Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp và Quản lý 2 Sàn Postmart.vn và Voso.vn bàn giải pháp cung ứng hàng hóa thiết
Thực hiện Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT và Quyết định số 1035/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, về phê duyệt Kế hoạch Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo vận chuyển cung ứng hàng hóa thiết yếu của doanh nghiệp bưu chính lớn, Đồng Tháp là một trong những tỉnh trong vùng ĐBSCL tiên phong trong lĩnh vực này, trong điều kiện dịch bệnh đang ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản của vùng.
Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp cho biết: thực hiện theo chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông về đưa hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử, UBND Tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện. Trên cơ sở đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng kế hoạch phối hợp chi tiết về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản với nhiều giải pháp.
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, ban hành Kế hoạch Hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, phân công nhiệm vụ chi tiết, rõ ràng, gồm: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND các huyện, thành phố đồng hành cùng với 2 sàn thương mại điện tử Postmart và Voso.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông Tỉnh còn phối hợp với các huyện, thành phố trong việc tổng hợp thông tin về các mặt hàng nông sản, thủy sản trên địa bàn quản lý với sản lượng, thời gian thu hoạch, khung giá, đầu mối liên hệ… đồng thời cung cấp thông tin các sản phẩm đang vào mùa vụ cần đẩy mạnh tiêu thụ để 2 Sàn nắm thông tin.
Cung ứng hàng hóa thiết yếu trên Postmart |
Sở đã phối hợp với các huyện, thành phố lập danh sách các hộ sản xuất nông nghiệp (bao gồm hộ sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác và hội quán) đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử (TMĐT). Dự kiến trong tháng 8/2021, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với địa phương và 2 Sàn tổ chức hội nghị trực tuyến trao đổi, hướng dẫn đào tạo, tập huấn kỹ năng số, đăng ký tài khoản cho các hộ sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, căn cứ kế hoạch của Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel đã xây dựng Kế hoạch triển khai chi tiết của đơn vị trên địa bàn Tỉnh, đặt ra chỉ tiêu phấn đấu của từng đơn vị, chính sách hỗ trợ, đào tạo cho hộ sản xuất nông nghiệp…
Hiện tổng sản lượng hỗ trợ tiêu thụ đến ngày 12/8/2021 là 168 tấn. Trong đó: nhãn (80 tấn), khoai (73 tấn), mít (06 tấn), chanh (04 tấn), cam - quýt (05 tấn). Hiện tại, số hộ tham gia sàn TMĐT là 153 hộ (trong đó, Voso: 83, Postmart: 70).
Điển hình, Bưu điện tỉnh Đồng Tháp đã triển khai 24 điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu, cung cấp 69 sản phẩm. Đặc biệt, Viettel triển khai Mô hình đi chợ hộ mùa dịch (http://dongthap.voso.vn) đạt hiệu quả cao, hàng hóa đa dạng, thực phẩm tươi sống, giá cả hợp lý, giao hàng tận nhà, triển khai từ 03/8/202, đến nay đã cung cấp trên 60 sản phẩm.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần BAMBOOSHIP tại Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Dịch vụ Giao hàng nhanh - Chi nhánh Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Hai Bốn Bảy Chi nhánh Đồng Tháp hợp tác lập 02 điểm tập kết hàng hóa; Công ty BEST EXPRESS Cao Lãnh với hàng chục điểm tập kết hàng hóa thiết yếu rải khắp địa bàn, cùng tham gia vận chuyển hàng hóa thiết yếu trên phạm vị toàn Tỉnh.
Theo bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy, mục tiêu đến cuối năm nay, Đồng Tháp sẽ tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản, cung ứng hàng thiết yếu để thực hiện mục tiêu kép, bao gồm:
Phấn đấu hỗ trợ ít nhất 200 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn TMĐT. Trong đó, 100% hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo, tập huấn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT; 95% hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản bán hàng/gian hàng trên sàn TMĐT; 80% hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử; 90% hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo, tập huấn hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói – kết nối – giao nhận để hộ sản xuất nông nghiệp tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT.
Có ít nhất 6 loại nông sản của Tỉnh (nhãn, khoai, mít, xoài, chanh, cam – quýt…) được quảng bá, giới thiệu trên sàn TMĐT và các kênh phân phối của doanh nghiệp bưu chính sở hữu sàn. Phấn đấu 15% sản lượng được tiêu thụ qua sàn TMĐT đối với loại nông sản trong cao điểm thu hoạch của Tỉnh. Hỗ trợ ít nhất 50 sản phẩm/hộ sản xuất nông nghiệp được gắn mác thương hiệu và có công cụ truy xuất nguồn gốc trên sàn TMĐT.
Cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân với tần suất cập nhật phù hợp được cung cấp qua sàn TMĐT/Apps di động đến các hộ sản xuất nông nghiệp.
Cung cấp ít nhất 50 loại sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào trên sàn TMĐT có thương hiệu, đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhu cầu của hộ sản xuất nông nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hỗ trợ người sản xuất trong phòng chống dịch.