Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối (Safe) của Trung Quốc, 53% giao dịch trong và ngoài nước của Trung Quốc sử dụng đồng nhân dân tệ vào tháng 7, tăng từ khoảng 40% vào tháng 7/2021.
Dữ liệu cho thấy các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới do các ngân hàng thay mặt cho các khách hàng và chủ yếu thể hiện việc thanh toán thương mại, mặc dù nó cũng ghi lại dòng đầu tư và thanh toán nợ.
Việc sử dụng đồng nhân dân tệ xuyên biên giới đã được thúc đẩy sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ hạn chế khả năng giao dịch bằng đô la Mỹ của Nga sau khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra. Vào tháng 2 năm nay, Thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết, việc sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán, giao dịch tài chính và tiền gửi đã "tăng vọt".
Alexandra Prokopenko, nghiên cứu viên tại Viện Carnegie cho biết: "Tình hình trừng phạt đã tạo ra động lực to lớn để Trung Quốc phát triển hệ thống tài chính và phát triển các giải pháp liên kết hệ thống của Trung Quốc với hệ thống của Nga".
Tăng trưởng thương mại được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ cũng được thúc đẩy bởi các kênh hoán đổi tiền tệ mà Trung Quốc đã mở hoặc gia hạn trong suốt năm 2023 với Ả Rập Xê Út, Argentina và Mông Cổ - tất cả các nhà sản xuất hàng hóa có hàng hóa mà Trung Quốc cần.
Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), kể từ năm 2022, các ngân hàng thanh toán bù trừ mới cho đồng nhân dân tệ cũng đã được thành lập tại Lào, Kazakhstan, Pakistan, Brazil và Serbia.
Theo một số nhà phân tích, một lý do khiến Trung Quốc giữ tỷ giá hối đoái với đồng đô la Mỹ ổn định trong năm nay bất chấp áp lực bán đối với đồng nhân dân tệ là để khuyến khích các đối tác thương mại giao dịch nhiều hơn bằng đồng nhân dân tệ.
Louis-Vincent Gave của công ty dịch vụ tài chính Gavekal cho biết: "Bạn không thể đến Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc và nói rằng hãy giao dịch bằng đồng nhân dân tệ thay vì đô la Mỹ nếu bạn có một đồng tiền yếu. Để điều đó xảy ra, bạn cần phải có một đồng tiền ổn định".
Thanh toán xuyên biên giới của các đồng tiền chính |
Những nỗ lực trước đây của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đã bị chững lại sau khi PBOC tiến hành phá giá tiền tệ vào năm 2015 để chống lại sự suy giảm tăng trưởng kinh tế. Điều này đã thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Trung Quốc nhưng lại dẫn đến sự suy giảm đáng kể trong việc sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán và phải mất nhiều năm mới đảo ngược được.
Edwin Lai, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (Trung Quốc) chuyên về quốc tế hóa đồng nhân dân tệ cho biết, việc các nền kinh tế lớn như Trung Quốc thanh toán hầu hết các giao dịch bằng đồng tiền của mình là "bình thường".
Ông cho rằng Trung Quốc không muốn cạnh tranh với đồng đô la Mỹ nhưng các quan chức Trung Quốc "không muốn phụ thuộc" vào đồng tiền này.
Trên toàn cầu, đồng nhân dân tệ vẫn đứng thứ hai sau đồng đô la Mỹ về tài trợ thương mại. Theo dữ liệu mới nhất từ mạng lưới thanh toán quốc tế Swift, đồng nhân dân tệ cũng chỉ chiếm 4,74% các khoản thanh toán toàn cầu, sau đồng đô la Mỹ, euro và bảng Anh.
Tuy nhiên, theo Lucy Ingham, Tổng biên tập của FXC Intelligence, các hệ thống thanh toán thay thế như CIPS của Trung Quốc và các mạng lưới tư nhân khác khiến việc dựa vào Swift để cung cấp bức tranh toàn cảnh về các giao dịch tiền tệ toàn cầu trở nên kém tin cậy hơn.
Việc tăng thêm thị phần của đồng nhân dân tệ trong tài chính thương mại toàn cầu có thể bị hạn chế bởi sự miễn cưỡng của phương Tây trong việc giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.
"Tôi nghĩ rằng rất khó có khả năng chúng ta thấy giao dịch của Trung Quốc với Mỹ, với Liên minh châu Âu chuyển sang đồng tiền Trung Quốc", Daniel McDowell, giáo sư tại Đại học Syracuse và là thành viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết.
Những trở ngại lâu đời đối với việc sử dụng rộng rãi hơn đồng nhân dân tệ - đặc biệt là các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc và các hiệu ứng mạng lưới mạnh mẽ hỗ trợ việc sử dụng đồng đô la Mỹ - hạn chế tiến trình của đồng tiền này vượt ra ngoài việc thanh toán thương mại.
Wee Khoon Chong, chiến lược gia thị trường cấp cao tại BNY Mellon ở Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, hầu hết các nhà giao dịch ngoại hối vẫn thích giao dịch bằng đồng đô la Mỹ.
"Từ cơ sở khách hàng của chúng tôi, chúng tôi đã thấy hoạt động thanh toán bằng đồng nhân dân tệ ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc sử dụng đồng tiền này vẫn chưa đạt đến "bước ngoặt quan trọng" để thay thế một loại tiền tệ chính", ông nói.
“Trung Quốc không tìm cách lật đổ sự thống trị toàn cầu của đồng đô la Mỹ… Điều đó đi kèm với rất nhiều trách nhiệm và chấp nhận một số điểm yếu nhất định. Động cơ của Trung Quốc ở đây chủ yếu là về quyền tự chủ và khả năng phục hồi”, giáo sư McDowell cho biết.