Nâng cao trách nhiệm chủ đầu tư dự án công trình
Tùy vào tình hình diễn biến của dịch Covid-19, Đồng Tháp phân vùng để có biện pháp chủ động và linh hoạt trong triển khai dự án.
Đối với khu vực có mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ), phải tạm dừng thi công đối với tất cả công trình, trừ các công trình sử dụng cho mục đích phòng, chống dịch.
Khu vực có mức nguy cơ cao (vùng cam), các công trình phải được cấp thẩm quyền cho phép tổ chức thi công và phải thực hiện nghiêm nguyên tắc “3 tại chỗ”: Sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ theo quy định.
Khu vực có mức nguy cơ (vùng vàng), các công trình phải được cấp thẩm quyền cho phép tổ chức thi công xây dựng và phải thực hiện nghiêm nguyên tắc “2 tại chỗ”: Ăn uống, làm việc tại chỗ và kết hợp “1 cung đường, 2 điểm đến” hoặc người lao động phải có xác nhận kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2 (Test nhanh/RT-PCR) trong vòng 72 giờ và phù hợp với quy định của địa phương nơi xây dựng công trình trước khi vào làm việc. Riêng Khu vực bình thường mới (vùng xanh), mọi hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Theo ghi nhận từ cơ quan chức năng, trong thời gian giãn cách xã hội, rất nhiều công việc của Dự án vẫn có thể triển khai thực hiện, như: Công tác chuẩn bị đầu tư, từ giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi đến bước lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng, đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục, hồ sơ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất bằng nhiều hình thức; tăng cường tổ chức đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khi lập Hồ sơ mời thầu; đẩy mạnh xử lý công việc, hồ sơ bằng hình thức trực tuyến cũng như họp trao đổi thông tin; chủ động chuẩn bị sẵn các hồ sơ của Dự án.
Một số hạng mục cần ít nhân công, sử dụng nhiều máy móc thiết bị như: San lấp mặt bằng, thi công nền đường công trình giao thông, các công trình đê kè... đều có thể đẩy nhanh tiến độ thi công.
Theo ông Trần Trí Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Trong hoàn cảnh bình thường hay trong giai đoạn giãn cách, bên cạnh sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp, thì vai trò người đứng đầu của chủ đầu tư rất quan trọng, nhất trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình, dự án đầu tư công.
Theo đó, chủ đầu tư phải chủ động trước các công việc, dự đoán trước các tình huống và linh hoạt trong xử lý các vấn đề để giải quyết các vướng mắc sớm nhất, đồng thời cần có cách làm hay, đổi mới tư duy và cách quản lý trong kiểm tra, theo dõi việc triển khai thực hiện, không đi theo lối mòn, có sự chỉ đạo, điều hành nhịp nhàng của nhiều mắt xích, sẽ là cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, thúc đẩy giải ngân vốn, sớm hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Do đó, UBND Tỉnh yêu cầu người đứng đầu đơn vị phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, tập trung hơn trong chỉ đạo thực hiện công trình, dự án. Kết quả thực hiện vốn đầu tư công cũng là thước đo quan trọng để UBND Tỉnh đánh giá năng lực của chủ đầu tư trong thời gian tới..
Đồng thời để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trên địa bàn Tỉnh, UBND Tỉnh đã ban hành Công văn số 339/UBND-ĐTXD ngày 27/8/2021, trong đó yêu cầu các chủ đầu tư có giải pháp đẩy nhanh toàn diện tiến độ thực hiện và giải ngân vốn.
Lập tổ công tác hỗ trợ và giám sát chặt triển khai thi công các dự án
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa quyết định thành lập 2 tổ công tác về đầu tư công, do hai Phó Chủ tịch UBND Tỉnh làm tổ trưởng. Các Tổ công tác sẽ làm việc với các chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công về tình hình triển khai thực hiện vốn; về quy trình, thủ tục chuẩn bị đầu tư; đánh giá hiệu quả đầu tư; tổng hợp kế hoạch giải ngân vốn – tiến độ thi công theo từng thời điểm cụ thể của các Chủ đầu tư để hoàn thành theo kế hoạch. Tổng hợp các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình, dự án đầu tư công và các kiến nghị có liên quan của đơn vị chủ đầu tư, để kịp thời tháo gỡ; đồng thời chuẩn bị kế hoạch cho kế hoạch năm 2022 và các năm còn lại trong giai đoạn 2021 - 2025.
Từ các công việc trên sẽ góp phần xử lý kịp thời các điểm nghẽn trong thực hiện và giải ngân vốn, nhất là nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; hoàn thiện các quy trình thủ tục theo hướng đơn giản, thuận tiện, rút ngắn thời gian triển khai dự án đầu tư công và thực hiện giải ngân; “cắt bỏ” dự án mới hiệu quả thấp, dự án đầu tư không hiệu quả, dàn trải, manh mún, chia cắt; ưu tiên vốn đầu tư công vào ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các dự án hạ tầng trọng điểm, mang tính chất liên vùng, kết nối tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững của Tỉnh và vùng.
Dự kiến trong tháng 9 này, 2 Tổ công tác sẽ tiến hành làm việc với từng chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công lớn, giải ngân còn chậm để có sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời, sớm giải quyết các điểm nghẽn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của năm 2021, cũng như chuẩn bị tốt kế hoạch cho các năm tiếp theo.
Tổ công tác sẽ góp một phần vào việc giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công hiện nay, song kết quả thực hiện đầu tư công chung vẫn phụ thuộc chính vào sự nỗ lực của từng chủ đầu tư và các đơn vị thi công trong thời gian tới. Vì vậy, UBND Tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra định kỳ, theo dõi sát tình hình thực hiện của các chủ đầu tư để đôn đốc, chỉ đạo kịp thời.
Ngoài ra, UBND Tỉnh cũng vừa thống nhất danh mục các công trình được tổ chức thi công xây dựng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, đối với các công trình do UBND cấp huyện quyết định đầu tư và thuộc đối tượng nêu tại khoản 3 Công văn số 3373/BXD-GĐ ngày 23/8/2021 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng sẽ do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định cho tổ chức, thi công xây dựng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. UBND Tỉnh giao các đơn vị phải khẩn trương tổ chức thi công xây dựng các công trình được thi công trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Ước giải ngân đến ngày 30/9/2021, Đồng Tháp đạt 39,52% so với kế hoạch đã phân bổ, cao hơn 5,42% so với cùng kỳ (năm 2020, đạt 34,1%) và dưới 60% theo Nghị quyết số 63/NQ-CP.
Bao gồm: ước giải ngân vốn ngân sách Trung ương đạt 48,32%; ước giải ngân vốn ngân sách địa phương đạt 35,29%. Với quyết tâm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu giải ngân kế hoạch năm 2021 đạt từ 95% trở lên.