVI Re cho biết, sẽ đầu tư vào các dịch vụ gia tăng hỗ trợ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của VBI trong thời gian tới.

Theo bản cáo bạch niêm yết, phí nhận tái bảo hiểm của PVI Re đạt mức tăng trưởng 24,37% trong năm 2019.

Tỷ lệ chi phí bồi thường/phí nhận tái bảo hiểm giảm mạnh từ 45,41% năm 2018, xuống còn 38,15% trong năm 2019. Tuy nhiên, chi phí bồi thường nhích tăng trở lại trong nửa đầu năm 2020, với tỷ lệ 38,37%.

Dòng tiền khá rủng rỉnh và điểm gợn trong bức tranh tài chính

Về kinh doanh, PVI Holdings chưa có sự bứt phá đáng kể sau khi kiện toàn cơ cấu cổ đông. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2020 chỉ nhỉnh hơn chút ít so với cùng kỳ năm 2019, với 625,8 tỷ đồng (9 tháng năm 2019 đạt 624 tỷ đồng).

Tuy nhiên, công ty này đang có nguồn lực tài chính khá mạnh. Hồi quý II/2020, PVI Holdings đã mua vào 7,59 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ. Với thị giá cổ phiếu thời điểm đó, số tiền mà Công ty chi cho đợt mua vào cổ phiếu quỹ này là khoảng 230 tỷ đồng.

Sau nhiều đợt chi tiêu hào phóng cho các hoạt động tài chính, dòng tiền của công ty này vẫn khá dồi dào và phần lớn được để dưới dạng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.

Sang quý III/2020, PVI Holdings tiếp tục chi mạnh tay cho đợt trả cổ tức bằng tiền lên tới 22,5%.

Trong đợt chia tiền này, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được thanh toán số tiền 2.250 đồng và theo đó, tổng số tiền mà PVI Holdings chi ra lên tới hơn 500 tỷ đồng.

Sau nhiều đợt chi tiêu hào phóng cho các hoạt động tài chính như trên, dòng tiền của công ty này vẫn khá dồi dào và phần lớn được để dưới dạng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, với giá trị tại thời điểm 30/9/2020 là 7.115 tỷ đồng.

Đánh giá về PVI Holdings và các công ty thành viên sau khi HDI Global SE tăng vốn, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế A.M.Best cho biết, cổ đông lớn HDI Global SE dự kiến củng cố vị thế trên thị trường bảo hiểm rủi ro công nghiệp trong khu vực.

Trong tương lai, A.M.Best cho rằng, công ty thành viên của PVI Holdings là Tổng công ty Bảo hiểm PVI sẽ được hậu thuẫn từ kinh nghiệm của Tập đoàn HDI trong các lĩnh vực lựa chọn rủi ro, định giá và dự phòng, cũng như giám sát và hỗ trợ về quản lý rủi ro.

Tuy vậy, bức tranh tài chính của PVI Holdings cũng có một số “điểm gợn” dễ để lại ít nhiều băn khoăn trong mắt nhà đầu tư khi đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp này.

Chẳng hạn, tỷ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này vẫn đang ở mức khá cao. Nợ phải trả của PVI Holdings tại thời điểm 30/9/2020 là 16.059,6 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ là 6.982,5 tỷ đồng, tỷ lệ nợ/vốn là gần 2,3 lần.

Dẫu vậy, nợ cao của PVI Holdings nằm chủ yếu các khoản phải trả người bán và dự phòng phải trả, không có vay và nợ thuê tài chính (cả dài hạn và ngắn hạn).

Tin bài liên quan