Sau Đà Nẵng, Nha Trang, giới đầu tư bất động sản đang hướng tầm ngắm tới thị trường Vũng Tàu. Ảnh: Gia Huy

Sau Đà Nẵng, Nha Trang, giới đầu tư bất động sản đang hướng tầm ngắm tới thị trường Vũng Tàu. Ảnh: Gia Huy

Đông Nam Bộ: Nóng bỏng những dự án bất động sản tỷ đô

(ĐTCK) Có thể nói, chưa lúc nào thị trường bất động sản các tỉnh lân cận TP.HCM được giới đầu tư địa ốc quan tâm như hiện nay, đặc biệt là các tỉnh Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nóng bỏng những dự án tỷ đô

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Đề án xác định mục tiêu phát triển vùng TP.HCM trở thành một vùng đô thị lớn, phát triển năng động và bền vững; có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế.

TP.HCM trở thành một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phạm vi vùng TP.HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang.

Trong 7 tỉnh lân cận TP.HCM trong quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM, các tỉnh thuộc vùng Đông Nam của TP.HCM đang nhận được sự chú ý nhiều hơn của các nhà đầu tư, bởi đây cửa ngõ quan trọng của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Vốn dĩ là một thị trường ít được nói đến nhiều, song thời gian gần đây, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực sự nóng lên khi lọt vào tầm ngắm của hàng loạt đại gia địa ốc. Mới đây, Tập đoàn Tuần Châu đã đề xuất với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phát triển một siêu dự án mang tên Marina City tọa lạc tại khu đất rộng 345 ha ven biển, dọc khu vực từ Bãi Trước đến Bãi Dâu (TP. Vũng Tàu).

Theo thông tin từ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng một khu bãi tắm công cộng và cảng tàu quốc tế để đón đu khách. Khu tổng hợp dịch vụ du lịch sẽ bao gồm khu thương mại cao cấp, khách sạn siêu sang, khu căn hộ cao cấp, condotel và khu biệt thự biển. Dự án có khu vui chơi giải trí gồm biểu diễn thực cảnh, biểu diễn cá heo - hải cẩu - sư tử biển, trung tâm âm nhạc - điện ảnh - thời trang và là nơi tổ chức bắn pháo hoa và nhạc nước hàng đêm.

Hiện đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu nhận được sự quan tâm và ủng hộ của lãnh đạo địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Tập đoàn Tuần Châu tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành, tiến hành bổ sung, hoàn chỉnh đồ án để báo cáo xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, các cơ quan chức năng rà soát các dự án đã cấp phép, đồng thời điều chỉnh quy hoạch khu vực dự kiến xây dựng dự án.

Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mục tiêu của dự án là xây dựng khu đô thị cảng, du lịch đa chức năng, hiện đại, hài hòa cảnh quan thiên nhiên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân địa phương và du khách trong và ngoài nước. Nếu dự án được triển khai theo kế hoạch, đây sẽ là một trong những dự án bất động sản nghỉ dưỡng tỷ đô có quy mô lớn tại Vũng Tàu.

Không chỉ có Tập đoàn Tuần Châu, nguồn tin mới đây nhất từ Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, sau khi phát triển thành công Dự án Melody Vũng Tàu, doanh nghiệp này vừa chi ra cả ngàn tỷ đồng để mua đứt 4 dự án có quy mô khá lớn ngay trung tâm TP. Vũng Tàu. Dự kiến, các dự án này lần lượt sẽ chính thức được khởi động trong thời gian tới.

Tương tự, nguồn tin mới nhất từ Công ty Bất động sản Danh Khôi (Công ty thành viên của Netland) cũng cho biết, doanh nghiệp này vừa mua thành công một dự án có quy mô gần 10 ha ngay trung tâm TP. Bà Rịa, đang phát triển thành khu đô thị mang tên Barya City…

Giống như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai cũng lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư địa ốc. Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các đại gia địa ốc tên tuổi ở TP.HCM đều có mặt tại Đồng Nai. Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, Tập đoàn Novaland đang có kế hoạch đầu tư một dự án có quy mô khá lớn ở khu vực TP. Biên Hòa.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản TP.HCM tìm về Đồng Nai để phát triển dự án.  Ảnh: Lê Toàn

Còn theo ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh, hiện doanh nghiệp này đang có một quỹ đất khá lớn tại Đồng Nai và đang lên kế hoạch sẽ triển khai thành những khu đô thị lớn.

Đặc biệt, Đồng Nai thời gian gần đây trở thành địa chỉ của những dự án tỷ đô, đơn cử như Dự án Amata City Biên Hoà do Tập đoàn Amata làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 2,66 tỷ USD, thu hút 164 nhà đầu tư thứ cấp đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kế hoạch sẽ phát triển thành một thành phố thông minh, tạo ra 49.000 việc làm.

Kế bên Amata City Biên Hòa, một dự án tỷ đô khác là Dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng. Dự án do Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (DonaCo.op) làm chủ đầu tư, có quy mô 1.300 ha, bao gồm 5 dự án thành phần với tổng số vốn đầu tư ban đầu lên đến trên 2 tỷ USD. Đây là dự án tâm điểm của thị trường bất động sản Đồng Nai thời gian qua, được mênh danh là một Phú Mỹ Hưng của Đồng Nai…

Bệ phóng mới của thị trường địa ốc phía Nam

Nhận định về xu hướng doanh nghiệp chuyển ra vùng ven, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, không phải đến lúc này, câu chuyện giãn dân của TP.HCM ra các khu đô thị vệ tinh đã được các nhà quản lý nhìn thấy và tính toán từ trước đó.

Theo đó, chiến lược trước hết được đặt ra cho xu hướng này là phải phát triển hệ thống giao thông hạ tầng kết nối liên vùng, đồng bộ.

Thời gian qua, hàng loạt công trình hạ tầng như đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Metro số 1 nối TP.HCM với Bình Dương, Đồng Nai… được triển khai là những khởi đầu cho mục tiêu của các khu đô thị vệ tinh trong xu thế giãn dân của TP.HCM.

Còn theo ông Thìn, câu chuyện của bất động sản các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trong tương lai khả năng cũng sẽ giống như kịch bản vùng ven của TP.HCM 15 năm về trước. Bởi hiện nay, chính sách phát triển hạ tầng kết nối liên vùng ngày càng được hoàn thiện, thì câu chuyện người dân làm việc tại TP.HCM và sống ở các tỉnh, thành phố lân cận sẽ trở thành xu hướng tất yếu.

“Ở Nhật Bản hay ở Mỹ, người dân đi làm với quảng đường 100 - 200 km là bình thường do hạ tầng phát triển quá tốt. Còn ở TP.HCM, với sức ép đô thị ngày càng gia tăng, trong tương lai, người dân có thể sống ở Đồng Nai, Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu và đi làm ở TP.HCM là chuyên bình thường”, ông Thìn nói và cho rằng, xu hướng này đã bắt đầu đến giai đoạn chín mùi khi chính sách đầu tư hạ tầng liên vùng thời gian qua phát triển mạnh. 

Về tầm nhìn phát triển đô thị TPHCM hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố sống tốt thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhấn mạnh, muốn TP.HCM bớt chật chội thì phải thực hiện được chiến lược liên kết vùng để giãn dân. Theo ông Hòa, trong việc liên kết vùng, để thực hiện chính sách giãn dân, các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu được xem là hướng phát triển nhất hiện nay.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan