Khi thị trường sôi động…
Thông tin mới nhất được OneHousing cho hay, chỉ trong ngày mở bán đầu tiên phân khu Hừng Đông thuộc dự án Vinhomes Đan Phượng, 90% quỹ căn đã có chủ. Trong đó, ngoài nguyên nhân giỏ hàng có số lượng hạn chế, thì còn đến từ yếu tố vị trí đẹp và mức giá tương đối phù hợp. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với nhiều phân khu tại dự án Vinhomes Cổ Loa.
Trước đó, vào cuối năm 2024, nhiều dự án của các chủ đầu tư lớn như Vinhomes, MIK Group, Masterise Homes, CapitaLand… được mở bán và nhanh chóng hết hàng. Có thể nói, về mặt thương mại, thị trường bất động sản nhà ở Thủ đô đang trải qua giai đoạn “trong mơ” khi “cứ ra hàng là hết”.
Sang năm 2025, thị trường đón nhận hàng loạt tín hiệu tích cực từ vĩ mô: Chính sách tiền tệ nới lỏng được duy trì, lãi suất cho vay tiếp tục ổn định ở mức thấp và dấu hiệu rõ rệt của một chu kỳ “tiền rẻ” đang hình thành. Các gói tín dụng, đầu tư công, cùng dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh cũng là động lực lớn, củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cùng với đó là xuất hiện một yếu tố khiến thị trường bùng nổ cục bộ là thông tin (dù mới ở mức “rumor”) về chủ trương sáp nhập các tỉnh, thành phố. Đây được xem là “chất xúc tác” mạnh khiến nhà đầu tư tham gia thị trường nhộn nhịp hơn.
Trên thực tế, nhiều hội nhóm nhà đầu tư đã đổ xô đi gom đất tại các khu vực lân cận Hà Nội như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương…
Các chuyên gia cho rằng, năm 2025 mở ra một bức tranh hoàn toàn khác về thị trường bất động sản Việt Nam so với những năm trước đó, không chỉ phản ánh sự phục hồi đang tiếp diễn, mà còn hé lộ một giai đoạn tăng trưởng mới, được thúc đẩy bởi các yếu tố vĩ mô, chính sách điều tiết tích cực và những thay đổi trong hành vi đầu tư.
Công ty Tư vấn Bất động sản Toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL) đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi rõ rệt và dự báo hoạt động đầu tư sẽ tăng mạnh trong năm 2025.
Theo JLL, việc chi phí vay vốn giảm và tâm lý nhà đầu tư cải thiện hơn là những yếu tố thúc đẩy xu hướng tích cực này. Các lợi thế nền tảng của Việt Nam như lực lượng lao động trẻ và năng động, hạ tầng phát triển và chính sách thu hút đầu tư cởi mở tiếp tục đưa đất nước trở thành điểm đến hấp dẫn cho các dự án đầu tư bất động sản trên nhiều phân khúc.
Khi điều kiện thị trường tiếp tục khởi sắc thì sẽ chứng kiến sự gia tăng của các giao dịch và dự án phát triển mới, củng cố vị thế của Việt Nam như một thị trường bất động sản hàng đầu tại thị trường Đông Nam Á.
![]() |
Tâm lý FOMO thúc đẩy nhà đầu tư gom đất ồ ạt. Ảnh: Dũng Minh. |
“Thị trường bất động sản Việt Nam đang trên đà tăng trưởng trở lại trong năm 2025 nhờ chi phí vay giảm và hoạt động giao dịch gia tăng trên các phân khúc chính. Trước những biến động toàn cầu, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á.
Trong năm 2024, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 25,4 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ‘điểm nóng’ bất động sản trên cả nước”, ông Michael Glancy - Giám đốc điều hành Khối Thị trường Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam của JLL nói.
Thanh khoản quyết định sự thành - bại
Ông Trần Quang Trung - Giám đốc phát triển Kinh doanh OneHousing nhận định, các lo ngại về lạm phát, bất ổn kinh tế đã phần nào được giải tỏa, tâm lý thị trường chuyển từ phòng thủ sang chấp nhận rủi ro có tính toán.
Cùng với đó, giá vàng liên tiếp phá đỉnh, thị trường chứng khoán hút mạnh dòng tiền - đây là những yếu tố khiến bất động sản tiếp tục là nơi trú ẩn an toàn và có tiềm năng sinh lời dài hạn.
Tuy nhiên, ông Trung cũng cảnh báo, thông tin sáp nhập địa giới hành chính đang khiến một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư có tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) gom đất ồ ạt nên rất dễ bị mắc kẹt vì giá đã được đẩy lên rất cao.
“Do đó, điều cần thiết nhất lúc này là tập trung vào thanh khoản, kiểm soát đòn bẩy tài chính và muốn như vậy, nhà đầu tư phải trả lời được các câu hỏi: Ai sẽ mua lại? Ai sẽ thuê? Ai sẽ sống ở đó?”, ông Trung đưa ra lời khuyên.
Cũng đề cao tính thanh khoản, ông Ngô Bá Trọng - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển bất động sản Tuấn Quang (TQLand) cho rằng, thị trường đang mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư khi nguồn cung dự báo sẽ cải thiện mạnh mẽ.
Tuy vậy, ngoài các yếu tố quan trọng như pháp lý, vị trí và giá bán, thanh khoản cũng luôn cần được đề cao, bởi đây là yếu tố đảm bảo cho việc nhà đầu tư có thể xoay trở và linh hoạt theo diễn biến thị trường.
“Sau khi rà soát các yếu tố như vị trí (vị trí phải đẹp, thuận lợi trong việc di chuyển, kết nối, nếu là sản phẩm tạo dòng tiền như căn hộ, vị trí đó phải là khu vực có đa dạng khách thuê để đảm bảo hiệu suất và giá khai thác tốt), pháp lý chuẩn chỉ, mức giá phù hợp…, thanh khoản là một vấn đề rất quan trọng nữa cần được xét đến, lý do bởi ngay cả khi sản phẩm có triển vọng nhưng nếu không có thanh khoản thì cũng rất dễ mang đến rủi ro cho nhà đầu tư”, ông Trọng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại diện một đơn vị phân phối bất động sản lớn khu vực phía Bắc nói rằng, trước khi xuống tiền, người mua cần đặt câu hỏi và tự trả lời vấn đề: “Nếu cần tiền và bán gấp thì liệu có ai mua bất động sản đó không”, hay nói cách khác là bất động sản này có khả năng dễ chuyển đổi thành tiền mặt được hay không? Nếu câu trả lời là “có” thì có thể xuống tiền, còn ngược lại thì phải tính toán lại.
Cũng theo vị này, lâu nay, nhiều nhà đầu tư có thói quen “lướt sóng” ngắn hạn, và thường tận dụng thanh khoản thị trường theo “sóng lớn” mà chủ đầu tư tạo ra. Tuy nhiên, khi chủ đầu tư bán xong và rời đi, các sản phẩm dạng này sẽ không dễ bán, nên các nhà đầu tư đi sau cần thực sự chú ý.
“Ở thời điểm hiện tại, thanh khoản là tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá sự thành - bại của hoạt động đầu tư bất động sản. Thanh khoản càng cao có nghĩa là việc mua bán càng thuận lợi, suôn sẻ và ngược lại. Về cơ bản, sản phẩm có thanh khoản tốt là sản phẩm pháp lý đầy đủ, vị trí tốt, giá bán phù hợp (chưa bị bơm thổi quá nhiều) và gắn với nhu cầu thực”, vị này nhấn mạnh.
Là lĩnh vực đặc thù, bất động sản mang trong mình câu chuyện riêng khi suất đầu tư có giá trị lớn, khả năng chuyển đổi hàng hóa - tiền mặt chậm hơn các loại hình kinh doanh khác. Do đó, thanh khoản là vấn đề cần được đặc biệt đề cao, nhất là khi thị trường đang trong giai đoạn hưng phấn như hiện nay.