Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Đồng Tháp đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2024, tỉnh sẽ tận dụng tốt thời cơ, cùng với các giải pháp hiệu quả, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 8%.

Trải qua năm 2023 đầy biến động và thử thách, nhưng kinh tế Đồng Tháp vẫn tăng trưởng ổn định và có nhiều tín hiệu khả quan. Ông có thể nêu một số kết quả nổi bật trong năm qua?

Có thể nói, năm 2023 nhiều biến động và thử thách, nhưng cũng là năm gặt hái nhiều kết quả của tỉnh Đồng Tháp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì mức khá cao trên các lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Các chương trình, đề án lớn của tỉnh đều đạt kết quả tốt, bảo đảm tiến độ thực hiện, 5 mũi đột phá chiến lược đạt kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, quy mô kinh tế được nâng cao, đạt mốc trên 110.000 tỷ đồng, xếp thứ 6 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). GRDP bình quân đầu người vượt kế hoạch đề ra.

Trên từng lĩnh vực ghi nhận sự thích ứng, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành và đổi mới, sáng tạo. Giá trị tăng thêm của khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,95%, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 (kế hoạch đề ra là tăng trưởng 3,7%). Các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ngày càng đa dạng về mẫu mã, bao bì và nâng cao về chất lượng. Lũy kế đến năm 2023, Đồng Tháp có 453 sản phẩm OCOP (366 sản phẩm 3 sao, 86 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao).

Ngành công nghiệp phục hồi và phát triển khá tốt với động lực chính là công nghiệp chế biến, tốc độ tăng trưởng ước đạt 6,34%. Hầu hết sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất ổn định và tăng trưởng so với năm 2022, trong đó thủy sản chế biến tăng 8,52%; gạo xay xát, lau bóng tăng 35,28%. Cùng với thương mại - dịch vụ tiếp tục sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2023 tăng 13,63% so với năm 2022.

Du lịch Đồng Tháp không chỉ tạo được dấu ấn đột phá, mà còn phát triển thêm nhiều điểm du lịch đặc trưng, cùng với phát huy những lợi thế như tổ chức sự kiện, nâng cấp các lễ hội, khôi phục các chợ quê... đã góp phần thu hút trên 4 triệu lượt khách du lịch (tăng trưởng gần 13,6%), với doanh thu đạt ngưỡng 1.900 tỷ đồng (tăng trưởng hơn 14%), gấp đôi doanh thu năm 2019 - là năm trước khi xảy ra Covid-19.

Nguyên nhân giúp Đồng Tháp tạo sự ổn định và đạt những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, vượt qua thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế là gì, thưa ông?

Với phương châm và khẩu hiệu đặt ra là “Kinh tế xanh bứt phá, chuyển đổi Đồng Tháp tiên phong”, UBND tỉnh phát huy vai trò kiến tạo phát triển và tạo được sự bứt phá trong nhiều lĩnh vực.

Theo đó, tỉnh tiếp tục duy trì tính tiên phong, đổi mới trong tư duy và phương thức thông qua nâng chất nhiều mô hình mới trong cách làm, điển hình về lĩnh vực cải cách hành chính; triển khai lần đầu tiên Mô hình lãnh đạo tỉnh gặp gỡ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố (tăng 10 bậc so với đầu nhiệm kỳ); Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index) xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố (tăng 9 bậc so với đánh giá trước); kích hoạt tài khoản định danh điện tử đạt 99,73%…

Công tác cải cách hành chính nổi bật với chuỗi thành tích 15 năm liên tục nằm trong nhóm có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp trong nhóm trung bình cao; Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) xếp trong nhóm tốt (nhóm B).

Kết quả tỷ lệ giải ngân đầu tư công do tỉnh phân bổ và quản lý tính đến ngày 31/12/2023 đạt 93,28%. Tỉnh đồng loạt triển khai các dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn I), Mỹ Thuận - Cần Thơ, Mỹ An - Cao Lãnh (giai đoạn I), nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ, tuyến tránh Quốc lộ 30 - TP. Cao Lãnh. Phương thức xúc tiến đầu tư được đổi mới, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Hợp tác thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Hội nghị giới thiệu các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản tại TP.HCM.

Tỉnh cũng tổ chức thành công các lễ hội gắn với văn hóa, con người, ngành nghề đặc trưng của Đồng Tháp, vừa phát huy văn hóa, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, tiêu biểu như Festival Hoa kiểng Sa Đéc, Lễ hội Quýt hồng Lai Vung lần 1, Lễ hội Xoài lần 1 và tổ chức, phục dựng thực cảnh tái hiện “Chợ ma Định Yên - Lấp Vò - Đồng Tháp”...

Thưa ông, Đồng Tháp đề ra những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nào để đưa kinh tế tăng trưởng cao trong năm 2024?

Đồng Tháp phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 8%, cả giai đoạn 2021 - 2025 đạt 7,5%. Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Đồng Tháp năm 2024, đề ra kịch bản tăng trưởng với các giải pháp:

Một là, triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và kế hoạch phát triển từng ngành hàng chủ lực; xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu. Tập trung thực hiện các giải pháp đột phá về phát triển thị trường - thu hút đầu tư, nâng giá trị sản xuất nông sản, nhất là giá trị lúa, gạo, phát huy giá trị tăng trưởng hoa kiểng, thủy sản, cây ăn trái, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp.

Hai là, phát huy vai trò công nghiệp chế biến chế tạo, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, theo đó sản lượng các mặt hàng công nghiệp chính phấn đấu gia tăng từ 9% đến 10%.

Ba là, tập trung rút ngắn thời gian hoàn thành các công trình trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm sớm tăng tối đa nguồn cung cấp cát san lấp, đất đắp công trình để phục vụ cho công trình đầu tư công xây dựng trên địa bàn.

Bốn là, tăng cường huy động nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; công trình dân sinh, phúc lợi xã hội… Công bố và triển khai Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Năm là, cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phấn đấu xếp trong “nhóm B” cả nước về Chỉ số PAR Index; nhóm “trung bình - cao” cả nước về Chỉ số PAPI; Chỉ số DTI, Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính) của tỉnh xếp trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm số cao của cả nước.

Sáu là, đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực, chú trọng công tác hỗ trợ người lao động, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo. Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở, với khẩu hiệu: “Chính quyền kiến tạo, công dân số. Kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh”.

Tin bài liên quan