Biện pháp trừng phạt lần này là gì?
Ngày 5/8, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra thông báo, các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 26/8.
"Nguyên nhân dẫn đến việc Mỹ áp gói trừng phạt thứ hai đối với Nga là do vụ án Skripal”, tờ Politico dẫn lời từ Nhà Trắng.
Theo Washington, Moscow "đã không cung cấp các bảo lãnh theo luật pháp Mỹ". Đây là luật về “Kiểm soát vũ khí hóa học và sinh học”, được áp dụng liên quan đến vụ việc Skripal. Gói biện pháp trừng phạt đầu tiên có hiệu lực vào tháng 8 năm ngoái và kể từ đó, Nghị viện liên tục thúc đẩy tổng thống Trump thực hiện bước tiếp theo.
Gói trừng phạt thứ hai đưa ra 6 phương án, trong đó có hạn chế khả năng vay của Nga từ các ngân hàng Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu; cấm các chuyến bay đến Mỹ của các hãng hàng không quốc gia Nga (điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Aeroflot).
Tại sao đồng RUB rớt giá?
Vẫn chưa có gì rõ ràng về phương án lựa chọn của Tổng thống Trump, nhưng tin tức về những hạn chế sắp xảy ra là đủ để đồng tiền của Nga giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng qua xuống mức 65,55 RUB/USD trong ngày 5/8, trước khi hồi nhẹ trở lại mức 65,22 RUB/USD trong ngày 6/8.
Vào ngày 4/3/2018, Sergei Skripal, cựu sĩ quan tình báo Nga kiêm điệp viên hai mang và con gái của ông, Yulia, đến thăm ông từ Moskva, bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok ở Salisbury, Anh, nơi ông sinh sống.
Ngày 14/3/2018, Chính phủ Anh chính thức cáo buộc nhà nước Nga chịu trách nhiệm cho vụ đầu độc và vi phạm “Công ước cấm vũ khí hóa học”. Phía Nga đã bác bỏ và cho rằng ngộ độc là một sự khiêu khích và họ là nạn nhân của một âm mưu.
Theo các nhà phân tích, việc đồng RUB rớt giá không hẳn chỉ so lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào Nga, mà còn đến từ các nguyên nhân khác.
Họ cho rằng, yếu tố chính làm đồng RUB rớt giá là do giá dầu giảm. Theo đó, vào ngày 1/8, giá dầu thô Brent đã giảm 7% còn 61 USD/thùng.
Một lý do nữa được đưa ra là giá vàng tăng mạnh do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang và việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ cũng góp phần khiến đồng RUB mất giá.
“Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đã gây thêm áp lực cho đồng RUB. Cơ quan này đã hạ lãi suất chủ chốt, nhưng thị trường không nhận được tín hiệu sẵn sàng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Do đó, các nhà đầu tư bắt đầu bán tháo tài sản rủi ro, điều này giúp củng cố đồng USD và làm suy yếu đồng RUB”, ông Tatyana Evdokimova, nhà kinh tế tại Ngân hàng Nordea cho biết.
Tương lai nào cho đồng RUB?
Mặc dù các lệnh trừng phạt và tác động từ các yếu tốc khác khiến đồng RUB lung lay, nhưng theo các chuyên gia, Nga có đủ cơ chế để ổn định.
Nếu tình hình leo thang, Bộ Tài chính Nga sẽ tạm dừng mua tiền theo quy định ngân sách (như vào tháng 8 năm ngoái), giảm thiểu tiêu cực từ các lệnh trừng phạt và hỗ trợ đồng RUB.
“Nhưng các biện pháp cực đoan như vậy là không thể cần thiết. Các chỉ số cơ bản tốt sẽ giữ đồng RUB không giảm mạnh như lạm phát, cán cân thanh toán và quy tắc ngân sách. Dựa trên các thông số này, tỷ giá hợp lý là 64 - 65 RUB/USD, nhưng có tính đến doanh số bán hàng trên thị trường OFZ, có thể thấy tỷ giá sẽ đạt mức 66-67 RUB/USD trong tương lai gần", Timur Nigmatullin, Giám đốc danh mục đầu tư của Otkritie Broker tin tưởng.
“Rủi ro do các lệnh trừng phạt ngày càng tăng và đồng RUB sẽ không còn có thể nhanh chóng quay trở lại mức 63 RUB/USD. Lý do là nền tảng bên ngoài nghèo nàn và điều kiện tồi tệ dành cho toàn bộ thị trường mới nổi", ông Evdokimova nhấn mạnh.
Trong khi đó, Alexey Korenev, nhà phân tích từ Tập đoàn Finam, dự đoán: “Yếu tố chính nhất vẫn là giá dầu. Nếu giá dầu vẫn ở mức hiện tại, tận dụng cơ hội từ căng thẳng giữa Mỹ và Iran, thì đến cuối mùa Hè, đồng RUB khó có thể rời ngưỡng 63,20 - 64,80 RUB/USD”.