Sức mua của đồng VND vẫn liên tục giảm trên cả thị trường hàng hoá và thị trường ngoại tệ - Ảnh: Hoài Nam

Sức mua của đồng VND vẫn liên tục giảm trên cả thị trường hàng hoá và thị trường ngoại tệ - Ảnh: Hoài Nam

Đồng nội tệ và câu chuyện niềm tin

(ĐTCK-online) Câu chuyện lạm phát, tỷ giá trong vài năm trở lại đây luôn là chủ đề quan tâm của các giới, từ nhà quản lý, chuyên gia kinh tế cho đến dân thường. Gần đây, câu chuyện này lại được “hâm nóng” khi chỉ số lạm phát tháng 9 tăng đột biến, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, nhất là trên thị trường tự do.

Những dấu hiệu này thêm một lần dấy lên nỗi lo mất giá tiền đồng trong dân chúng. Hệ quả là chỉ số giá và tỷ giá kỳ vọng tăng lên, làm cho nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất trở nên khó khăn hơn và tăng trưởng kinh tế chịu thêm phần hệ lụy. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại khiến cho nhiều người tự hỏi, bao giờ mới hết nỗi lo mất giá tiền đồng?

Nhiều năm trở lại đây, nền kinh tế nước ta luôn bị “vướng” vào giữa mối quan hệ tăng trưởng và lạm phát. Chúng ta không thể từ bỏ tăng trưởng kinh tế (càng nhanh càng tốt) nếu không muốn bị tụt hậu. Nhưng tăng trưởng nhanh mà kèm theo lạm phát cao thì tăng trưởng đó trở nên vô nghĩa. Vì thế, trạng thái lý tưởng là tăng trưởng cao và lạm phát vừa phải, chẳng hạn, tăng trưởng từ 10% trở lên và lạm phát từ 5% trở xuống. Tuy nhiên, gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số lạm phát cứ như “dính” chặt vào nhau mà chưa ai tìm được cách “gỡ” chúng ra, theo đó, cứ “kéo” tốc độ tăng trưởng lên thì tỷ lệ lạm phát lại “bám” lên theo, còn khi muốn “ghìm” chỉ số giá xuống thì tốc độ tăng trưởng cũng chực xuống theo.

Cơ chế “dính” được phân tích như sau: Khi muốn tăng trưởng ở tốc độ cao hơn, ta thường “kéo” bằng cách mở rộng chính sách tài khóa và/hoặc nới lỏng chính sách tiền tệ. Cả hai đều làm gia tăng áp lực lạm phát do cầu kéo và/hoặc (đặc biệt) do tăng cung tiền. Ngược lại, khi lạm phát đang ở mức cao và chúng ta muốn “ghìm” nhanh xuống (cần phải nhanh vì lạm phát cao ảnh hưởng trực tiếp đến dân sinh, dễ gây bất ổn xã hội và nhất là rất dễ chuyển thành lạm phát phi mã, vượt khỏi tầm kiểm soát) thì biện pháp hữu hiệu nhất là thắt chặt tiền tệ, cắt giảm chi tiêu. Hành động này lập tức sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng lạm phát có dấu hiệu của lạm phát đình đốn, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng. Lý do là tình trạng lạm phát cao kinh niên đã dẫn đến kỳ vọng lạm phát cao, khiến cho lãi suất bị duy trì ở mức cao trong một thời gian dài và điều này làm suy yếu năng lực tài chính cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp (cả về giá cả và chất lượng sản phẩm), cũng có nghĩa là làm suy giảm tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa thêm một lần kêu gọi các thành viên đồng thuận và thực hiện hạ lãi suất, trước tiên là hạ lãi suất huy động (từ mức 11,2% hiện nay xuống không quá 11%), trên cơ sở đó, hạ lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, sự đồng thuận này không dễ dàng chuyển thành hành động thực tế bởi vẫn tồn tại sự canh tranh “ngầm” giữa các ngân hàng trong việc huy động tiền gửi, nhất là khi sự kỳ vọng lạm phát lại vừa được nhen lên bởi kết quả thống kê chỉ số giá tháng 9 (dù phần lớn mức tăng chỉ số giá này do việc tăng học phí giáo dục tạo nên), điều làm tăng lãi suất yêu cầu của người có ý định gửi tiền vào ngân hàng.

Cũng nan giải không kém là bài toán tỷ giá (USD/VND) và sự nan giải này có liên quan đến vấn đề lạm phát cao ở Việt Nam . Tỷ lệ lạm phát cao và cao hơn tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong thời gian dài khiến cho trên thực tế, đồng VND bị định giá cao hơn tương đối so với đồng USD.

Trong khi đó, thâm hụt thương mại lớn, liên tục trong nhiều năm làm thâm hụt cán cân thanh toán và “bào mòn” dự trữ ngoại tệ. Hệ quả của tình trạng này là áp lực tăng tỷ giá luôn thường trực.

Tuy nhiên, do lượng vay nợ nước ngoài lớn, chủ yếu là đồng USD và đồng JPY (đồng JPY đang tăng giá so với đồng USD), nên việc nới lỏng tỷ giá sẽ khiến số nợ tăng lên tương ứng.

Thêm nữa, hành động can thiệp tỷ giá (nếu có) của cơ quan điều hành cũng sẽ trở nên khó dự liệu kết quả bởi tình trạng “đô la hóa” cả trong hành vi thanh toán lẫn dự trữ, đặc biệt là dự trữ (hoặc găm giữ) của dân chúng và doanh nghiệp (với khối lượng lớn hơn cả dự trữ của Nhà nước).

Có thể, vì bối cảnh đó mà Ngân hàng Nhà nước đã chọn giải pháp điều chỉnh tỷ giá dần dần. Nhưng như vậy thì kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá của công chúng càng có lý do để xuất hiện và tồn tại.

Bài toán với các biến số tỷ giá, lạm phát, lãi suất và tăng trưởng dường như không thể giải được bằng các công cụ điều tiết ngắn hạn như chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, bởi vấn đề của bài toán không chỉ bó hẹp trong phạm vi kinh tế vĩ mô mà nằm ở phạm vi rộng hơn, bao gồm cả các lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế - xã hội như giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật; mô hình tăng trưởng; tình trạng tham nhũng, lãng phí…

Giải pháp cốt lõi để có thể giải quyết được mối quan hệ lạm phát – tăng trưởng (theo hướng tăng trưởng nhanh và lạm phát thấp) là tăng năng suất sản xuất xã hội, bao gồm năng suất lao động và năng suất của các yếu tố đầu vào khác, qua đó, tăng tỷ suất giá trị gia tăng trên vốn. Nền kinh tế Nhật Bản là một minh họa rõ nét cho câu chuyện này. Mặc dù tốc độ tăng năng suất sản xuất quá cao đã khiến kinh tế Nhật rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài trong hai thập kỷ qua, nhưng điều đó cho thấy, tác động của năng suất sản xuất tới chỉ số giá như thế nào.

Thực tế ở nước ta, chất lượng giáo dục, y tế, hạ tầng,… được cho là yếu kém; nạn tham nhũng, lãng phí tràn lan là những nhân tố gây nên tình trạng năng suất thấp của nền kinh tế nước ta (hệ số ICOR cao, khoảng 8 lần trong năm 2009), qua đó, tạo nên áp lực lạm phát do chi phí đẩy. Ngoài ra, mô hình tăng trưởng với sự ưu tiên thái quá cho khu vực kinh tế nhà nước, nhất là ưu tiên về vốn nhưng hiệu quả không cao; tăng trưởng thiên về chiều rộng;… càng làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Như vậy, để xử lý “tận gốc” vấn đề lạm phát, phải giải quyết tất cả các yếu tố trên. Cụ thể, nền giáo dục và y tế cần được điều chỉnh để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải thiện hạ tầng kỹ thuật, giảm tình trạng tham nhũng, lãng phí… để tiết kiệm thời gian và tiền của; kết hợp với điều chỉnh mô hình tăng trưởng để phân bổ nguồn lực hợp lý hơn.

Để giải quyết vấn đề tỷ giá, phải hạn chế đáng kể tình trạng nhập siêu nhưng nhập siêu là khó tránh khỏi do cơ cấu kinh tế nước ta thiếu hụt gần như hoàn toàn ngành công nghiệp phụ trợ, bên cạnh sự thiếu vắng các ngành mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, cạnh tranh. Sự mất cân đối trong cơ cấu ngành đã khiến chúng ta phải nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu chỉ để gia công với giá trị gia tăng thấp nhưng lại không thể xuất khẩu hết, đồng thời nhập khẩu rất nhiều hàng tiêu dùng. Do đó, muốn hạn chế nhập siêu một cách cơ bản, cần phải cơ cấu lại nền kinh tế, thậm chí điều chỉnh mô hình tăng trưởng.

Nếu lạm phát được kiểm soát một cách căn bản, ổn định, niềm tin của người dân vào đồng bản tệ sẽ tăng lên và sẽ hạn chế tình trạng “đô la hóa”, qua đó tạo thuận lợi hơn cho các chính sách can thiệp thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

Chừng nào những tồn tại nằm ngoài các yếu tố kinh tế vĩ mô như đã nêu còn chưa được cải thiện đáng kể thì nỗi lo mất giá tiền đồng còn hiện hữu. Nhưng để giải quyết những tồn tại đó, không thể trong một sớm một chiều mà cần nhiều thời gian, ít nhất là vài năm.