Cổ phiếu ngách thu hút dòng tiền
Một số cổ phiếu ghi nhận diễn biến giá tích cực trong tuần qua gồm có MSR (tăng 30%), KSV (tăng 27%), CTD (tăng 12%). Đa số dòng tiền lựa chọn các cổ phiếu ngách, không mang tính thị trường cao như khoáng sản, phân bón, cao su, thay vì chọn các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Điều này cho thấy cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Mặt tốt chính là việc dòng tiền đầu cơ đang hoạt động mạnh mẽ và luân chuyển nhanh hơn - tiền đề cho bất kỳ con sóng tăng giá nào. Mặt xấu là việc dòng tiền này gây ra rủi ro lớn, vì vào nhanh và ra nhanh, khi hết sóng sẽ tạo ra những mẫu hình cây thông và gây nên sự hoảng loạn nhất định cho thị trường.
Ngược lại với sự hưng phấn của các cổ phiếu ngách, thị trường đón nhận dấu hiệu xấu của các cổ phiếu lớn. Chẳng hạn, mã MWG có một tuần giảm giá mạnh, mất hơn 6% giá trị; mã NLG giảm 7%, đánh mất đà hồi phục trước đó sau khi doanh nghiệp công bố sẽ phát hành thêm cổ phiếu. Sự suy yếu của các cổ phiếu lớn là mối nguy tiềm tàng với thị trường, đồng thời đánh dấu bước chuyển pha của dòng tiền từ nhóm cổ phiếu lớn sang các nhóm nhỏ hơn.
Sự phân kỳ giữa giá và khối lượng được thể hiện rất rõ. Thanh khoản tuần qua tiếp tục cải thiện, tăng 10% so với tuần trước đó, nhưng điểm số lại đi ngang, phần nào phát đi những tín hiệu rủi ro nhất định về sự suy yếu của thị trường chung.
Trong tuần qua, kinh tế vĩ mô trên thế giới có những biến động đáng chú ý. Ngày 10/2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh điều hành áp thuế quan 25% lên tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, cho thấy chính quyền Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách “có đi có lại” trong thương mại. Đồng thời, ông Trump tuyên bố sẽ sớm công bố thêm các biện pháp thuế quan mới.
Ở chiều ngược lại, kinh tế Trung Quốc ghi nhận điểm sáng hiếm hoi khi chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1/2025 tăng mạnh hơn dự báo. Tuy nhiên, tin tức này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lạm phát quay trở lại, đặc biệt khi Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau giai đoạn suy giảm kéo dài.
Tác động từ hai sự kiện trên nhanh chóng lan tỏa đến thị trường tài chính toàn cầu. Chỉ số S&P 500 tiếp tục giảm điểm và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt vào ngày 12/2/2025, khi nhà đầu tư lo ngại rằng, áp lực lạm phát sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ lâu hơn dự kiến.
Những diễn biến trên phản ánh sự phức tạp và khó lường của kinh tế toàn cầu trong giai đoạn hiện tại. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cần thận trọng khi phân bổ dòng vốn, đặc biệt là trước những rủi ro tiềm ẩn từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Tuần này, VN-Index cần sớm bứt phá khỏi ngưỡng cản 1.280 điểm một cách rõ ràng. Nếu không, một nhịp điều chỉnh về xung quanh ngưỡng 1.260 điểm là điều có thể xảy ra. Dự báo, dòng tiền sẽ tiếp tục luân phiên và ưu tiên các nhóm cổ phiếu nhỏ, trước khi có những phiên điều chỉnh rõ ràng xuất hiện. Nhà đầu tư nên hạn chế mua mới, mua đuổi ở vùng này, ưu tiên việc nắm giữ hoặc chốt lời.
Dự báo ngành dầu khí dưới thời Trump 2.0
Trong giai đoạn Trump 2.0, các ngành công nghiệp truyền thống tại Mỹ, bao gồm khai thác dầu khí, sẽ được thúc đẩy mạnh. DSC cho rằng, nguồn cung gia tăng từ các hoạt động khai thác dầu đá phiến sẽ gây áp lực giảm giá đối với dầu thô trong dài hạn.
Hai yếu tố có thể khiến giá dầu gia tăng là: (1) Tình hình xung đột địa chính trị tại Trung Đông và (2) Chính sách điều tiết nguồn cung của OPEC+. Tuy nhiên, chúng tôi nhận định, hai yếu tố này sẽ không tác động nhiều trong thời kỳ Trump 2.0.
Đối với yếu tố (1), chúng tôi dự báo, tình hình xung đột sẽ được ông Trump can thiệp nhiều hơn, dẫn đến xác suất giá dầu tăng mạnh ở mức thấp. Quá khứ cho thấy, các hành động can thiệp của ông Trump mạnh mẽ hơn về mặt chính trị so với ông Biden, với các động thái lớn như Thỏa thuận Abraham và đối đầu với Iran.
Đối với yếu tố (2), chúng tôi cho rằng, việc Nga bị Mỹ áp các lệnh cấm vận sẽ khiến các chính sách cắt giảm của OPEC kém hiệu quả hơn trong thời kỳ Trump 2.0. Trong năm 2017, OPEC đã mở rộng hợp tác với Nga và các quốc gia sản xuất dầu lớn khác nhằm đối phó với tình trạng dư cung dầu thô dưới thời Trump 1.0, khiến giá dầu gia tăng.
Với những cơ sở trên, DSC nhận định, giá dầu sẽ bước vào giai đoạn giảm giá trong dài hạn. Giá dầu thô trung bình trong năm 2025 dự kiến dao động phổ biến từ 60 - 70 USD/thùng, tác động chủ yếu tới các doanh nghiệp thuộc khâu trung và hạ nguồn dầu khí Việt Nam. Tuy vậy, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội từ các doanh nghiệp thượng nguồn như PVS, PVD. Đây là những doanh nghiệp không bị phụ thuộc vào diễn biến giá dầu trong ngắn hạn và cổ phiếu đã có những vùng giá chiết khấu đủ tốt để kỳ vọng vào một sóng hồi.