Thị trường có thể cần một nhịp giảm mạnh để kích thích dòng tiền quay trở lại

Thị trường có thể cần một nhịp giảm mạnh để kích thích dòng tiền quay trở lại

Dòng tiền chờ đợi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền tuần qua không được kích hoạt khi nhiều nhóm cổ phiếu mang tính đại diện chủ chốt của thị trường chưa cho tín hiệu tạo điểm cân bằng, giá trị giao dịch trung bình vẫn ở mức thấp.

Trong ngắn hạn, VN-Index đã tạo một đáy quanh 1.197 để làm tham chiếu, các phản ứng của thị trường với tâm lý có phần hoảng loạn khi chỉ số đồng USD (DXY) bật tăng trở lại đã ổn định hơn và khối ngoại giảm bán ròng rồi quay lại mua ròng giúp chỉ số hình thành điểm cân bằng tạm thời trên ngưỡng 1.200 điểm.

Tuy nhiên, để thị trường đi xa hơn, tạo một con sóng tăng thì luôn cần dòng tiền mạnh, các tay chơi lớn phải nhập cuộc, kỳ vọng phải tăng dần. Đây chính là điều còn thiếu khi thị trường đang vào vùng trũng thông tin.

Thị trường chứng khoán khó tăng là lý do gần đây không có dòng tiền mới gia nhập thị trường, khiến thanh khoản giảm dần. Dòng tiền yếu do nhà đầu tư chờ đợi những vùng giá thấp hơn, nhất là khi các cổ phiếu mang tính thị trường như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản, bán lẻ chưa hình thành điểm cân bằng rõ nét.

Nhiều nhà đầu tư đang nhìn vào câu chuyện tỷ giá để cân nhắc. Họ có thể giải ngân mạnh tay khi DXY giảm xuống dưới 105 để không tạo nên áp lực cho tỷ giá, đồng thời mở rộng thêm dư địa cho thanh khoản và lãi suất liên ngân hàng, giúp Ngân hàng Nhà nước bơm thêm tín dụng trong giai đoạn cuối năm.

Hiện tại, DXY neo quanh mức 106 - 107 USD và hiệu ứng đầu cơ tỷ giá tiếp tục tác động mạnh, tỷ giá USD/VND gần chạm đến mức Ngân hàng Nhà nước phải bán can thiệp là 25.450 đồng. Đây là điểm cần lưu ý, vì nếu xảy ra sẽ không tốt cho thị trường chứng khoán. Hiệu ứng tỷ giá nhạy cảm một phần do Kho bạc Nhà nước đang cần mua USD, xu hướng chuyển dịch tài sản quay lại thị trường Mỹ và tiền số thu hút đầu tư, khiến nhu cầu USD gia tăng.

Kiểm soát tỷ giá vẫn đang là ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế và thanh khoản của hệ thống ngân hàng, với mục tiêu đảm bảo an toàn và thanh khoản cao trong dự trữ ngoại hối để đối phó với tính huống khó khăn. Khi cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp bằng cách bán ngoại tệ nhằm duy trì sự ổn định của thị trường ngoại hối và tỷ giá.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu thị trường chứng khoán neo điểm số và dòng tiền nhỏ lẻ luân chuyển quanh các cổ phiếu có tính đầu cơ, hàng đặc thù phòng thủ và có câu chuyện riêng, có lẽ thị trường cần một nhịp giảm mạnh hơn để kích thích dòng tiền quay trở lại.

Nhìn lại lịch sử định giá P/E giai đoạn từ năm 2020 trở lại đây, mỗi khi P/E về dưới 12 lần, thị trường ở trạng thái quá bán (RSI < 30, VN-Index giảm tối thiểu 10%), tỷ lệ cổ phiếu nằm dưới các ngưỡng hỗ trợ trung và dài hạn (đường MA50/MA100/MA200) vượt mốc 80%, 90%, có kỳ vọng mạnh mẽ về tăng trưởng lợi nhuận, thì đó sẽ là thời điểm thị trường đảo chiều đi lên.

Ở thời điểm hiện tại, P/E đang cao hơn 39% so với đáy lịch sử (9,6 lần vào tháng 11/2022) và cao hơn 4% so với đáy 1 năm (12,7 lần vào tháng 10/2023), thị trường chưa vào vùng quá bán với mức giảm khoảng 7%, tỷ lệ cổ phiếu nằm dưới các đường MA50/MA100/MA200 ở mức trung tính (60 - 70%), kỳ vọng tăng trưởng ở mức ổn định, nên thị trường chưa hấp dẫn dòng tiền quay trở lại.

Bóc tách từng nhóm ngành riêng lẻ, hầu hết các ngành đang có mặt bằng định giá tương đương hoặc cao hơn trung bình 5 năm. Công nghệ thông tin, bán lẻ, hóa chất là ba ngành đang có kỳ vọng quá đà, thể hiện qua hệ số P/E, P/B cùng vượt xa mức trung bình 5 năm và tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng, tác động lên P/E nhóm phi tài chính - cao hơn mức trung bình. Trong khi đó, ngành ngân hàng đang gặp thách thức trong việc duy trì tăng trưởng lợi nhuận ngắn hạn.

Tin bài liên quan