Thay đổi nhân sự cấp cao
Hội đồng quản trị EME vừa miễn nhiệm chức vụ Giám đốc đối với ông Đặng Minh Đại. Ông Đại sẽ thực hiện bàn giao công việc đến hết ngày 15/3/2019.
Ông Đặng Minh Đại sinh năm 1979, giữ vị trí Giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị EME từ tháng 5/2016. Trước đó, ông Đại giữ vị trí quản lý cấp cao tại Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Điện lực TP.HCM (HTE) và từ nhiệm vào tháng 12/2018.
Hội đồng quản trị EME chưa quyết định cá nhân nào ngồi vào vị trí Giám đốc thay ông Đại, như vậy, Công ty đang bỏ trống vị trí thủ lĩnh Ban giám đốc.
Ông Đại được Hội đồng quản trị EME giao tham gia, chịu trách nhiệm chính về công tác xây lắp của doanh nghiệp kể từ ngày 1/3/2019 và hưởng lương tương đương chức vụ Phó giám đốc Công ty phụ trách xây lắp.
Cùng với quyết định này, Hội đồng quản trị EME bổ nhiệm ông Trần Đình Khôi, sinh năm 1976 làm Phó giám đốc Phụ trách kinh doanh từ 1/3/2019. Trước đó, cuối tháng 12/2018, Công ty miễn nhiệm một Phó giám đốc là ông Phạm Hoài Phương.
Chủ tịch Hội đồng quản trị EME là ông Trần Ngọc Thạch. Ông Thạch còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (HTE) - doanh nghiệp từng là cổ đông lớn của EME, với tỷ lệ sở hữu 13,23%.
Tù mù kết quả kinh doanh 2018
EME có vốn điều lệ hơn 37,8 tỷ đồng, tương ứng có hơn 3,78 triệu cổ phiếu. Giai đoạn 2016 - 2017, khi ông Đặng Minh Đại giữ vị trí cao nhất trong Ban tổng giám đốc EME, kết quả kinh doanh của Công ty biến động mạnh.
Năm 2016, doanh thu của EME đạt 103,6 tỷ đồng, giảm hơn 33%; lợi nhuận sau thuế đạt 1,8 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với năm 2015.
Năm 2017, EME đạt doanh thu 119,3 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016. Tuy vậy, doanh thu không đủ bù đắp cho giá vốn khiến Công ty lỗ gộp 5,3 tỷ đồng. Dù tiết giảm chi phí như chi phí quản lý doanh nghiệp, EME vẫn lỗ thuần 16,9 tỷ đồng.
kết quả kinh doanh giai đoạn 2014 - 2017 của EME.
Tuy nhiên, trong năm 2017, EME ghi nhận khoản lợi nhuận khác lên tới 61,7 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc thanh lý tài sản cố định là chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn lại (30 năm) tại Khu công nghiệp Tân Bình. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế đạt 35,6 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần năm 2016 và đây là năm có lợi nhuận cao nhất của EME. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế 2017 chưa hoàn thành kế hoạch mà Công ty đặt ra là 56,2 tỷ đồng.
Mảng hoạt động xây lắp điện, nguyên Giám đốc Đặng Minh Đại vừa được phân công chịu trách nhiệm, là lĩnh vực hoạt động chính của EME. Theo cơ cấu doanh thu, đây là mảng lỗ gộp duy nhất trong năm 2017. Về cơ bản, hầu hết lợi nhuận gộp các mảng hoạt động của EME đều giảm.
Diễn biến giá cổ phiếu eme trong 1 năm qua.
EME đến nay chưa công bố báo cáo tài chính năm 2018 và Công ty không thực hiện công bố báo cáo hàng quý (EME đăng ký giao dịch trên UPCoM nên không phải công bố báo cáo hàng quý) nên kết quả kinh doanh trong năm qua vẫn đang là một dấu hỏi. Các thông tin hoạt động khác cũng không được EME cập nhật thường xuyên, ngay cả trên website của doanh nghiệp. Năm 2018, EME đặt kế hoạch doanh thu 151,1 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6,4 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức dự kiến 12% (năm 2017 trả 20%).
Cơ cấu cổ đông lớn thay đổi
EME đăng ký giao dịch gần 3,8 triệu cổ phiếu trên UPCoM. Cổ phiếu EME lên sàn từ cuối tháng 7/2017, được giao dịch quanh mức 20.000 đồng/cổ phiếu và cho đến tháng 4/2018, cổ phiếu này bắt đầu một chuỗi tăng giá mạnh lên tới 54.000 đồng/cổ phiếu.
Giai đoạn tháng 4 - 6/2018, giao dịch cổ phiếu EME diễn ra sôi động nhất, một số phiên thanh khoản tăng vọt, có phiên khớp lệnh hơn 590.000 đơn vị. Sau đó, cho đến giữa tháng 1/2019, giá cổ phiếu EME trồi sụt liên tục, có lúc rơi xuống dưới 15.000 đồng/cổ phiếu, có lúc lại tăng dựng đứng, vượt qua đỉnh cũ.
Trong một số phiên giao dịch đầu năm 2019, giá cổ phiếu EME rơi từ mức 70.000 đồng/cổ phiếu xuống 59.500 đồng/cổ phiếu và duy trì từ đó đến nay vì giá mua - bán không gặp nhau.
Phiên 11/3/2019, chỉ có 900 cổ phiếu EME được chào bán với giá 50.000 đồng/cổ phiếu, trong khi bên mua chỉ có 100 cổ phiếu được đặt mua với giá 36.000 đồng/cổ phiếu.
Cơ cấu cổ đông của EME thay đổi nhiều trong năm 2018, với không ít cổ đông mới tham gia và cổ đông cũ thoái vốn, trong đó Công ty cổ phần Siêu Thanh thoái toàn bộ vốn giai đoạn cổ phiếu EME tăng nóng. Hiện tại, cổ đông nhà nước là Tổng công ty Điện lực TP.HCM đang sở hữu hơn 1 triệu cổ phần, tương đương 28,26% vốn điều lệ và là cổ đông lớn nhất của EME. Ngoài ra, 2 tổ chức khác là Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Tư vấn đầu tư Sài Gòn 3 và Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công sở hữu lần lượt 13,23% và 11,64%.
Đáng chú ý, một nhà đầu tư cá nhân là bà Phạm Thị Hồng mới đây thông qua giao dịch thỏa thuận đã chi hơn 16,6 tỷ đồng để sở hữu 7,06% EME. Như vậy, bà Hồng chấp nhận mua với mức giá 62.504 đồng cho mỗi cổ phiếu EME.
Ngành điện được nhiều chuyên gia đánh giá có triển vọng tích cực trong năm 2019, nhưng sự phân hóa sẽ diễn ra rõ nét. Việc EME có tận dụng được những yếu tố tích cực của thị trường để phát triển hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào chiến lược của Ban lãnh đạo mới. Ngoài ra, thị trường cũng mong chờ sự chủ động trong việc công bố thông tin của EME nhằm góp phần "phá băng" thanh khoản cho cổ phiếu.
Thực tế, doanh nghiệp lơ là công bố thông tin khiến nhà đầu tư không có cơ sở để định giá cổ phiếu, dẫn tới cổ phiếu kém thanh khoản. Ngược lại, thanh khoản cổ phiếu kém càng khiến nhà đầu tư ít quan tâm. Thống kê phiên giao dịch 11/3/2019 cho thấy, trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam có 799 cổ phiếu không có giao dịch, chiếm 48,3% tổng số cổ phiếu, tập trung vào sàn UPCoM.
Nhiều mã cổ phiếu "đóng băng" thanh khoản trong một thời gian dài tương tự EME như ACS của Công ty cổ phần Xây lắp thương mại 2, AMP của Công ty cổ phần Armephaco, B82 của Công ty cổ phần 482...