Đồng Rúp Nga tiếp tục mất giá kỷ lục

(ĐTCK) Đồng Rúp Nga đã giảm xuống mức kỷ lục so với đồng USD trong ngày hôm qua, ngày giảm thứ 6 liên tiếp, khi xung đột giữa quân đội Ukraine và các phần tử nổi dậy thân Nga tiếp diễn, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn gần đây.
Đồng Rúp Nga tiếp tục mất giá kỷ lục

Mỹ và EU đã áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga trong tuần qua, liên quan đến sự hỗ trợ về quân sự không công khai nhưng trực tiếp và mang tính quyết định đối với lực lượng ly khai ở Ukraine. Tuy nhiên, nhiều người đã hy vọng rằng, thỏa thuận ngừng bắn sau đó sẽ giúp căng thẳng dịu xuống.

Nhưng giao tranh vẫn xảy ra ở khu vực Đông Ukraine và Nga đã cử một “đoàn xe viện trợ” khác mà các quan chức phương Tây ngờ rằng, chúng có lẽ được sử dụng để tái cung cấp cho quân ly khai.

Đồng Rúp đã giảm 1,2% xuống còn 38,24 RUB/USD vào giữa giờ chiều qua, phản ánh việc mở rộng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào lĩnh vực năng lượng, dịch vụ tài chính và quốc phòng của Nga. Đồng Rúp cũng giảm 0,9% so với đồng euro xuống còn 49,4330 RUB/EUR.

Giới giao dịch cho biết, đang có tình trạng đông cứng về thanh khoản đồng USD, khiến chi phí các hợp đồng hoán đổi tiền tệ 5 năm tăng lên 200 điểm cơ bản - người nắm giữ đồng Rúp phải trả để đổi sang USD.

Mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây đang là lo lắng lớn nhất của các nhà đầu tư, nhưng việc đồng Rúp mất giá càng trở nên tệ hại hơn bởi giá cả hàng hóa suy giảm.

“Hiện tại, với sự mù mịt trong cái nhìn của các nhà đầu tư về tương lai của cuộc khủng hoảng hiện tại, và việc đồng Rúp vẫn mất giá gần 3%, bất chấp Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) can thiệp hỗ trợ đồng tiền này, các thị trường đang khó khăn để tìm thấy lối ra”, Tom Levinson, Chiến lực gia của Sberbank nói.

CBR đã nâng lãi suất và bán ra đồng USD để hạn chế đà trượt giảm của đồng Rúp hồi đầu năm, nhưng cơ quan này đã thu lại biện pháp hỗ trợ này. Ngân hàng đang kiên trì với cam kết ban đầu là cho phép thả nổi đồng Rúp vào năm 2015, để qua đó có thể kiểm soát lạm phát hiệu quả hơn.

CBR đã không can thiệp vào thị trường tiền tệ kể từ tháng 5 và trong tháng trước, Ngân hàng đã đơn giản hóa chính sách can thiệp của mình, đồng thời mở rộng biên độ giao dịch của đồng Rúp với một rổ gồm hai đồng euro và USD.

Tuy nhiên, theo ông Levinson, đồng Rúp lẽ ra đã chạm mức chặn dưới của biên độ giao dịch này nếu đồng euro không giảm giá mạnh trong những tháng gần đây. Sự mất giá của đồng Rúp so với đồng USD là tồi tệ nhất trong số các đồng tiền chính trong năm nay, chỉ sau đồng peso của Argentina.

“Tôi nghĩ là về lâu dài, mặc dù tăng trưởng kinh tế yếu, Ngân hàng Trung ương không hề ảo tưởng rằng đồng Rúp nên yếu hơn, thậm chí so với mức trượt giá hiện nay”, Tim Ash, nhà kinh tế ở Standard Bank, bình luận về quyết định tăng lãi suất của CBR. “Tuy nhiên, đồng Rúp vẫn sẽ tiếp tục xu hướng mất giá, như là nó phải như vậy”.

Tin bài liên quan