Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đối tượng xóa nợ thuế hiện hành còn khá hẹp và chưa phản ánh được thực tế khách quan về những trường hợp nợ xấu, khó có khả năng thu hồi, nhất là các khoản nợ tồn đọng phát sinh trong thời gian dài, trong đó nhiều trường hợp nợ thuế do nguyên nhân khách quan về biến động thị trường và khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2009 - 2013.
Nguyên nhân dẫn đến nợ thuế trong thời gian vừa qua, theo ông Dũng, là sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số lượng doanh nghiệp còn nợ thuế tự giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh ngày càng tăng; nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ không có khả năng nộp thuế đúng hạn...
“Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp đã rất nỗ lực để nộp tiền thuế phát sinh, khó có khả năng nộp tiền phạt chậm nộp, nhất là trường hợp gặp khó khăn bất khả kháng”, ông Dũng nói và nhấn mạnh, có trường hợp tiền phạt chậm nộp lớn hơn tiền thuế, nếu không có giải pháp và cơ chế xử lý phù hợp thì số tiền thuế nợ và tiền phạt chậm nộp không thu được ngày càng tăng lên, gây áp lực cho người nộp thuế và cả cơ quan thuế.
Để giải quyết dứt điểm các khoản nợ tồn tại cũ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính một lần nữa đề nghị xóa tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp thuế.
Theo Dự thảo nêu trên, ngân sách nhà nước sẽ xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh từ ngày 1/7/2007 đến 1/7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2015.
Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc danh sách cổ phần hóa, giao, bán, sáp nhập, sắp xếp lại có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế của DNNN tại thời điểm thực hiện chuyển đổi cũng được xóa.
Đối tượng được xóa ngoài DNNN đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh từ ngày 1/7/2007, chỉ bao gồm doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn có nguồn từ ngân sách nhà nước, nhưng chưa được thanh toán và doanh nghiệp bị đối tác phá bỏ hợp đồng kinh tế, hoặc thực hiện không đúng hợp đồng kinh tế dẫn đến phát sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp.
Bày tỏ quan điểm nhất trí về xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp thuế, tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh từ ngày 1/7/2007 đến 1/7/2013, nhưng ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc xóa nợ thuế không nên đưa vào trong luật vì thời điểm xóa nợ có thời hạn, trong khi luật phải bảo đảm ổn định lâu dài. Chỉ cần ban hành bằng một nghị quyết của Quốc hội hoặc quy định thành một điều, khoản trong Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Cũng đồng tình với đề nghị xóa tiền chậm nộp, phạt chậm nộp cho một số đối tượng, song ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế vẫn băn khoăn vì cho rằng, nếu đối tượng xóa nợ thuế quá rộng sẽ dẫn tới thiếu công bằng giữa các doanh nghiệp.
“Đối với doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, chấp hành đầy đủ các chính sách thuế, nhưng không may gặp khó khăn bất khả kháng dẫn đến nợ thuế thì có thể xóa tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, còn đối với các trường hợp khác thì cần phải nghiên cứu lại”, ông Giàu lưu ý.