Nhìn xa hơn, chỉ trong vòng 1 tháng, VN-Index đã giảm hơn 270 điểm kể từ đỉnh 1.530 điểm, tương đương hơn 17%. Điều này đã tạo nên những đợt bán tháo bất chấp với nhiều lý do.
Cùng với đà giảm điểm, yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại là sự suy yếu của dòng tiền. Nếu như trong giai đoạn 2020 - 2021, chúng ta dễ dàng chứng kiến những phiên giao dịch bùng nổ với giá trị từ 40.000 - 60.000 tỷ đồng, thì từ đầu năm 2022 đến nay, giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ từ 20.000 - 30.000 tỷ và hiện loanh quanh trong khoảng 15.000 tỷ đồng.
Điều này cho thấy, dòng tiền đã rút dần ra, dẫn đến lực cầu khá yếu ớt. Sự vận động lên/xuống của TTCK dựa vào hoạt động của nhà đầu tư - tức là dòng tiền trên thị trường, do đó sự giảm điểm hiện nay chịu tác động lớn từ lý do đó.
Có một điểm đáng lưu ý trong thời điểm này, đó là sự thận trọng co cụm lại ở nhiều doanh nghiệp trong các hoạt động huy động vốn đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh. Có thể nhiều doanh nghiệp chờ đợi các chính sách liên quan đến kênh huy động vốn từ trái phiếu khi dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 53/2020 đang bước vào vòng lấy ý kiến cuối cùng để chuẩn bị được ban hành.
Nếu như trước đây, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ là khá dễ dàng thì tới đây sẽ chịu nhiều quy định siết chặt lại.
Chủ đề này sẽ được thảo luận kỹ trong Tiêu điểm “Chỉnh dòng trái phiếu” của số báo tuần này, từ đó cho thấy khá rõ các doanh nghiệp sẽ phải dự phòng cho tình huống dòng tiền eo hẹp như thế nào. Như vậy, hoạt động đầu tư, nhất là những doanh nghiệp có đầu tư tài chính có lẽ sẽ phải có phương án ứng phó sớm để phòng thủ.
Một yếu tố đáng lưu ý nữa liên quan đến dòng tiền của các “tay to” trên TTCK là trong thời gian qua, với sự hoạt động náo nhiệt của TTCK, nhiều doanh nghiệp đã dùng chính cổ phiếu của mình làm tài sản đảm bảo thực hiện nghiệp vụ vay nợ (khác margin từ các CTCK). Trường hợp cổ phiếu giảm sâu, tài khoản vi phạm tỷ lệ duy trì, trong khi dòng vốn từ kênh trái phiếu thắt chặt càng đẩy hiệu ứng bán tháo nhân lên.
Nhưng sau cơn mưa rồi cũng sẽ có cầu vồng! Nhìn rộng hơn trong mối tương quan với các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, kênh trái phiếu còn không ít dư địa tăng trưởng. Với Việt Nam, trong khi kênh tín dụng hiện đạt tới 124,3% GDP, cổ phiếu chiếm 93,8% GDP, trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ chiếm 14,2% GDP. Nhìn ra khu vực, Thái Lan chiếm 25% GDP, Singapore 38% và Malaysia 56%...
Theo các bảng xếp hạng toàn cầu, Việt Nam có nền kinh tế quy mô thứ 40-41 thế giới và chúng ta hoàn toàn có thể thăng hạng lên top cao hơn khi có số dân trong Top 20 toàn cầu, lực lượng lao động ngày càng có chất lượng và năng suất cao hơn.
Để nền kinh tế phát triển, rất cần bệ đỡ của thị trường tài chính vững mạnh bao gồm cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Thực tế cũng đã cho thấy, trước đây khi thị trường vốn kém phát triển, ngân hàng huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tạo rủi ro cao.
Tiền của người dân còn rất nhiều, tiền nước ngoài chực chờ cơ hội giải ngân cũng không thiếu, nhưng dòng tiền trên TTCK đang chịu áp lực nặng nề. Khả năng thuyết phục nhà đầu tư trở lại thị trường sẽ phải là những cú tăng bùng nổ: mạnh, dứt khoát và thuyết phục.
Các phiên giao dịch để báo hiệu cho một sóng tăng trở lại thường có khối lượng giao dịch cao hơn mức trung bình. Ngoài ra, đỉnh của phiên giao dịch sau luôn cao hơn đỉnh phiên giao dịch trước. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ bóng dáng một con sóng tăng khi dòng tiền được giải tỏa áp lực.