Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực, Công ty Chứng khoán VPS |
Trước khi có nhịp rung lắc ở tuần đầu tháng 4/2024, VN-Index thuộc Top 3 chỉ số chứng khoán tăng tốt nhất thế giới trong 3 tháng đầu năm 2024. Ông có nhận định như thế nào về chuyển động của thị trường trong thời gian tới?
Thị trường đã trải qua những phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4 không mấy thuận lợi khi áp lực bán luôn thường trực sau đợt tăng kéo dài khiến VN-Index liên tục rung lắc và điều chỉnh giảm. Áp lực điều chỉnh mạnh diễn ra hầu hết trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khiến VN-Index tạm thời chưa thoát khỏi trạng thái rủi ro. Tuy nhiên, đây là nhịp điều chỉnh cần thiết khi thị trường đã kéo dài một chu kỳ tăng. Nhìn một cách tổng quan trong quý I/2024, GDP tăng 5,66%, dự báo cả năm đạt 6%; giải ngân FDI, xuất nhập khẩu tăng trưởng; tỷ giá, giá vàng biến động mạnh… Có thể thấy, vĩ mô có nhiều điểm tích cực và tiếp tục có triển vọng sáng trong giai đoạn tới. Theo đó, về dài hạn, thị trường chứng khoán vẫn sẽ trong xu thế tăng điểm, nhưng nhà đầu tư vẫn nên lưu ý đến khả năng VN-Inex xảy ra nhịp điều chỉnh trong thời gian tới.
Ông có nhận xét gì về chuyển động dòng tiền của 2 khối nhà đầu tư nội và ngoại ở thời điểm hiện tại?
Năm nay, một số nhóm ngành có thể ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan và giá cổ phiếu có mức tăng tốt bao gồm tài chính - chứng khoán, hóa chất, thép, dầu khí, bất động sản công nghiệp, công nghệ - viễn thông.
Nhà đầu tư ngoại duy trì động thái bán ròng - giá trị bán ròng lớn nhất trong tháng 3 vừa qua, khoảng 8.000 tỷ đồng, trong khi tháng 1 và 2 trước đó bán ròng hơn 4.700 tỷ đồng. Nguyên nhân là do tỷ giá biến động mạnh, thị trường chứng khoán ở nhiều nước phát triển có diễn biến tích cực. Bên cạnh đó, xu hướng đảo chiều chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng trên thế giới có thể diễn ra trong giai đoạn cuối năm 2024 khiến nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thay đổi chiến lược phân bổ vốn đầu tư.
Trong khi đó, dòng tiền nhà đầu tư nội duy trì tốt ở nhiều cổ phiếu cơ bản thuộc nhóm ngành tài chính, hóa chất, công nghệ - viễn thông, dầu khí, bất động sản, bất động sản công nghiệp. Đây là tín hiệu tốt, thể hiện niềm tin, sự tin tưởng vào triển vọng vĩ mô năm nay của các nhà đầu tư.
Ông đánh giá như thế nào về chiến thuật “lướt sóng” mà nhiều nhà đầu tư lựa chọn, liệu có phù hợp với giai đoạn này?
Năm 2024, xu hướng chủ đạo của thị trường chứng khoán nhiều khả năng là tăng điểm. Tuy nhiên, tại các khu vực kháng cự mạnh như 1.280 điểm hay 1.300 điểm, thị trường không dễ dàng vượt qua, mà dự kiến sẽ có các nhịp “rung lắc”, biến động lớn về chỉ số chung, bao gồm các phiên tăng/giảm đan xen đi kèm diễn biến phân hóa của các nhóm ngành, nhóm cổ phiếu.
Giai đoạn này, nhà đầu tư nên rà soát danh mục để tái cơ cấu, co gọn danh mục cho phù hợp hơn. Trong đó, chốt lời cổ phiếu nhưng vẫn giữ lại các cổ phiếu tiềm năng. Nghĩa là, không có một công thức phù hợp với mọi nhà đầu tư. Sự linh hoạt để ứng biến với thị trường là cần thiết. Tùy từng mã cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể đưa ra chiến lược nắm giữ dài hạn hay tranh thủ lướt sóng.
Thực tế, nhiều nhà đầu tư có chiến lược giao dịch linh hoạt, vừa nắm giữ trong một khoảng thời gian, vừa giao dịch ngắn hạn, chốt lời một số cổ phiếu đạt mức lợi nhuận mục tiêu và đợi mua vào ở các phiên thị trường điều chỉnh.
Trong góc nhìn của ông, các nhóm ngành nào có khả năng tăng trưởng cao trong năm 2024?
Trong năm nay, một số nhóm ngành có thể ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan và giá cổ phiếu có mức tăng tốt bao gồm tài chính - chứng khoán, hóa chất, thép, dầu khí, bất động sản công nghiệp, công nghệ - viễn thông.