Đồng rúp Nga phục hồi nhẹ sau khi chạm đáy 16 tháng

Đồng rúp Nga phục hồi nhẹ sau khi chạm đáy 16 tháng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đồng Rúp của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022 sau đó bật tăng trở lại khi ngân hàng trung ương nước này công bố sẽ có một cuộc họp chính sách bất thường vào ngày 15/8. 

Đồng rúp được giao dịch cao hơn 0,8%, ở mức 98,5 rúp/1 USD, và 107 rúp/1 euro vào lúc 5h44 chiều giờ Moskva (Nga). Trước đó, đồng rúp lần lượt chạm mức thấp nhất trong 16 tháng qua là 101 rúp/1 USD và 111 rúp/1 euro, mất gần 30% so với đồng đô la Mỹ.

Sự phục hồi của đồng tiền này diễn ra sau thông báo của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), rằng họ đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về lãi suất vào ngày 15/8 và cam kết sẽ đưa ra một tuyên bố sau đó.

CBR đã lên kế hoạch về cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 15/9. Trước đó, CBR đã giữ lãi suất không đổi kể từ tháng 10 năm ngoái cho đến tháng trước thì Ngân hàng trung ương Nga mới tăng lãi suất cơ bản thêm một điểm phần trăm lên 8,5% với lý do lạm phát tăng cao.

CBR ngày 14/8 khẳng định rằng, sự mất giá của đồng rúp không gây rủi ro cho sự ổn định tài chính của Nga. Trong khi đó, cố vấn kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin, Maksim Oreshkin cho biết, ông hy vọng đồng tiền của Nga sẽ ổn định.

“Tỷ giá hối đoái hiện tại đã chệch hướng đáng kể và sẽ cần có sự điều chỉnh trong tương lai gần. Đồng rúp yếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập thực sự của người dân và việc đồng rúp mạnh là lợi ích của nền kinh tế Nga”, ông Oreshkin nói và cho rằng lý do chính dẫn đến việc đồng rúp suy yếu là do chính sách nới lỏng tiền tệ.

Còn Ngân hàng Trung ương Nga thì lý giải tình trạng đồng rúp giảm mạnh trong năm nay là do cán cân thương mại của Nga thu hẹp. Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đã giảm 85% so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn 7 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng sự suy yếu của đồng rúp là do tăng chi tiêu quốc phòng dẫn đến nhập khẩu tăng và xuất khẩu giảm, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Nhập khẩu nhiều hơn và xuất khẩu ít hơn đồng nghĩa thặng dư thương mại nhỏ hơn, thường ảnh hưởng đến đồng tiền của một quốc gia.

Để hãm đà giảm của đồng tiền, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ sẽ ngừng mua ngoại tệ trên thị trường nội địa cho đến cuối năm nay nhằm cố gắng hỗ trợ đồng rúp và giảm biến động tỷ giá.

Trong khi đó, thị trường giao dịch tiền tệ của Nga tiếp tục quay lưng lại với đồng USD và đồng euro để hướng tới đồng tiền của các quốc gia thân thiện, hoặc những quốc gia chưa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Chẳng hạn, tỷ trọng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trên thị trường đã tăng từ 39,8% trong tháng 6 lên 44,0% trong tháng 7 - mức cao kỷ lục mới đối với Nga. Trong khi đó, tỷ trọng của đồng euro và đồng USD đã giảm từ 58,8% trong tháng 6 xuống còn 54,4% vào tháng 7.

Tin bài liên quan