Những biến số cần lưu tâm
Trong nước, các yếu tố chính được cho là sẽ tác động đến thị trường mà nhà đầu tư cần lưu tâm bao gồm áp lực lạm phát, tỷ giá, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, theo đó là biến động mặt bằng lãi suất; rủi ro liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp; mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu năm cũng như mùa đại hội cổ đông năm 2023.
Đối với các yếu tố quốc tế, trọng tâm vẫn tập trung ở 2 thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc như tốc độ giảm lạm phát, rủi ro suy thoái ở Mỹ và chính sách tiền tệ của Fed, tiến trình mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc.
Thực tế, thị trường chứng khoán toàn cầu thời gian qua giao dịch khởi sắc khi lạm phát tại Mỹ giảm nhanh và Fed cùng các ngân hàng trung ương lớn khác đang bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất, trong khi Trung Quốc vẫn đang đi đúng lộ trình mở cửa hoàn toàn nền kinh tế sau thời gian dài phong tỏa vì dịch Covid-19. Thị trường Việt Nam cũng có diễn biến tương tự, nhưng vừa có một số phiên sụt giảm với thanh khoản thấp, sau nhịp tăng trước Tết.
Ông Nguyễn Đức Anh, Giám đốc Chiến lược và Vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, đà hồi phục của VN-Index trong khoảng 3 tháng trước Tết là phù hợp với các chuyển biến vĩ mô. Rủi ro điều chỉnh sâu của thị trường từ vùng giá hiện tại là không cao, dù áp lực chốt lời có thể khiến tình trạng rung lắc mạnh xuất hiện.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhìn nhận, ở thời điểm hiện tại, nhiều yếu tố vĩ mô trong nước đang có sự cải thiện.
Cụ thể, áp lực tỷ giá đã giảm đáng kể, kéo theo dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài quay trở lại mạnh mẽ. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn “căng” như trước, khi tăng trưởng huy động phục hồi và Ngân hàng Nhà nước có động thái hỗ trợ thanh khoản.
Lãi suất trái phiếu chính phủ các kỳ hạn có diễn biến giảm mạnh trong vòng một tháng qua, đây là chỉ báo sớm cho việc mặt bằng lãi suất thị trường (huy động, cho vay) có thể sớm điều chỉnh giảm, nhất là khi ngày 8/2/2023, các ngân hàng lớn đồng thuận sẽ giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng.
Lãi suất và tỷ giá luôn là những nhân tố có tác động lớn đến xu hướng của thị trường chứng khoán, khi các yếu tố này cải thiện, áp lực đối với thị trường đã được cởi bỏ phần nào.
Ngược lại, thị trường trong nửa đầu năm 2023 vẫn đối mặt với những rủi ro hiện hữu liên quan tới đà suy giảm thu nhập của các doanh nghiệp niêm yết trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại. Bên cạnh đó, khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản chưa được giải quyết.
Mặc dù còn đó những rủi ro, nhưng theo VNDIRECT, yếu tố vĩ mô đang dần cải thiện, do đó, ít có khả năng thị trường rơi về mức đáy sâu hơn vùng đáy cũ đã thiết lập tháng 11 năm ngoái là quanh 900 điểm.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC nhận định, thị trường chứng khoán có thể biến động để xác lập đáy trung hạn, trước khi hình thành một chu kỳ tăng điểm rõ ràng ở giai đoạn nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, vùng 950 - 980 điểm là vùng hỗ trợ mạnh, khó có thể bị xuyên thủng.
Việc thị trường điều chỉnh sâu (nếu có) là cơ hội để mua vào. Một động thái đáng chú ý là Quỹ VanEck trong 1 tháng qua đã huy động hơn 2.000 tỷ đồng và tháng 3 tới dự kiến sẽ mua ròng hơn 110 triệu USD trong kỳ tái cơ cấu danh mục do nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam.
Dòng tiền chờ nhập cuộc
Sự thận trọng của dòng tiền là có thể hiểu được khi mà chỉ số VN-Index, với động lực không nhỏ đến từ dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài, đã có nhịp hồi phục xấp xỉ 30% trong gần 3 tháng, nhưng không ít nhà đầu tư nội bị lỡ nhịp. Trong kịch bản thị trường chung điều chỉnh đáng kể ở vùng giá hiện tại, dòng tiền mới có thể sẽ tự tin tham gia nhập cuộc.
Tuy nhiên, ông Đức Anh cho rằng, nhịp tăng vừa qua của thị trường là tương đối phù hợp với chuyển biến vĩ mô và rất khó để VN-Index xuất hiện nhịp điều chỉnh sâu, nếu không xuất hiện yếu tố tác động tiêu cực mới.
Theo đó, nhà đầu tư nên giải ngân dần ở vùng giá hiện tại để tránh mua đuổi vì tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO). Nhóm ngành công nghệ thông tin, chứng khoán, đầu tư công đang có câu chuyện kỳ vọng và/hoặc ở vùng định giá hấp dẫn để nhà đầu tư cân nhắc giải ngân.
Lưu ý, trong năm 2022, nhiều cổ phiếu biến động theo thị trường chung, có những giai đoạn một loạt cổ phiếu cùng tăng và cùng giảm. Kể từ đầu năm 2023, thị trường có sự phân hóa rõ nét, một số cổ phiếu tăng mạnh lên mức đỉnh lịch sử như PNJ, VCB, trong khi vẫn có những mã đi ngang ở vùng thấp như NVL, PDR. Sự phân hóa này khiến nhà đầu tư phải có sự cân nhắc, lựa chọn cổ phiếu riêng, hạn chế chọn cổ phiếu theo nhóm ngành, hoặc theo chỉ số chung.
Ngoài ra, do đặc thù thanh khoản thấp khi thị trường đi ngang, dòng tiền không đủ lực để liên tục đưa giá cổ phiếu đi lên, mà dao động trong một biên độ nhất định. Theo đó, nhà đầu tư có thể sử dụng các chỉ báo dao động (Oscillator) trong phân tích kỹ thuật nhằm theo dõi các khu vực thấp để giải ngân và khu vực cao để chốt lời.
Ví dụ, cổ phiếu VNM có chỉ số RSI (Relative Strength Index) dao động trong vùng 40 - 70 từ giữa năm 2022 tới nay. Nhà đầu tư nên tránh tâm lý FOMO, mua theo xu hướng, mua đuổi giá cao ở giai đoạn này, mà cần kiên nhẫn đợi giải ngân khi giá về vùng thấp.
Với nhà đầu tư dài hạn, đầu năm 2023 là giai đoạn tốt để lựa chọn giải ngân. Định giá nhiều nhóm ngành ở mức thấp, P/E khoảng 10 lần, trong khi môi trường lãi suất dần ổn định, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp. Từ góc nhìn này, khác với năm 2022, thị trường giảm khiến đại bộ phận nhà đầu tư thiên về phòng thủ, giảm tỷ lệ chứng khoán trên tổng danh mục, thì năm 2023 là cơ hội tốt với những người đầu tư bằng dòng tiền đều đặn hàng tháng.
Thị trường có dấu hiệu chờ đợi những thông tin tích cực hơn từ doanh nghiệp niêm yết.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, người sáng lập Finpeace đánh giá, dòng tiền hiện tại đang ở mức trung bình thấp và thuộc các nhà đầu tư chuyên nghiệp nhiều hơn so với dòng tiền giai đoạn 2021 - 2022, một phần thể hiện ở động thái mua ròng liên tục của các quỹ ngoại. Thị trường có dấu hiệu chờ đợi những thông tin tích cực hơn từ doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là trước và sau thời điểm họp đại hội cổ đông năm 2023 để thấy rõ định hướng của doanh nghiệp, cũng như các diễn tiến tiếp theo từ chính sách kinh tế vĩ mô mang tính chất dẫn dắt.
Dù nội tại nền kinh tế và hoạt động doanh nghiệp vẫn còn không ít khó khăn, nhưng vẫn có những nhóm ngành và doanh nghiệp duy trì được hoạt động kinh doanh ổn định, tăng trưởng cao. Vì vậy, dòng tiền sẽ hướng vào nhóm doanh nghiệp này.
“Giai đoạn đầu năm nay, nhà đầu tư vẫn có thể theo sát những câu chuyện của năm ngoái như nhóm đầu tư công, ngân hàng, bảo hiểm, điện… Tuy nhiên, từ cuối quý II trở đi, nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao như công nghệ, bán lẻ, ngân hàng bán lẻ, chứng khoán. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể chú ý thêm ở khả năng tăng trưởng doanh thu, thị phần”, ông Tuấn Anh nói.
Nhà sáng lập Finpeace lưu ý, sau giai đoạn khó khăn chung, thị trường thường xuất hiện những doanh nghiệp từng ở vị trí thấp trên bản đồ cạnh tranh bất ngờ vượt lên vị trí cao nhờ cải tiến đột biến về công nghệ, chính sách bán hàng, nâng cấp sản phẩm. Đại hội cổ đông năm 2023 chính là nơi tốt nhất để nhà đầu tư cảm nhận sớm sự khác biệt trong định hướng tăng trưởng của các công ty niêm yết, từ đó sẽ có góc nhìn sâu sát hơn về doanh nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.